Thứ 6, 26/04/2024 19:20:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 13:07, 30/03/2018 GMT+7

Minh bạch trong chi trả dịch vụ môi trường rừng

Thứ 6, 30/03/2018 | 13:07:00 113 lượt xem

BP - Hiện nay, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã và đang được triển khai rộng khắp tại các địa phương có rừng ở Việt Nam. Những cánh rừng được bảo vệ trong lưu vực giúp cải thiện nguồn nước phục vụ sản xuất thủy điện và cung ứng nguồn nước sinh hoạt, phục vụ cảnh quan môi trường sinh thái... sẽ nhận được số tiền mà bên sử dụng dịch vụ chi trả. Nguồn hỗ trợ này đã tạo động lực cho các cộng đồng dân cư - những người trực tiếp tham gia bảo vệ rừng gắn bó và giữ rừng. Tuy nhiên, quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện tại một số địa phương chưa thực sự hiệu quả và thiếu sự kiểm tra, giám sát, dẫn đến tình trạng không ít người thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ.

Bình Phước hiện có 174.580 ha đất lâm nghiệp và 17 đơn vị có diện tích rừng đủ điều kiện được chi trả DVMTR với 56.854,54 ha. Từ năm 2012 đến hết năm 2017, tỉnh đã chi trả phí DVMTR hơn 83 tỷ đồng. Chính sách này không chỉ tác động tích cực trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, góp phần làm giảm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép mà còn giúp các hộ nghèo trên địa bàn có nguồn thu ổn định. Môi trường rừng được cải thiện, làm tăng khả năng phòng hộ, điều tiết và duy trì nguồn nước cho các đơn vị sử dụng DVMTR. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc do việc xây dựng đơn giá khoán bảo vệ rừng chưa sát với nguồn thu, phí chi trả DVMTR còn thấp, ảnh hưởng đến hoạt động của các cộng đồng nhận khoán; phí chi trả DVMTR thấp nên số tiền kết dư hằng năm cao, dẫn đến việc giải ngân khoản kinh phí này chậm, ảnh hưởng đến tâm lý người nhận khoán...

Thực tế nêu trên đòi hỏi việc xây dựng một chính sách quy định cụ thể việc sử dụng tiền DVMTR là rất cần thiết và Thông tư số 04/2018/TT-BTC ngày 17-1-2018 do Bộ Tài chính ban hành, hướng dẫn quản lý và sử dụng tiền DVMTR có hiệu lực từ tháng 3-2018 đã đáp ứng được nguyện vọng này. Qua đó, giúp người dân hiểu được quyền lợi, trách nhiệm của họ đối với công tác bảo vệ rừng, đồng thời đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng số tiền DVMTR mà cộng đồng được nhận. Theo đó, chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được sử dụng toàn bộ số tiền DVMTR để quản lý bảo vệ, phát triển rừng và nâng cao đời sống. Chủ rừng là tổ chức không khoán bảo vệ rừng hoặc khoán một phần diện tích, phần diện tích còn lại chủ rừng tự bảo vệ thì toàn bộ số tiền nhận được tương ứng với diện tích rừng tự bảo vệ được coi là nguồn thu của chủ rừng, được quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về tài chính phù hợp đối với từng loại hình tổ chức. Nội dung chi, mức chi thực hiện theo quy định hiện hành, bao gồm: Các hạng mục công trình lâm sinh, các công trình cơ sở kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ và phát triển rừng; các hoạt động tuần tra, truy quét “điểm nóng”, xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng; mua sắm tài sản, công cụ, dụng cụ phục vụ công tác bảo vệ rừng; lập hồ sơ, xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng, kiểm tra, giám sát, đánh giá, nghiệm thu, tuyên truyền, vận động, đào tạo, tập huấn...

Thông tư số 04/2018/TT-BTC còn là cơ sở để cộng đồng phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với công tác bảo vệ rừng, bảo đảm công bằng trong hưởng lợi tiền DVMTR và là giải pháp quan trọng giúp việc quản lý, bảo vệ rừng của cộng đồng ngày càng bền vững.

Lâm Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu