Thứ 3, 30/04/2024 19:37:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 04:04, 17/04/2024 GMT+7

Lời cảnh báo đanh thép

Trần Phương
Thứ 4, 17/04/2024 | 04:04:56 1,132 lượt xem
BPO - Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã tuyên án tử hình đối với Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Đây là điều được dự báo trước, cũng là điều đại đa số nhân dân cả nước mong đợi. Không ai vui khi đồng loại của mình mất đi tính mạng. Có lý trí sắt đá chăng nữa, trước án tử hình, đặc biệt là tử hình một doanh nhân, chủ doanh nghiệp, không ai không cảm thấy bất an. Nhưng đây là trường hợp đặc biệt, khi tòa án tuyên bản án tử hình, ai cũng thấy an lòng.

Chỉ trong 10 năm từ 2012-2022, nhóm do Trương Mỹ Lan thao túng đã vay hơn 2.500 khoản, với tổng hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). Cuối năm 2022, nhóm do Trương Mỹ Lan thao túng, còn 1.284 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng và trong nhóm không có khả năng thu hồi. 

Đó là một vài trong số nhiều con số khiến ai cũng ngạc nhiên. Trương Mỹ Lan đã dùng nhiều thủ đoạn khác nhau chiếm đoạt số tài sản tương đương 10% tổng sản phẩm GDP của cả nước Việt Nam trong năm 2023. Vì thế, tử hình là bản án thích đáng, là bản án người dân lương thiện nào cũng chờ đợi từ cán cân công lý. Ngoài án tử hình về tội tham ô tài sản, Trương Mỹ Lan còn phải nhận 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay, 20 năm tù về tội đưa hối lộ… 

Nhiều năm qua, cả nước không còn bất ngờ khi nhận thông tin cán bộ lãnh đạo các cấp, từ cấp Trung ương đến cấp tỉnh bị kỷ luật, bị khởi tố, bị bắt tạm giam hay phải ra tòa, nhận án. Đó là cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống “sâu mọt” trong bộ máy nhà nước, trong hệ thống chính trị, đến nay vẫn còn rất nóng, rất quyết liệt. Đó là sự răn đe, là những lời cảnh báo đanh thép đối với cán bộ thoái hóa, biến chất, trục lợi cho bản thân, người thân, ê-kíp, nhóm lợi ích của mình.

 Và Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan, bản án tử hình, là lời cảnh báo tiếp theo vô cùng đanh thép đối với trường hợp tư nhân làm ăn bất chính. Lời cảnh báo này dữ dội, quyết liệt, sức nóng không kém so với cuộc đấu tranh trong bộ máy nhà nước.

Không ít chủ doanh nghiệp đã thao túng, dùng nhiều thủ đoạn khác nhau hoặc “đi đêm” với cán bộ thoái hóa, biến chất để làm giàu phi pháp. Và đã có không ít chủ doanh nghiệp bị khởi tố, bắt tạm giam, chuẩn bị đứng trước vành móng ngựa chịu sự phán xét của công lý như Trương Mỹ Lan. 

Con số triệu tỷ, ngàn tỷ, gắn với chủ doanh nghiệp làm ăn bất chính như Trương Mỹ Lan, Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc AIC), Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways)… còn gắn với hàng loạt quan chức các cấp, các địa phương thoái hóa bị đánh gục bởi kim tiền.

Những hậu quả để lại nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng về kinh tế trên phạm vi rộng, vô hiệu hóa chính sách của Nhà nước, mất uy tín của đội ngũ cán bộ… không khó thấy. Nhưng san lấp, khắc phục hậu quả đó thì không dễ và không thể một sớm một chiều. Không chỉ có số tiền các chủ doanh nghiệp chiếm đoạt, còn là rất nhiều dự án ngàn tỷ của Vạn Thịnh Phát, FLC… đã, đang triển khai bị đóng băng, dẫn tới tài sản nhà nước kê biên, vốn góp của nhà đầu tư, nhân dân… chưa biết đến bao giờ mới thu hồi được. 

Từ thực tiễn đó cho thấy, trong công cuộc phòng, chống, đấu tranh với tham ô, tham nhũng, tiêu cực, cũng như đấu tranh phòng, chống lãng phí, công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng… thì đầu tư cho “phòng” có lẽ chi phí sẽ thấp hơn rất nhiều so với tổn thất nếu phải đi “chống”.

Và bản án của tòa án, án kỷ luật của tổ chức - là những lời cảnh báo đanh thép, hiệu quả hơn rất nhiều so các bài học lý thuyết.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu