Thứ 6, 26/04/2024 16:33:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:57, 27/04/2016 GMT+7

Quyền của cử tri

Thứ 4, 27/04/2016 | 10:57:00 146 lượt xem
BP - Ngày 22-5-2016 là ngày hội bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Sự kiện chính trị quan trọng này diễn ra trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Thành công của cuộc bầu cử phụ thuộc vào việc cử tri thực hiện tốt các quyền của mình, trong đó việc tham gia đi bầu đông, đủ là yếu tố quan trọng nhất.

Trong suốt quá trình từ khi chuẩn bị cho đến ngày bầu cử, cử tri có nhiều quyền đã được luật pháp quy định. Đó là quyền lựa chọn người ứng cử; quyền được nghe chương trình hành động và chất vấn ứng cử viên; quyền được tự mình cầm lá phiếu đi bầu. Sau khi đã bầu được các đại biểu đại diện, cử tri có quyền được biết các hoạt động trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, HĐND; được trình bày ý kiến, kiến nghị với những người đại diện của mình tại cơ quan quyền lực nhà nước... Thực hiện tốt các quyền này, mỗi cử tri sẽ là “một viên gạch” xây dựng nên Nhà nước của dân, vì dân. Thế nhưng, thực tế ở nhiều nơi cử tri đã tự đánh mất những quyền cơ bản và quan trọng ấy. Những biểu hiện dễ thấy là, nhiều cử tri đi dự họp với người ứng cử mà không tham gia ý kiến gì; tiêu chuẩn, chất lượng người đại biểu không nắm chắc. Khi dự hội nghị cử tri nghe ứng cử viên trình bày chương trình hành động cũng không nhớ được gì... Tự mình cầm lá phiếu đi bầu là quyền cơ bản và quan trọng nhất của cử tri được Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND năm 2015 quy định rõ tại Điều 69. Theo đó, mỗi cử tri có quyền bỏ một phiếu bầu đại biểu Quốc hội và một phiếu bầu đại biểu HĐND tương ứng với mỗi cấp HĐND. Như vậy, cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác làm thay. Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì tổ bầu cử phải mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để họ thực hiện bầu cử...

Các kỳ bầu cử trước, đó đây vẫn còn kiểu một người đi bầu thay cho cả nhà, thậm chí cầm cả xấp phiếu bầu giùm cho cả xóm. Một số thanh niên cũng rất thờ ơ với hoạt động bầu cử... Như vậy, cử tri không chỉ coi nhẹ quyền lợi của mình mà còn vô tình vi phạm pháp luật về bầu cử. Càng ngày vai trò của đại biểu Quốc hội, HĐND càng lớn và ít đi những đại biểu chỉ biết bấm nút và giơ tay. Thực sự đã có nhiều đại biểu tranh luận với những lập luận xác đáng, làm nóng nghị trường, kéo cử tri phải ngồi trước màn hình tivi mỗi khi truyền hình trực tiếp. Nhiều vấn đề cụ thể được đưa vào luật, đi vào đời sống và được nhân dân tiếp nhận. Đó là kết quả của một quá trình đổi mới, đồng thời phản ánh rõ nét cử tri thực hiện tốt các quyền của mình bằng lá phiếu để tìm được những người xứng đáng nhất.  

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đang đến rất gần. Mỗi cử tri không thể xem nhẹ các quyền của mình. Xin trích câu nói của Bác Hồ kính yêu cách đây 52 năm để mọi người hiểu rõ hơn về các quyền đó: “Lá phiếu của người cử tri tuy khuôn khổ nó nhỏ bé nhưng giá trị của nó thì vô cùng to lớn. Nhân dân ta đã trải qua biết bao gian khổ, hy sinh biết bao nhiêu xương máu trong cuộc cách mạng đánh thực dân và phong kiến mới giành được nó...”(*)

(*)Trích bài nói chuyện của Bác Hồ trong buổi ra mắt các ứng cử đại biểu Quốc hội khóa III ở Hà Nội, (Báo Nhân dân đăng ngày 15-4-1964)

Hà Thanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu