Thứ 3, 30/04/2024 16:04:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 05:32, 12/04/2024 GMT+7

Bước chuyển mình mới

Tấn Hòa
Thứ 6, 12/04/2024 | 05:32:42 1,741 lượt xem
BPO - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa chủ trì phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý 1/2024. Những kết quả nổi bật của tháng 3 và quý 1 cho thấy sự bứt tốc ngoạn mục trên tất cả lĩnh vực của nước ta trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn về địa chính trị, kinh tế và xung đột vũ trang tại nhiều nơi như hiện nay.

Theo đánh giá, tăng trưởng GDP quý 1 ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất kể từ năm 2020 đến nay. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,77%; thu ngân sách ước đạt 31,7% dự toán, tăng 9,8% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 17%; nhập khẩu tăng 13,9% so với cùng kỳ. Đặc biệt, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký trong quý 1 đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023; vốn thực hiện đạt 4,6 tỷ USD, tăng 7,1%. Nhiều doanh nghiệp lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo… Như vậy, sau cuộc lội ngược dòng ngoạn mục về thu hút vốn FDI năm 2023, niềm tin của doanh nghiệp nước ngoài về môi trường hoạt động, kinh doanh tại Việt Nam đang ngày càng tăng cao. Đồng thời khẳng định, bên cạnh những ưu điểm như chính trị ổn định, chất lượng nguồn nhân lực đang dần được cải thiện, môi trường đầu tư tại Việt Nam đã có những bước chuyển mình tích cực, trở thành miền đất hứa, điểm đến lý tưởng cho dòng vốn FDI.

Qua khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý 1/2024 đạt 52,8 điểm, cao nhất kể từ năm 2022. Hơn 54% số doanh nghiệp châu Âu sau khi khảo sát môi trường đầu tư tại nước ta đều nhận định, Việt Nam là thị trường năng động với triển vọng tăng trưởng, là điểm đến đầu tư hàng đầu hiện nay. Còn Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Việt Nam cho biết, qua khảo sát hơn 56,7% doanh nghiệp nước này sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới. Điều dễ nhận thấy là trong số nhóm các quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam từ trước đến nay, có không ít nhà đầu tư đến từ châu Âu và Mỹ. Các doanh nghiệp này có thế mạnh phát triển ngành công nghiệp cao, được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, tạo cú hích cho phát triển bền vững tại các ngành công nghiệp thế mạnh của Việt Nam, đồng thời góp phần cải thiện chất lượng và hiệu quả trong quá trình chuyển hướng đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, xây dựng kinh tế số, thúc đẩy cách mạng 4.0. Cùng với đó, thời gian gần đây, làn sóng FDI đang chuyển hướng đầu tư và tăng vốn vào Việt Nam đã giúp bức tranh thu hút FDI của nước ta thêm nhiều gam màu sáng.

Để tiếp tục tạo ra những đột phá mới trong thu hút vốn FDI, ngoài phát huy những lợi thế, hiệu quả và kết quả trong thời gian qua, cần tiếp tục tập trung vào các đột phá chiến lược về thể chế, quan tâm đến các ngành, lĩnh vực có khả năng đóng góp cho quá trình “xanh hóa” nền kinh tế, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số… Việt Nam cần đẩy mạnh việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện nhất quán chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đặc biệt, cần ưu tiên thu hút đầu tư các dự án ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch với các sản phẩm có giá trị thương mại mang tính cạnh tranh cao nhằm tham gia vào chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu để góp phần đưa kinh tế Việt Nam phát triển bền vững và trở thành điểm sáng mới trên toàn cầu.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu