Thứ 6, 26/04/2024 21:37:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:29, 15/08/2019 GMT+7

Sự tôn trọng với nhà giáo

Thứ 5, 15/08/2019 | 09:29:00 193 lượt xem

BP - Những ngày qua, trên cộng đồng mạng chia sẻ đoạn clip dài 1 phút 15 giây ghi lại tại một lớp học. Đó là clip ghi lại đầu tháng 8-2019 khi thầy Cesar Punzalan - giáo viên dạy môn Sinh học và Hóa học tại trường liên cấp 2-3 Immaculate Heart of Mary, thành phố San Pedro, Philippines, bước vào lớp vừa tới bàn giáo viên có học sinh đem tới một hộp giấy cứng. Mở hộp ra, bên trong là một đôi giày học trò tặng, thầy Cesar Punzalan đã từ từ rơi những giọt nước mắt xúc động.

Thầy Cesar Punzalan có lương rất khiêm tốn, phải chi tiêu tiết kiệm để có tiền chữa bệnh cho con. Hằng ngày, thầy đi bộ 8km mất hơn 1 giờ để tới trường. Khó khăn là vậy, nhưng thầy luôn cố gắng đem đến những giờ học tuyệt vời cho học sinh và không tiết lộ hoàn cảnh của mình. Thấy thầy đi giày đã rách và biết được khó khăn của thầy, học sinh một lớp 12 của trường đã quyết định quyên góp tiền mua tặng thầy đôi giày mới...

Đoạn clip và câu chuyện đến với cộng đồng mạng Việt Nam đúng thời điểm chuẩn bị bước vào năm học 2019-2020 và hàng vạn phụ huynh đang phải lo nhiều khoản cho con em mình. Đối với học sinh đầu cấp phải lo thêm việc lựa chọn cho con mình một lớp học ưng ý, một giáo viên chủ nhiệm tin cậy. Đặc biệt bước vào lớp 1 là cả một quá trình chuẩn bị và gửi gắm... Và đi liền với nỗi lo lắng, sự chuẩn bị ấy, luôn kèm theo một thứ không thể thiếu, đó là vấn đề “đầu tiên”. Không có tiền thì phải chấp nhận sự sắp đặt ngẫu nhiên của nhà trường và thường rơi vào lớp ít được quan tâm, lớp có nhiều học sinh yếu kém, lớp do giáo viên không giỏi phụ trách...

Nhiều năm qua, mối quan hệ thầy - trò theo thời gian và bị ảnh hưởng bởi các mối quan hệ khác trong xã hội cũng có nhiều thay đổi. Dân tộc và nền giáo dục Việt Nam vốn có truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Nghề giáo cùng với nghề y được xã hội gắn với chữ “thầy”. Nhà giáo xưa không chỉ dạy chữ mà còn dạy học trò lễ nghi, đạo đức và cách ứng xử với mọi người xung quanh. Vì vậy, người thầy dạy học xưa được xã hội kính trọng, cũng luôn là người mực thước, có cốt cách đáng quý. Học trò sau này thành đạt hoặc dù có “bán tự vi sư” cũng luôn không quên thầy cũ của mình. Và cũng vì thế người Việt mới có truyền thống “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”.

Ngày nay, giáo viên đứng trên bục giảng mặt bằng chung được trang bị nhiều kiến thức, nhiều kỹ năng giảng dạy hơn so với trước kia. Điều này là hiển nhiên bởi xã hội và khoa học giáo dục phát triển không ngừng, ngày một hiện đại hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, không phải nền giáo dục nào, nhà trường nào, thầy cô nào cũng lĩnh hội và phát huy được điểm mạnh ấy. Và không phải phụ huynh nào cũng giữ tốt đẹp và tránh được những gì không tốt đẹp trong quá trình giáo dục có sự thay đổi. Mối quan hệ thầy - trò, thầy - phụ huynh học trò và người thầy với xã hội có rất nhiều thay đổi. Không ít bậc phụ huynh cho rằng đóng tiền cho nhà trường là xong, trách nhiệm dạy bảo con em họ do xã hội giao phó và người thầy phải thực hiện. Vì áp lực thành tích học tập, nhiều giáo viên chỉ quan tâm tới điểm số bài kiểm tra, bài thi mà không quan tâm hoàn thiện nhân cách, phẩm chất cho học trò.

Và quan trọng hơn, bản thân người thầy cũng giảm sút đạo đức nhà giáo, không gương mẫu, thậm chí sa sút đạo đức như ép học sinh đến nhà học thêm, tiêu cực trong thi cử... Người làm thầy, nếu không được chính học trò của mình, rồi đến phụ huynh của học trò tôn trọng, kính trọng, thì làm sao có được sự tôn trọng, kính trọng của các đối tượng trong xã hội?

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu