Thứ 6, 03/05/2024 23:43:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 05:20, 22/04/2024 GMT+7

Nỗi lo từ những con số

Minh Luận
Thứ 2, 22/04/2024 | 05:20:57 1,305 lượt xem
BPO - Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2023 có khoảng 7,8% số nạn nhân thương vong do tai nạn giao thông ở độ tuổi trẻ em, tương đương khoảng 900 trẻ em tử vong và gần 1.200 em bị thương, trong đó có gần 1.500 em là học sinh THPT.

Những con số khiến ai đọc lên cũng phải ngỡ ngàng, tự soi rọi lại mình và rút kinh nghiệm cho bản thân, nhưng thực tế thì vẫn tái diễn. Nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông ở lứa tuổi học sinh hẳn nhiều người đều biết. Thời gian qua, rất nhiều trường hợp học sinh chưa đủ tuổi đi xe phân khối lớn đến trường, học sinh chở 3 đi lạng lách, đánh võng, chạy tốc độ cao, thậm chí nhiều trường hợp không đội mũ bảo hiểm tạo ra những phen hú vía cho người đi đường… Gần đây là tình trạng nhiều học sinh chưa đủ 16 tuổi vẫn vô tư điều khiển xe gắn máy dung tích dưới 50cc đến trường (trong đó có xe máy điện) và đã xảy ra không ít vụ va chạm giao thông. Nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh xảy ra để lại những nỗi đau, gánh nặng cho gia đình, nhà trường và xã hội. Nhiều bài học kinh nghiệm cũng đã được rút ra sau mỗi vụ việc, nhưng đâu lại vào đó. Các vi phạm vẫn tái diễn.

Từ thực tế cho thấy, nguyên nhân chính dẫn đến những vụ việc nêu trên nằm ở ý thức trách nhiệm của mỗi gia đình, không chỉ ở việc giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các em mà còn ở việc phụ huynh đã giao xe cho các em. Những chiếc xe phân khối lớn, xe gắn máy dung tích dưới 50cc, xe máy điện… đều rất nhiều tiền, các em không thể tự nhiên mà có. Thế nhưng, khi bị lực lượng chức năng xử phạt thì cha mẹ đổ lỗi do các em tự lấy xe đi… Nhiều gia đình cho rằng vì bận công việc và vì một số lý do nên không thể đưa đón, để các em tự chạy xe đi học sẽ tiện lợi hơn. Thế nhưng, “tiện” thì có tiện mà “lợi” đâu không thấy. Chỉ vì cái “tiện” trước mắt mà nhiều gia đình đã phải trả giá đắt. 

Thời gian gần đây, lực lượng cảnh sát giao thông trong cả nước đã và đang ra quân quyết liệt chấn chỉnh tình trạng học sinh chưa đủ tuổi đi xe phân khối lớn đến trường. Việc làm của ngành chức năng nhận được sự đồng thuận tích cực trong nhân dân. Tuy nhiên, chỉ ra quân cao điểm thôi chưa đủ. Để khắc phục triệt để tình trạng này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cả gia đình, nhà trường và xã hội; cùng với đó là cơ chế xử lý nghiêm đối với chủ phương tiện khi giao xe cho trẻ và cơ sở trông giữ xe phân khối lớn cho học sinh. Giáo viên chủ nhiệm, nhà trường chịu trách nhiệm khi để học sinh đi xe phân khối lớn đến trường bị ngành chức năng phát hiện, xử lý và xem đó là một trong những tiêu chí đánh giá xếp loại thi đua. Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ trong kiểm soát vi phạm giao thông trên đường; đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp và trực quan bằng hình ảnh để nâng cao ý thức chấp hành trong học sinh… Tuy nhiên, hơn hết là trách nhiệm nêu gương của phụ huynh. Chỉ khi phụ huynh thực sự phát huy vai trò, trách nhiệm, kiên quyết không giao xe cho trẻ thì mới mong đẩy lùi được những hiểm nguy không đáng có.

Rõ ràng việc giao xe phân khối lớn cho con em khi chưa đủ tuổi điều khiển thể hiện sự chủ quan lớn của phụ huynh. Bởi trong độ tuổi này, các em thường thích thể hiện bản thân, cộng thêm sự bồng bột, bốc đồng nên rất dễ dẫn đến những vi phạm trật tự an toàn giao thông, thậm chí là gây tai nạn làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng bản thân và người đi đường. Để chấm dứt tình trạng này, ngoài sự vào cuộc của lực lượng chức năng, sự giáo dục của nhà trường, quan trọng hơn hết vẫn là ý thức trách nhiệm của phụ huynh, đừng vì nuông chiều, vì “tiện” trước mắt mà để lại hậu quả lâu dài.

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu