Thứ 6, 26/04/2024 20:20:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:26, 18/08/2016 GMT+7

“Mới” từ nhận thức của người dân

Thứ 5, 18/08/2016 | 08:26:00 113 lượt xem

BP - Nông thôn mới thì môi trường sống phải sạch sẽ, ngăn nắp. Đó là chia sẻ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với người dân xã nông thôn mới Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An ngày 15-8. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra giải pháp rất gần gũi, dễ thực hiện là xã nên có một kế hoạch giữ gìn môi trường sống cho bà con, để ai tới Nam Giang đều khen tuy xã có khó khăn về vật chất nhưng sạch sẽ, ngăn nắp, người dân thân thiện, môi trường sống tốt. Ngẫm càng kỹ càng thấy ý kiến của Thủ tướng Chính phủ thật xác đáng và không chỉ với xã Nam Giang hay rộng hơn là huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, mà là đối với cả chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới.

Theo số liệu tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 5-2016, cả nước có 1.965 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trước đó, số liệu tổng hợp của Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới Trung ương cho thấy hết năm 2015 cả nước có 1.478 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 693 xã so với năm 2014. Nếu so với tổng số 9.043 xã trong cả nước (tính đến tháng 5-2015), tháng 5-2016 cả nước đã có 21,73% số xã nông thôn mới, tăng 5,39% so với cuối năm 2015.

Có thể thấy, từ 11 xã thí điểm triển khai năm 2010, đến nay kết quả sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới trong cả nước là rất lớn. Và cứ với “tốc độ tăng trưởng” số xã đạt chuẩn như thời gian qua, trong thời gian ngắn tới sẽ không chỉ có những huyện nông thôn mới, mà tất cả nông thôn ở Việt Nam đều đạt chuẩn nông thôn mới. Khi nào đạt được kết quả đó, nếu đạt tới rồi thì “chuẩn” có được nâng lên để tiếp tục thực hiện hay chuyển sang thực hiện mục tiêu khác, chương trình khác...? Tính toán những vấn đề này là nhiệm vụ của người làm công tác quản lý vĩ mô, hoạch định chính sách mang tầm quốc gia; còn đối với mỗi địa phương, nhiệm vụ là triển khai thực hiện các chính sách. Vấn đề ở chỗ, mỗi địa phương, cụ thể hơn là mỗi lãnh đạo, mỗi hệ thống chính quyền của địa phương có quan điểm và cách triển khai chính sách khác nhau và cũng phụ thuộc vào điều kiện thực tế khác nhau. Trong đó đặc biệt quan trọng là quan điểm “thành tích” hay “chất lượng thực sự” mới được ưu tiên hàng đầu sẽ tác động rất lớn tới toàn bộ chương trình. Điển hình như Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng nói “Nông thôn mới mà 44,6% hộ nghèo và cận nghèo thì mới làm gì? Nông thôn cũ cũng được, nhưng dân phải thoát nghèo” (khi huyện Cần Giờ đấu tranh, đề nghị thẩm định để được công nhận huyện nông thôn mới, tháng 4-2016).

Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư là một chủ trương lớn và mang ý nghĩa nhân văn, văn hóa sâu sắc của nước ta. Nhưng khi triển khai, vì “bệnh” thành tích quá nặng, nên kết quả đến nay hầu như thôn, ấp nào cũng được công nhận là khu dân cư văn hóa, gia đình nào cũng được công nhận gia đình văn hóa. Trong khi thực tế những năm qua vấn đề đạo đức ngày một xuống cấp, văn hóa ngày càng lệch chuẩn... liên tục được các nhà khoa học, văn hóa, giáo dục, truyền thông cảnh báo trong phạm vi toàn quốc chứ không chỉ một thôn, ấp nào.

Từ chia sẻ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho thấy nông thôn mới trước hết phải “mới” từ ý thức, từ nhận thức của người dân. Phải bắt đầu từ góc bếp, góc vườn, góc nhà của mỗi gia đình, rồi tới ngõ xóm, sau đó đến ý thức phát triển kinh tế gia đình, ý thức trách nhiệm cộng đồng với những người xung quanh, với nhà nước và với toàn xã hội. Để làm được điều này, một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng phải thực hiện được là truyền thông nông thôn mới cần có giải pháp hữu hiệu, lấy việc phục vụ người dân nông thôn làm trung tâm, chứ không thể nặng về phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo về chương trình này như lâu nay.

 Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu