Thứ 6, 26/04/2024 11:37:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:29, 06/12/2019 GMT+7

Quá xem nhẹ tính mạng học sinh

Thứ 6, 06/12/2019 | 09:29:00 343 lượt xem
BP - Tuần trước, ở Đồng Nai xảy ra 2 vụ xe đưa rước làm rớt học sinh xuống đường khi xe đang chạy trên đường. Trong khi nhiều người còn chưa hết bàng hoàng thì ở thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, phụ huynh lại thêm một phen hốt hoảng khi xe chở khoảng 10 học sinh tiểu học vào sáng 4-12, cách cổng Trường tiểu học An Phú thuộc phường An Phú khoảng 500m thì bốc cháy. Điều gì khiến xe đưa rước học sinh cứ luôn gây họa như vậy?

Qua tìm hiểu từ các tài xế từng lái xe đưa rước học sinh được biết, hầu hết các xe dùng chở học sinh thường “hết đát” không thể chạy đường dài, chủ xe thuê phụ tùng để “làm mới” trước khi đưa đi đăng kiểm, sau đó về tháo ra, thay đổi kết cấu để chở được nhiều học sinh vì bán kính đưa rước ngắn. Phụ huynh đa số chỉ “hợp đồng miệng” với lái xe đưa đón con mỗi ngày, mà không biết hoặc không quan tâm phương tiện đã được cơi nới, tháo băng ghế để nhồi nhét thêm học sinh.

Vì nhiều lý do nên phụ huynh không thể đưa đón con nên chỉ biết trông mong lực lượng chức năng quan tâm rà soát, kiểm tra các xe đưa đón học sinh trên địa bàn; khi phát hiện sai phạm phải xử lý nghiêm để đảm bảo an toàn cho con em. Nhưng đó không phải là mấu chốt giải quyết được gốc rễ vấn đề, nếu các nhà xe vì lợi nhuận vẫn cố tình sử dụng những loại xe “quá đát” như vậy để đưa đón học sinh đến trường. Cuối năm 2018, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp xử lý nghiêm xe hết hạn sử dụng, quá hạn kiểm định vẫn lưu thông. Theo đó, các địa phương cũng quyết liệt kiểm tra, xử phạt xe hết niên hạn sử dụng, hết hạn đăng kiểm, không có hợp đồng đưa đón học sinh...

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, năm 2018 có 24.439 ôtô hết hạn sử dụng từ ngày 1-1-2018 và năm 2019 có thêm hơn 19.000 ôtô “quá đát”, không được lưu thông trên đường. Nhưng trong số đó, bao nhiêu xe được “độ” lại, tiếp tục tận dụng “phục vụ” con trẻ? Chỉ riêng tỉnh xảy ra vụ làm rớt học sinh khi xe đang chạy trên đường (Đồng Nai), trong 10 tháng năm 2019 cũng đã xử phạt 135 xe đưa rước học sinh trên địa bàn vi phạm các điều kiện kinh doanh vận tải. Thậm chí có xe hết hạn đăng kiểm hơn 5 năm vẫn hằng ngày đưa đón học sinh tiểu học (thuộc TP. Biên Hòa). Tin chắc đây không phải trường hợp cá biệt, nếu ngành giao thông - vận tải làm một cuộc điều tra trên khắp tỉnh, thành phố trong cả nước.

Điều đó đã gióng lên hồi chuông báo động về đạo đức xã hội, vì sự thờ ơ, vô cảm trước việc kêu gọi mọi người “chung tay chăm lo cho thế hệ trẻ, những mầm non tương lai đất nước” được tuyên truyền và ban hành thành Luật Trẻ em năm 2016. Vì tiền, nhiều người đã bất chấp đẩy những đứa trẻ non nớt cần được bảo vệ, chăm sóc vào mối nguy hiểm, bị rẻ rúng tính mạng đến đáng sợ. Với tình trạng này, khẩu hiệu: “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” hay “Tất cả vì học sinh thân yêu” xem ra chưa đi vào cuộc sống? 

An Nhiên

  • Từ khóa
109244

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu