Thứ 2, 20/05/2024 05:20:23 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giải trí 14:27, 06/12/2013 GMT+7

Con ghiền...học

Thứ 6, 06/12/2013 | 14:27:00 243 lượt xem

Tôi trở lại thăm một gia đình ở huyện Nhà Bè, TP.HCM từng được tuyên dương về nghị lực vượt khó. Làm đủ nghề từ chằm lá dừa nước, phụ hồ, giúp việc nhà…, ông bà tảo tần lo cho bốn con ăn học. Bảy năm trôi qua, tưởng ông bà đã nhẹ gánh, nào ngờ cuộc sống cơ cực, vất vả vẫn đeo bám. Tất cả chỉ vì các con của ông bà quá… hiếu học.

Ông bà tính, sau khi đứa con cả tốt nghiệp trung cấp sẽ đi làm, có lương phụ lo cho các em (đứa mới vào đại học, đứa lớp 11, đứa lớp 8). Nhưng, sau năm tháng xin việc lận đận, con cả cho rằng hệ trung cấp khó tìm việc làm, “phải liên thông lên đại học”. Thực ra, vẫn có một vài chỗ tuyển nhưng cậu cả chê lương bèo, môi trường làm việc tù túng, khó phát huy năng lực. Vốn tính sĩ diện, cậu không muốn bị chúng bạn chê bai, dè bỉu. Cậu nói: “Cha mẹ đã lo thì lo cho trót. Trước sau gì cũng phải lên đại học, học ngay bây giờ thì thuận lợi hơn. Ra trường, chắc chắn con sẽ tìm được công việc tốt”. Ông bà khuyên con “lấy ngắn nuôi dài”, tìm việc làm tạm vài năm vừa để tích lũy kinh nghiệm, vừa để phụ nuôi các em nhưng cậu cả vẫn gạt ngang. Trình độ thấp lại ít tiếp xúc xã hội, ông bà đành chấp nhận kế hoạch của con. Ông bà tự an ủi: “Con mình đâu hư hèn, chơi bời như con người ta, nó có chí thì mình phải ráng lo”. Họ hàng, bạn bè hỏi về công ăn việc làm, cậu cả tự hào khoe “tôi sắp học lên nữa!”. Cha mẹ cậu thì lắc đầu, thở dài.

Mong ngày đứa con thứ hai tốt nghiệp, nhưng khi con điện thoại tuyên bố học văn bằng hai, ông bà nghe mà… rụng rời. Càng học, cô càng nhận ra mình không thích hợp với ngành đã chọn, cộng với chuyện các anh chị khóa trước ra trường tìm việc khá trầy trật gian nan nên cô đâm nản. Cô quyết tâm theo đuổi ngành khác, mặc cho sức khỏe cha mẹ yếu dần, không thể làm nhiều việc như trước đây. Cô phân bua: “Anh Hai học được sao con không học được? Cha mẹ ít chữ nên cuộc sống mới túng bấn, chẳng lẽ cha mẹ cũng muốn con lặp lại cảnh khổ như vậy?”. Sức đã đuối, nhưng trước sự “ham học” của con, ông bà không còn cách nào khác là tiếp tục hy sinh. Theo “sách” của anh chị, hai em nhỏ cũng không thích học trung cấp, trường nghề. Tới đợt đóng học phí, các con về báo số tiền, mặc ông bà xoay xở. Được an ủi vì các con có chí học hành, quyết tâm đổi đời, nhưng điều khiến ông bà buồn lòng là các “sinh viên lâu năm” chỉ lo cho bản thân, ngày càng thờ ơ, không đoái hoài đến cha mẹ, không thấy lưng mẹ đã còng thêm, cha đuối sức.

Một phụ huynh ở Tiền Giang còn khổ tâm hơn vì cậu trai út “ghiền học”, dù việc đèn sách chẳng ra hồn ra vía. Cậu đã dành tám năm cho đời sinh viên, theo học ba ngành, nợ nhiều môn. Hỏi ngày ra trường, cậu út cứ nói: “Gần xong, đang thi trả nợ mấy môn cuối”. Ngày đầu tiễn con trai đi thi, mẹ còn khỏe, nay bà đã qua đời, đến kỳ giỗ thứ tư; người chị tốt nghiệp đại học đã lấy chồng, sinh con. Hàng tháng, cha cậu ở quê cắc củm bán trái cây gửi lên theo yêu cầu của cậu. Việc coi sóc, quản lý cậu út, ông giao cả cho con gái. Nhà của anh chị, cậu út không chịu ở với lý do chật chội, đi học xa. Ông phải tốn thêm khoản tiền cho con thuê trọ. Thực ra, cậu út không chịu học hành đàng hoàng, anh chị la rầy khiến đôi bên xung đột. Con gái báo tin cho cha, ông cũng chỉ gọi điện thoại khuyên nhủ, không thể bắt cậu nghỉ học, cắt “viện trợ” vì dù sao cậu cũng học “gần xong”, chẳng lẽ để bao công lao đổ sông đổ biển?

Trong khi cha mẹ hết lòng lo cho tương lai sự nghiệp của con thì không ít người con lại “đứng núi này trông núi nọ”, sĩ diện hão, ích kỷ, vô tâm, chẳng cùng chia sẻ gánh nặng với cha mẹ hoặc lấy cớ ăn học để thỏa mãn nhu cầu tiêu pha, vui chơi của bản thân. Học là tốt nhưng cần có sự cân nhắc, bàn bạc giữa cha mẹ và con để linh hoạt chọn lựa, hoạch định việc học, cách học, thời điểm học sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình.

(Theo PNO)

  • Từ khóa
107357

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu