Thứ 6, 26/04/2024 15:51:02 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 10:13, 20/01/2018 GMT+7

Một đề xuất hợp lý và cần thiết

Thứ 7, 20/01/2018 | 10:13:00 184 lượt xem

BP - Vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức đã công bố kết quả nghiên cứu về hành vi sử dụng điện thoại di động khi tham gia giao thông ở Việt Nam. Theo đó, tỷ lệ người sử dụng điện thoại khi đang điều khiển phương tiện hằng ngày cao nhất là nhóm lái xe tải (50%), tiếp đến là lái xe con (39%), nhóm lái xe khách/xe buýt (37%) và lái xe máy (8%). Nhóm nghiên cứu đã đề xuất cấm hoàn toàn hành vi sử dụng điện thoại di động cầm tay khi điều khiển phương tiện giao thông. Đề xuất này rất hợp lý và cần thiết, được sự ủng hộ của dư luận và các tầng lớp nhân dân. Nhiều người cho rằng, vấn đề này nên sớm được triển khai vào thực tế, bởi đây là hành vi uy hiếp an toàn giao thông đã được cảnh báo nhưng chưa có giải pháp mạnh để ngăn chặn.

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 124 triệu thuê bao di động được kích hoạt. Trung bình mỗi người dân có 1,36 thuê bao di động, trong đó 100% lái xe đều có ít nhất 1 điện thoại di động và được sử dụng thường xuyên. Bên cạnh đó, cả nước có khoảng 28 triệu tài khoản mạng xã hội đã được kích hoạt. Vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại di động, đặc biệt là nhắn tin hay vào mạng là việc làm hết sức nguy hiểm, có thể dẫn đến tai nạn giao thông với hậu quả khôn lường. Để bảo đảm an toàn giao thông, người lái xe phải tập trung tối đa, quan sát và xử lý các tình huống phát sinh trên đường. Nếu sự tập trung bị phân tán bởi điện thoại di động, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông là rất lớn, nhẹ thì va chạm với các xe đi trên đường, nặng có thể gây chết người. Thực tế, đã có rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng mà lỗi do người lái xe vừa điều khiển phương tiện vừa sử dụng điện thoại di động.

Các vụ tai nạn xảy ra do sử dụng điện thoại trong lúc điều khiển phương tiện không phải là mới và đã được cảnh báo, nhưng vẫn diễn ra khá phổ biến hiện nay. Đáng nói là hành vi nguy hiểm này còn xuất hiện với cả những tài xế điều khiển các phương tiện có trọng tải lớn, hay xe chở nhiều hành khách, nếu không cẩn trọng có thể đe dọa đến tính mạng của rất nhiều người. Thống kê từ một nghiên cứu gần đây cho thấy, có khoảng 80% số vụ tai nạn xảy ra do tài xế bị mất tập trung và do bấm số điện thoại khiến chiếc xe bị chệch hướng, xảy ra va chạm với những phương tiện khác. Số vụ tai nạn giao thông do lái xe sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông tương đương với số vụ tai nạn do người lái xe sử dụng rượu, bia.

Theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, từ 1-1-2017, xử phạt người điều khiển xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô từ 600-800 ngàn đồng đối với hành vi “dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường”, một mức phạt mới mà các nghị định trước chưa áp dụng đối với lái xe ôtô. Tuy nhiên, theo cơ quan cảnh sát giao thông, hiện có nhiều hành vi pháp luật quy định nhưng khó thực hiện trong thực tiễn, nhất là khó phát hiện để áp dụng. Ví dụ, việc phát hiện người lái xe ôtô sử dụng điện thoại trong điều kiện mật độ giao thông đông đúc, nhiều xe lại dán kính mờ không nhìn rõ bên trong thì làm sao để xử phạt.

Từ thực tế đó cho thấy, cùng với việc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi người về sự nguy hiểm của hành vi sử dụng điện thoại trong lúc lái xe, phải đầu tư thêm thiết bị hiện đại cho lực lượng tuần tra, kiểm soát phát hiện hành vi vi phạm của lái xe. Cần đưa ngay đề xuất của nhóm nghiên cứu vào Luật Giao thông đường bộ, nâng cao mức phạt hành chính và bổ sung hình phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại, nhắn tin hoặc nghe, gọi đối với người điều khiển phương tiện nói chung và lái xe ôtô nói riêng.

Thanh Hà

  • Từ khóa
108799

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu