Thứ 3, 30/04/2024 15:41:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:46, 15/04/2024 GMT+7

Khơi dậy thói quen đọc sách

Minh Luận
Thứ 2, 15/04/2024 | 04:46:00 1,391 lượt xem
BPO - Năm nay, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam diễn ra từ 15-4 đến hết 1-5 trên phạm vi cả nước. Với các thông điệp “Sách hay cần bạn đọc”, “Sách quý tặng bạn”, “Tặng sách hay - Mua sách thật”, “Sách hay: Mắt đọc - Tai nghe”, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đã và đang được các tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai sâu rộng. Mỗi địa phương, đơn vị, tùy điều kiện, đặc thù tổ chức theo hình thức, quy mô phù hợp, nhưng thông điệp chính vẫn là khơi dậy và hình thành thói quen đọc sách trong nhân dân - một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt.

Ai đó từng nói: “Mỗi cuốn sách hay cho ta một điều tốt, mỗi người bạn tốt cho ta một điều hay”. Sách có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Thế nhưng, trước cuộc sống hiện đại, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã làm thói quen đọc sách của một bộ phận người trẻ Việt Nam thay đổi và đang dần bị mai một. Khơi dậy thói quen đọc sách và hình thành văn hóa đọc trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng xã hội là việc làm cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Đọc sách có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Sách là kho tàng kiến thức vô tận. Đọc sách không chỉ giúp ta lĩnh hội tri thức, mở mang sự hiểu biết, làm phong phú ngôn từ, đọc sách còn giúp ta tìm thấy sự bình an, thư thái trong tâm hồn. Không như văn hóa nghe - nhìn, chỉ cần những cái chạm, lướt nhẹ trên màn hình điện thoại thông minh bạn đã lĩnh hội được những thông tin cần tìm, nhưng đọc sách đòi hỏi ở mỗi người sự kiên trì, tập trung lắng nghe thông điệp trong từng câu chữ.

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong toàn xã hội; xem việc phát triển văn hóa đọc chính là động lực, công cụ quan trọng để góp phần xây dựng nền văn hóa đọc Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngày 24-2-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg, lấy ngày 21-4 hằng năm là Ngày sách Việt Nam, đến năm 2017 thì ban hành Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”. Đặc biệt, để phát triển văn hóa đọc lên tầm cao mới, ngày 4-11-2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Theo đó, quyết định tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào 21-4 hằng năm trên phạm vi toàn quốc. Mục đích nhằm khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục, rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức; góp phần xây dựng xã hội học tập…

Tại tỉnh Bình Phước, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đã được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, hấp dẫn như: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam; trưng bày, triển lãm sách tại các thư viện; xây dựng và bàn giao nhiều tủ sách cho các đồn biên phòng, nhà văn hóa thôn, ấp, khu phố; tặng sách cho trẻ em nghèo, thư viện các trường học vùng sâu, vùng xa…

Nhiều cách làm đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần đam mê đọc sách trong nhân dân. Tuy nhiên, để phát triển văn hóa đọc thì vấn đề “gốc rễ” là phải xây dựng, hình thành được thói quen đọc sách. Chỉ khi tạo dựng được thói quen thì việc đọc sách mới thực sự phát huy hiệu quả. Khi ấy ebook (sách điện tử) hay sách in không còn quan trọng, mà chất lượng sách, báo mới là điều bạn đọc quan tâm và thu hút, giữ chân người đọc, từ đó hình thành thói quen, đam mê đọc sách và xây dựng văn hóa đọc.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu