Thứ 7, 27/04/2024 00:40:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:57, 22/04/2014 GMT+7

Phá sản luật phá sản

Thứ 3, 22/04/2014 | 07:57:00 153 lượt xem

Luật Phá sản (LPS) hiện hành được Quốc hội khóa XI, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 15-6-2004 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15-10-2004. Sau gần 9 năm thi hành, LPS đã thể hiện vai trò là một trong những công cụ pháp lý quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong việc thể chế hóa chính sách kinh tế của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã đang trong tình trạng sản xuất - kinh doanh khó khăn, thua lỗ có cơ hội rút khỏi thị trường một cách có trật tự. Tuy nhiên, LPS đã bộc lộ một số hạn chế tác động tiêu cực đến việc thúc đẩy sự phát triển kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã...

Cụ thể, LPS hiện hành chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mà không áp dụng với các chủ thể kinh doanh khác như cá nhân, hộ gia đình. Do đó, nhiều chuyên gia luật cho rằng LPS cần mở rộng đối tượng áp dụng theo hướng mọi tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất - kinh doanh và có đăng ký kinh doanh nếu lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn thì đều có thể giải quyết theo thủ tục phá sản tại tòa án. Có như vậy thì các chủ thể kinh doanh, trong đó có cá nhân, hộ gia đình... mới được bình đẳng với các chủ thể kinh doanh khác (doanh nghiệp) trong việc sử dụng các cơ chế do pháp luật quy định, trong đó có cơ chế phá sản. Nếu chẳng may thua lỗ thì các chủ thể này cũng được hưởng một cơ chế xử lý nợ như các tổ chức sản xuất - kinh doanh khác để có cơ hội trở lại hoạt động. Các chủ nợ cũng bảo đảm cơ chế đòi nợ đúng pháp luật, tránh tình trạng bắt xiết nợ, gây mất trật tự an toàn xã hội như một số trường hợp xảy ra hiện nay.

Bất cập thứ hai là về căn cứ xác định doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản. Tại Điều 3, LPS quy định, doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản. Đây là quy định không cụ thể, dẫn đến việc đánh giá doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, mất khả năng thanh toán có phải do làm ăn thua lỗ hay không còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, cần có tiêu chí xác định rõ ràng, cụ thể thế nào là “không có khả năng thanh toán”, hoặc thế nào là “các khoản nợ đến hạn” và “lâm vào tình trạng phá sản”? Đồng thời, về giá trị cụ thể của khoản nợ và thời hạn quá hạn là bao nhiêu cũng cần được quy định cụ thể để xác định doanh nghiệp, hợp tác xã có bị coi là lâm vào tình trạng phá sản hay không?

Thứ ba là theo quy định tại Khoản 2, Điều 5 của LPS thì: Sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản, căn cứ vào quy định cụ thể của LPS, thẩm phán quyết định áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc thủ tục thanh lý tài sản; hoặc chuyển từ áp dụng thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh sang áp dụng thủ tục thanh lý tài sản, các khoản nợ hoặc tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản. Tuy nhiên, LPS lại không quy định điều kiện chuyển đổi, trình tự, thủ tục chuyển đổi trên như thế nào, nên gây khó khăn, vướng mắc cho các tòa án địa phương trong quá trình áp dụng quy định này.

Thứ tư là việc giải quyết các yêu cầu tuyên bố phá sản theo LPS thường kéo dài và nhiều thủ tục rườm rà, phức tạp. Do đó, LPS được sửa đổi, bổ sung quy định một loại hình phá sản rút gọn dành cho các doanh nghiệp cần phá sản ngay, sau khi khẳng định đủ điều kiện phá sản mà không phải trải qua các bước theo trình tự thủ tục quy định trong LPS hiện hành.   

Từ những bất cập trên, nên sau gần 9 năm được áp dụng vào thực tiễn, mặc dù cả nước đã có hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản nhưng hầu hết đều là “tự chết” và “tự chôn”. Còn ở Bình Phước cho đến nay tuy đã có hàng trăm doanh nghiệp phá sản, nhưng chưa có một doanh nghiệp nào làm thủ tục phá sản tại tòa án. Chính vì điều này mà đã có không ít chuyên gia trong ngành pháp luật phải nói rằng: LPS đã phá sản.

K.N

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu