Thứ 4, 01/05/2024 01:35:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:47, 11/04/2024 GMT+7

Càng sớm càng tốt!

Thiên An
Thứ 5, 11/04/2024 | 04:47:53 1,420 lượt xem
BPO - Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về triển khai giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, từ ngày 1-7-2024, khi chuyển tiền qua tài khoản trực tuyến hoặc nạp tiền vào ví điện tử từ hơn 10 triệu đồng, phải được xác thực sinh trắc học qua khuôn mặt hoặc vân tay. Động thái này của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm ứng phó với tình trạng khách hàng bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản bằng nhiều thủ đoạn ngày càng phức tạp, tinh vi trong thời gian qua.

Đối tượng lừa đảo với thủ đoạn tự xưng là người của các cơ quan nhà nước như: Công an, tòa án, thanh tra giao thông, ngân hàng... và đưa ra các tình huống cấp bách, nếu không thực hiện ngay sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, khiến nạn nhân rối lên, mất cảnh giác, truy cập vào phần mềm, đường link có mã độc mà chúng gửi tới. Qua đó, các đối tượng lừa đảo đã thực hiện trót lọt nhiều vụ với số tiền lớn. Dù các ngân hàng thường xuyên cảnh báo về phương thức lừa đảo này nhưng không ít khách hàng vẫn mắc bẫy. Gần đây nhất là vụ hơn 58 tỷ đồng của khách gửi tại Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam bỗng nhiên “bốc hơi”, gây xôn xao dư luận và gây bất an cho hàng triệu khách hàng. Tại Bình Phước, tháng 8-2022, một khách hàng nữ tại huyện Hớn Quản cũng bị mất 200 triệu đồng sau khi làm theo yêu cầu của một kẻ tự xưng là điều tra viên Công an huyện Hớn Quản... Cho đến lúc này, câu hỏi “trách nhiệm thuộc về ai?” vẫn chưa có câu trả lời và người phải chịu rủi ro, thiệt hại hiện vẫn là “thượng đế” của các ngân hàng. 

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, với phương thức xác thực bằng sinh trắc học, sau khi cài đặt thành công hình ảnh khuôn mặt hoặc dấu vân tay của chủ tài khoản trên thiết bị di động thông minh, các giao dịch sẽ được xác thực chỉ trong 1 giây. Tính năng này không chỉ giúp khách hàng tiết kiệm thời gian giao dịch mà còn hạn chế tối đa việc rò rỉ thông tin, tránh nguy cơ lừa đảo trực tuyến. Thời điểm hiện tại, công nghệ xác thực sinh trắc học trong chuyển khoản được đánh giá an toàn và hiệu quả, nhất là khi việc sử dụng mật khẩu để xác thực đã lỗi thời bởi có nhiều khách hàng quên mật khẩu, vừa mất thời gian và kinh phí lấy lại mật khẩu vừa giảm áp lực công việc cho nhân viên ngân hàng.

Câu hỏi đặt ra tại sao lại là giao dịch từ hơn 10 triệu đồng sẽ phải áp dụng sinh trắc học mà không phải con số nào khác (?!). Và câu trả lời từ Ngân hàng Nhà nước là: có đến 90% các giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng ở mức dưới 10 triệu đồng, chỉ khoảng 10% khách hàng chuyển hơn 10 triệu đồng, trong đó chỉ dưới 5% chuyển từ 20 triệu đồng trở lên. Với tỷ lệ như vậy, mức độ ảnh hưởng từ việc áp dụng sinh trắc học khi chuyển tiền đến đối tượng khách hàng là rất ít. Vả lại, khi thực hiện giao dịch chuyển tiền bằng sinh trắc học cũng chỉ thực hiện thao tác đơn giản là đưa khuôn mặt vào màn hình điện thoại thông minh và xác thực với khuôn mặt đã được dùng để mở tài khoản trong khoảng thời gian từ 3-5 giây. Biện pháp này cũng sẽ vô hiệu hóa nạn mua bán, cho thuê tài khoản ngân hàng trong thời gian qua. Và khi quy định này được thực hiện, kể cả khi khách hàng lỡ chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng lừa đảo rồi vẫn có thể lấy lại tiền. Trong trường hợp kẻ gian dùng tài khoản của mình để chuyển tiền thì cơ quan chức năng sẽ nhanh chóng xác định được danh tính kẻ lừa đảo qua đối chiếu với thông tin trên căn cước công dân gắn chip. 

Thực tế, biện pháp áp dụng sinh trắc học trong giao dịch chuyển khoản cũng không tránh khỏi những bất cập, có thể gây khó khăn cho một số tổ chức tín dụng, như phải đầu tư hạ tầng công nghệ, nhân sự… Tuy nhiên, vì lợi ích chung của cả cộng đồng, bảo vệ an toàn tiền gửi của người dân và an toàn xã hội thì việc áp dụng sinh trắc học trong chuyển khoản rất nên làm và càng sớm càng tốt!

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu