Thứ 6, 26/04/2024 21:24:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:43, 15/10/2017 GMT+7

Mất chức vì lời can

Chủ nhật, 15/10/2017 | 14:43:00 286 lượt xem

BP - Khương Công Phụ đã vượt qua các thí sinh khác của nhà Đường và là người đầu tiên, cũng là người duy nhất trở thành trạng nguyên nơi đất khách quê người. Theo chính sử cũng như gia phả nhà họ Khương ở Thạch Thất (Hà Nội), Khương Công Phụ người làng Cổ Hiểm, phường Sơn Ôi, Ái Châu (nay là làng Tường Vân, xã Định Thành, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Ông là cháu nội Khương Thần Dực làm Thứ sử Thư Châu.

Minh họa: S.H

Theo sách “Giai thoại lịch sử Việt Nam”, Khương Công Phụ từ bé đã nổi tiếng thông minh, có trí nhớ tuyệt vời. Tương truyền, lúc Khương Công Phụ còn nhỏ, cha ông là Khương Công Dĩnh thấy con sáng dạ nên mừng lắm. Thế rồi ông tìm người giỏi chữ cùng mở cửa hàng thuốc bắc gần nhà gửi con theo học. Khương Công Phụ tiến bộ rất nhanh khiến thầy giáo phải ngạc nhiên, khen ngợi. Cậu thuộc sách Tứ thư, Ngũ kinh và thấu hiểu nghĩa lý trong Kinh thư, Kinh lễ..., từ lúc còn rất nhỏ.

Trước khi được tới kinh đô Tràng An của nhà Đường dự thi, Khương Công Phụ phải trải qua rất nhiều kỳ thi sát hạch. Dù về kinh sử hay thơ phú, bài làm của Công Phụ đều đạt xuất sắc. Khương Công Phụ được xếp hàng đầu trong danh sách 8 sĩ tử của 8 quận đất Giao Châu về Tràng An dự thi, dưới triều vua Đường Đức Tông. Tại kỳ thi này, ông đỗ đầu. Đỗ trạng nguyên, Khương Công Phụ được vua Đường phong chức Hiệu thư lang (chức quan văn). Sau đó, ông dâng lên vua Đường bài “Kế sách trị nước” với nhiều ý tưởng xuất sắc.

Xem xong bài “Kế sách trị nước” của ông, vua Đường Đức Tông rất kính nể, phong cho ông những chức vụ cao hơn như Hữu thập di hàn lâm học sĩ kiêm chức Hộ tào tham quân. Vì thế, Khương Công Phụ là trường hợp “có một không hai” trong lịch sử phong kiến ở Việt Nam, vì ông là người Việt đầu tiên và duy nhất thi đỗ trạng nguyên, rồi giữ vị trí cao trong bộ máy cai trị của cả đất nước Trung Hoa thời phong kiến tập quyền cao độ. Giới nho sĩ qua nhiều thế hệ ca ngợi Khương Công Phụ không chỉ tài năng văn chương, mà ở ông còn có phẩm chất, tư cách của một “kẻ sĩ” xuất chúng.

Ông vốn tính cương trực, thẳng thắn, không sợ kẻ cường quyền. Đến vua Đường làm sai, ông cũng mạnh dạn góp ý, can ngăn. Trong khi đó, các quan đại thần là người Hán trong triều nhà Đường không dám làm điều này. Chuyện kể rằng, vào thời bấy giờ, triều đình nhà Đường có viên quan võ là Chu Thử bị vua truất hết binh quyền nên sinh uất hận. Khương Công Phụ đoán người này sẽ hại vua nên khuyên ông cẩn thận đề phòng, nhưng vua Đường không nghe. Sau này, Chu Thử nổi loạn và nhờ kế sách của Khương Công Phụ mà vua Đường mới dẹp được quân phản nghịch.

Sau khi dẹp xong loạn Chu Thử, vua Đường phong Khương Công Phụ làm “Gián định đại phu”, “Đồng trung thư môn hạ bình chương sự” (có tài liệu cho rằng ông được thăng tới chức tể tướng), những chức quan được quyền can vua, xem xét mọi sai lầm của các đại thần. Tuy nhiên, cuộc đời của vị trạng nguyên người Việt không có được cái kết trọn vẹn. Sau khi con gái chết yểu, vua Đường quá thương con đã hạ lệnh xuất rất nhiều tiền để xây dựng lăng miếu nguy nga, lộng lẫy cho con. Khương Công Phụ thấy đây là việc làm sai trái nên ra sức can ngăn. Vua nổi giận giáng ông xuống làm quan tầm thường và đày đi xa. Mãi đến năm 805, sau khi vua Đường Đồng Thuận lên ngôi, nhận thấy lẽ phải trong lời can ngăn của Khương Công Phụ, liền xuống chiếu cử ông làm Thứ sử Cát Châu. Song, vị lão thần tuy tài ba có thừa nhưng vì tuổi già, sức yếu nên đã qua đời trước khi đến nơi nhậm chức.

Theo tác giả Kiều Văn, ngoài những kỳ tích đạt được ở Trung Quốc, Khương Công Phụ cũng có những đóng góp cho nền văn học nước nhà. Bài phú “Bạch vân chiếu xuân hải” (Mây trắng rọi biển xuân) của ông được xem là tác phẩm đầu tiên của nền văn chương thành văn ở nước ta. Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, người em trai là Khương Công Phục cũng đỗ tiến sĩ cùng khoa thi với ông. Người này làm quan đến chức Bắc bộ Thị lang. Ngày nay, tại huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa - nơi Khương Công Phụ sinh ra, đền thờ ông vẫn còn.

Lời bàn:

Vào thời ấy, học và đỗ đạt đến mức ấy, làm quan được thăng đến chức ấy, nếu không phải là người có tài kinh bang tế thế thì chẳng bao giờ làm được. Với vốn học rộng, kiến thức uyên thâm, Khương Công Phụ đã làm cho vua Đường phải khâm phục và giao ông nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình. Với trí thông minh, tài năng, đức độ của mình, dẫu lúc thăng quan hay bị giáng chức ông vẫn một lòng chính trực làm tròn phận sự là hành đạo giúp đời. Làm quan nơi đất khách quê người, song lòng ông vẫn da diết nhớ về quê hương, Tổ quốc với nỗi niềm đau đáu.

Tiếc rằng, dưới thời phong kiến thì dù có làm quan nhất phẩm hay tể tướng trong triều thì vẫn cứ dưới một người, đó là vua. Vì thế, làm quan nhưng không phải lúc nào cũng là quan, nhưng vua thì bao giờ cũng là vua. Vậy nên lời khuyên của bề tôi với vua dù có đúng đến mấy cũng chưa chắc được khen, mà ngược lại có khi lại mang họa vào thân và trường hợp của Khương Công Phụ trong giai thoại đã nêu là một bằng chứng. Thế mới biết rằng, lời khuyên can không phải lúc nào cũng có tác dụng, mà quan trọng là người khuyên và được khuyên là ai, khuyên về việc gì, ở đâu, lúc nào?

N.D

  • Từ khóa
109971

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu