Thứ 6, 26/04/2024 20:51:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:11, 26/08/2017 GMT+7

Nắm chắc để quản lý chặt

Thứ 7, 26/08/2017 | 10:11:00 116 lượt xem

BP - Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) vừa phối hợp Hiệp hội phân bón Việt Nam tổ chức tọa đàm “Phân bón giả tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”. Đây là sự kiện không chỉ thu hút sự quan tâm của các chuyên gia, doanh nghiệp sản xuất phân bón mà còn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, bởi thực trạng phân bón giả đang diễn ra hết sức phức tạp. Vì vậy, các ý kiến tại buổi tọa đàm đều thống nhất đề nghị ngành chức năng cần nắm chắc tình hình sản xuất, tiêu thụ phân bón để quản lý chặt, tránh tình trạng làm giả gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế nước nhà.

Với lợi thế của một nước nông nghiệp có hàng triệu héc ta cây trồng các loại, Việt Nam là thị trường rất màu mỡ cho hoạt động sản xuất - kinh doanh phân bón các loại. Theo thống kê của Bộ Công thương, cả nước hiện có 800 cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép sản xuất phân bón với hơn 7.000 sản phẩm khác nhau. Bên cạnh các đơn vị được cấp phép còn có hàng ngàn cơ sở sản xuất phân bón lậu, kém chất lượng, làm nhái, làm giả... Việc có quá nhiều chủng loại phân bón gây ra nhiều khó khăn cho ngành chức năng trong kiểm soát chất lượng. Người dân khó phân biệt hàng thật, hàng giả, hàng kém chất lượng. Vì vậy, thời gian qua, thực trạng phân bón giả, kém chất lượng không những ảnh hưởng đến uy tín các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn làm méo mó thị trường. Phân bón giả, kém chất lượng, hàng nhái trực tiếp gây thiệt hại về kinh tế cho người dân và ảnh hưởng tới chất lượng, uy tín của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đặc biệt, tình trạng phân bón giả tràn lan ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin của người dân đối với nhà sản xuất chân chính và các chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp... Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, với tổng diện tích cây trồng hiện nay, Việt Nam chỉ cần khoảng 300 doanh nghiệp sản xuất phân bón là vừa đủ. Để tiến tới giảm số lượng các nhà sản xuất, trước mắt ngành chức năng cần mạnh tay xử lý những trường hợp làm giả, không có giấy phép, thu hồi giấy phép các cơ sở làm hàng kém chất lượng. Nếu chỉ phạt hành chính các vụ vi phạm về phân bón giả như thời gian qua dẫn tới tình trạng “lờn thuốc” và sẽ “giết chết” các nhà sản xuất chân chính.

Bình Phước hiện có 11 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động sản xuất phân bón. Với đặc thù là tỉnh nông nghiệp, Bình Phước hiện có khoảng 450.000 ha cây trồng các loại, đây là thị trường rất lớn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh phân bón. Vì vậy, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng ở tỉnh ta thời gian qua cũng diễn biến phức tạp. Từ thực tế này đòi hỏi ngành chức năng phải thay đổi cách thức quản lý, quản lý chặt hoạt động sản xuất phân bón, giúp người nông dân không bị rơi vào “ma trận” phân bón giả, hàng kém chất lượng... Song song đó, ngành chức năng của tỉnh thường xuyên ra quân kiểm tra, truy quét các hoạt động sản xuất phân bón trái phép, kém chất lượng để triệt phá những cơ sở làm hàng lậu. Hỗ trợ tích cực cho người dân, buộc nhà sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng phải bồi thường thiệt hại. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền về đấu tranh chống hàng giả, kém chất lượng để người dân nâng cao nhận thức trong sử dụng phân bón, tránh thiệt hại không đáng có.

Tấn Phong

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu