Thứ 6, 26/04/2024 13:18:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 13:09, 03/03/2015 GMT+7

Lễ hội phải phù hợp với xã hội văn minh

Thứ 3, 03/03/2015 | 13:09:00 170 lượt xem
BP - Trong không khí lễ hội tưng bừng những ngày đầu năm mới, có một lễ hội thu hút sự quan tâm của dư luận là hội chém lợn ở Bắc Ninh. Mồng sáu tết, giữa sân đình, hai con lợn bị trói chặt 4 chân, bị một người cầm con dao sắc nhọn chém đứt đầu, máu bắn tung tóe mà thân lợn vẫn còn giật giật, mọi người tranh nhau xoa máu lợn vào những tờ tiền lẻ trong niềm hoan hỉ.

Lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng, huyện Tiên Du, thành phố Bắc Ninh có truyền thống từ mấy trăm năm qua, gắn liền với truyền thuyết vị tướng nhà Lý khi chống giặc ngoại xâm đã trốn trên núi, chém lợn rừng nuôi quân rồi phá vòng vây địch thoát ra. Lễ hội chém lợn là nghi thức tín ngưỡng để người dân làng Ném Thượng tưởng nhớ công lao vị tướng; đồng thời cầu mong mùa màng bội thu, mong sự phát triển sinh sôi, hạnh phúc cho cộng đồng.

Tuy nhiên, khi chứng kiến cảnh chém lợn rùng rợn, nhiều người cho rằng việc giết những con vật theo một cách thức dã man để khởi đầu cho một năm mới là trái với truyền thống nhân văn của người Việt. Có người còn nói cảnh chém con vật với máu me tuôn đỏ trong tiếng hò reo phấn khích của người xem hội giống như cảnh giết chóc man rợ thời trung cổ. Nó không chỉ làm trơ lì cảm xúc của người xem, nhất là trẻ em mà còn gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh con người Việt Nam nhân hậu, bao dung và thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế. Vì thế nên xóa bỏ lễ hội này. Cùng quan điểm ấy, Tổ chức động vật châu Á cũng đã kêu gọi cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh và Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch ban hành quy định chấm dứt lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng. Nhưng lại có ý kiến phản biện của một số nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng việc thực hiện nghi thức chém lợn để máu đỏ chảy ra sân đình nơi thờ Lý Thành hoàng không chỉ để tưởng nhớ công lao mà còn để cầu mong thành hoàng và các bậc thánh thần mang sinh khí, sự phát triển đến nơi đây, bởi máu đỏ biểu trưng cho sự sống, sinh khí.

Chuyện đúng sai, giữ lại hay xóa bỏ lễ hội chém lợn rồi sẽ được cơ quan chức năng xem xét và quyết định. Người viết bài này chỉ muốn nhắc lại một câu chuyện mới diễn ra trong những ngày đầu xuân và cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Đó là chuyện một nhóm thanh niên ở tỉnh Phú Thọ đi chơi xuân rồi cùng nhau hành hạ dã man một con chó đi lạc trong sự khoái trá, quay video rồi tung lên mạng. Hành động tra tấn con chó của đám thanh niên này khiến hầu hết người xem video phẫn nộ.Thậm chí có người sẵn sàng chi tiền để “xử” đám thanh niên hành hạ con chó. Tất nhiên, việc tự ý xử lý nhóm thanh niên máu lạnh nói trên theo “luật rừng” là vi phạm pháp luật, không ai khuyến khích. Thế nhưng, việc cộng đồng mạng cùng thể hiện sự phẫn nộ khi xem clip đã cho thấy không ai thích thú khi chứng kiến cảnh hành hạ, giết chóc, cho dù là đối với con vật vô tri.

Dù gì, việc nhóm thanh niên hành hạ con chó đi lạc cũng chỉ là hành vi vụng trộm. (Nếu lúc đó có nhiều người, hẳn nhóm thanh niên này sẽ không dám làm). Còn chém lợn là một lễ hội được tổ chức công khai, rất đông người chứng kiến nên cần xem xét kỹ việc duy trì hay xóa bỏ. Việc bảo tồn, phát triển các lễ hội truyền thống là cần thiết nhưng phải hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ và phải phù hợp với xã hội văn minh.

Bảo Khanh

  • Từ khóa
108473

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu