Thứ 3, 19/03/2024 15:43:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:34, 19/04/2014 GMT+7

Một mình một sân!?

Thứ 7, 19/04/2014 | 09:34:00 113 lượt xem

Tòa án Nhân dân tối cao vừa công bố dự thảo thông tư ban hành nội quy phiên tòa. Ngay sau khi dự thảo thông tư này được công bố đã khiến dư luận lo ngại, nhất là giới truyền thông. Vì theo quy định trong nội quy, “nếu tòa không thích thì phóng viên, nhà báo miễn... tác nghiệp”.

Cụ thể, tại khoản 2, Điều 3 trong dự thảo nội quy có nêu: ... Nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa phải xuất trình Thẻ nhà báo và chấp hành đúng hướng dẫn của Thư ký phiên tòa về khu vực tác nghiệp. Tại khoản 10 cũng của Điều 3 lại có quy định như sau: Việc ghi âm, ghi hình về diễn biến phiên tòa chỉ được tiến hành khi có sự đồng ý của Hội đồng xét xử. Với quy định trên, có nhiều vấn đề phát sinh mà dư luận đặc biệt quan tâm.

Thứ nhất là quy định ở khoản 2 và khoản 10 của Điều 3 nêu trên có sự mâu thuẫn ở chỗ trên thì cho phép nhà báo dự phiên tòa, nhưng ở dưới lại gần như là không. Cụ thể, theo quy định tại khoản 2, nhà báo tham dự phiên tòa để đưa tin về diễn biến phiên tòa sau khi đã xuất trình Thẻ nhà báo và chấp hành đúng hướng dẫn của Thư ký phiên tòa về khu vực tác nghiệp, tức là nhà báo đã tuân thủ đúng nội quy phiên tòa nhưng cũng chưa chắc được tác nghiệp. Vì, việc ghi âm, ghi hình về diễn biến phiên tòa chỉ có thể được tiến hành khi có sự đồng ý của Hội đồng xét xử. Nếu chủ tọa phiên tòa mà “lắc đầu” thì coi như nhà báo đó đã có một buổi “công cốc”.

Thứ hai là theo quy định trên thì quyền của thẩm phán là chủ tọa phiên tòa quá “to” và trên cả luật. Bởi tại Điều 2, Luật Báo chí hiện hành có quy định như sau: Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân. Không lẽ thông tư của Tòa án Nhân dân tối cao còn “to” hơn luật? Hơn nữa, tại Điều 7 của Luật Báo chí cũng đã quy định cụ thể hơn về quyền của báo chí và nhà báo: Đối với vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.

Thứ ba là dự thảo thông tư này có nội dung không những trái với Luật Báo chí mà còn trái với nghị định của Chính phủ. Cụ thể, theo khoản 2 và 3, Điều 8, Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ban hành ngày 26-4-2002 quy định chi tiết thi hành Luật Báo chí, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí, thì nhà báo: Được thực hiện các hoạt động nghiệp vụ tại các kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, các đại hội và hội nghị công khai, các cuộc mít tinh, đón tiếp khách của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức khác theo giấy mời và các quy định cụ thể của Ban tổ chức các hoạt động đó. Được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật  sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật. Và với cách quy định chung chung này thì kể cả những phiên xét xử công khai các nhà báo vẫn không được tác nghiệp nếu thẩm phán, chủ tọa phiên tòa hoặc chánh án tòa án không “gật đầu” mà chẳng cần phải cho biết lý do.

Báo chí cách mạng đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cụ thể là báo chí đã tích cực tuyên truyền, động viên, phổ biến kiến thức pháp luật, đồng thời tạo tính răn đe khi đưa tin về vụ án tại các phiên tòa. Bên cạnh đó, không ít bài báo cũng đã mổ xẻ, phân tích, phản ánh một số thẩm phán điều hành phiên tòa chưa tuân thủ Bộ luật Tố tụng hình sự, thậm chí là xử oan sai... để góp phần nâng cao chất lượng xét xử của ngành tòa án. Không lẽ vì những điều này mà Tòa án Nhân dân tối cao đã đưa ra dự thảo thông tư trên để được “một mình một sân”?

N.V

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu