Thứ 6, 26/04/2024 15:17:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 13:30, 08/01/2019 GMT+7

Mắt xích quan trọng trong nghiên cứu - ứng dụng khoa học

Thứ 3, 08/01/2019 | 13:30:00 144 lượt xem
BP - “Chúng ta không nên bắt buộc doanh nghiệp phải dành bao nhiêu phần trăm doanh thu để trích lập quỹ khoa học công nghệ hay đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ. Thay vào đó, nhà nước cần kiến tạo chính sách để doanh nghiệp muốn sản xuất phải đua nhau đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Chừng nào còn bắt buộc là chúng ta còn thua”. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói như vậy tại buổi tọa đàm về định hướng và giải pháp để khoa học công nghệ trở thành động lực trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra ngày 3-1-2019 tại Hà Nội.

Xuyên suốt nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đều khẳng định quan điểm khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu. Vì thế, hằng năm nhà nước dành một khoản ngân sách khá lớn chi cho nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Khoa học công nghệ đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của quốc gia cũng như các địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó có một thực tế dư luận nhiều lần phản ánh là chất lượng kết quả nghiên cứu khoa học thấp, khả năng ứng dụng kém. Phần lớn các công trình nghiên cứu khoa học sau khi hoàn thành để trong ngăn tủ và chỉ có tác dụng làm dày thêm danh mục chứ không có giá trị sử dụng. Thậm chí có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học được đầu tư với kinh phí hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng nhưng lại được làm theo cách chỉ “thay tên đổi họ” từ tỉnh này sang tỉnh kia và cùng xếp xó vì vô dụng trong thực tiễn.

Ở góc độ xã hội, hằng năm có rất nhiều công trình nghiên cứu khoa học ra đời. Rõ nhất là có hàng ngàn khóa luận, đồ án tốt nghiệp đại học hay luận văn, luận án thạc sĩ, tiến sĩ. Song các kết quả nghiên cứu ấy chủ yếu có ý nghĩa đối với giới học thuật, còn đưa vào ứng dụng thực tế thì rất hiếm. Điều đó dẫn tới sự lãng phí rất lớn, không chỉ là tiền bạc đầu tư mà còn là tài nguyên con người, thời gian và lối đi không đúng mục tiêu cao nhất của nghiên cứu khoa học - phục vụ đời sống xã hội.

Hệ thống doanh nghiệp ở nước ta, vì nhiều lý do, đến nay tham gia nghiên cứu khoa học còn khá xa lạ. Có chăng chủ yếu dừng ở mức “sáng kiến”, làm được đến đâu hay đến đó và mang tính chất nhỏ lẻ, khắc phục khiếm khuyết đang tồn tại ở từng khâu, từng chi tiết... chứ không phải là sự chủ động nghiên cứu để tạo ra sản phẩm mới. Trong khi đó, ở các quốc gia phát triển, ngoài các cơ sở nghiên cứu, đào tạo chuyên nghiệp, nghiên cứu khoa học là một hoạt động tự nguyện và giữ vai trò rất quan trọng tại doanh nghiệp. Họ nghiên cứu đến đâu đem ra ứng dụng ngay đến đó, nghiên cứu bám sát mục tiêu doanh nghiệp đặt ra... Nghiên cứu khoa học được xem là một phần trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp lớn. Vì thế, họ mới phát minh và đưa ra nhiều sản phẩm làm thay đổi đời sống xã hội, đồng thời với điều đó là doanh nghiệp nào nghiên cứu khoa học thành công thì hầu hết cũng sẽ trở lên lớn mạnh.

Không thể chậm trễ hơn. Nghiên cứu khoa học và kết quả của nghiên cứu khoa học cần được đặt đúng vị trí tự nhiên vốn có của nó. Tư duy quản lý nghiên cứu khoa học với quyền lực nắm đồng tiền trong tay đã lỗi thời và cần được thay đổi bằng kiến tạo chính sách cho nghiên cứu khoa học. Doanh nghiệp trong nước xưa nay gần như đứng ngoài cuộc, thì nay cần được đưa vào thành một mắt xích quan trọng trong đầu tư - thu lời từ nghiên cứu khoa học cùng với nhà nước và nhà khoa học. Khi đó, sẽ không còn tình trạng vàng thau lẫn lộn và kết quả nghiên cứu thì mốc meo trong thư viện.

Trần Phương

  • Từ khóa
109026

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu