Thứ 7, 27/04/2024 04:53:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:48, 04/12/2014 GMT+7

Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi và những bất cập

Thứ 5, 04/12/2014 | 10:48:00 212 lượt xem
BP - Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đã được Bộ Tư pháp trình Quốc hội để xin ý kiến và Quốc hội cũng đã thống nhất sẽ đưa ra lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong thời gian tới. So với bộ luật hiện hành, Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi đã đưa ra nhiều điểm mới, song vẫn còn có nhiều nội dung không đúng với tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Và bài viết dưới đây không nhằm ngoài mục đích góp phần nêu những bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để dự thảo hoàn thiện hơn.

Bất cập thứ nhất là tại Điều 5 của dự thảo về áp dụng tập quán có quy định như sau: Trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì có thể áp dụng tập quán. Tập quán không được trái với những nguyên tắc cơ bản quy định tại Điều 2 của bộ luật này và không vi phạm điều cấm của luật. Và tại Điều 6 về áp dụng quy định tương tự của pháp luật trong dự thảo có quy định: Trong trường hợp pháp luật không quy định, các bên không có thỏa thuận và không có tập quán thì áp dụng quy định tương tự của pháp luật. Trong khi đó, cũng theo dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, thẩm phán không có quyền từ chối yêu cầu xét xử. Điều này cũng có nghĩa là bất cứ công dân nào, nếu khởi kiện vấn đề gì tới tòa thì tòa phải xét xử. Nếu không có luật thì cho phép các đương sự hòa giải hoặc thẩm phán có thể sử dụng bất cứ quy định nào đó để xét xử công bằng. Đây là tư tưởng hoàn toàn mới nhưng lại mâu thuẫn với quy định trong Hiến pháp năm 2013, là: Thẩm phán xét xử và tuân theo pháp luật. Như vậy cũng có nghĩa là nếu không có luật thì không được xử. Do đó, nguyên tắc thẩm phán không có quyền từ chối yêu cầu xét xử trong Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi mở quá rộng. Đây là vấn đề hết sức mới, cần có sự cân nhắc, vì nếu bảo lấy lẽ công bằng xã hội mà xét xử thì cũng phải đặt câu hỏi ngược lại là lấy gì làm thước đo cho lẽ công bằng này?

Bất cập thứ hai là Điều 644 trong dự thảo luật quy định thời hiệu yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản là mâu thuẫn với các quy định khác trong Bộ luật Dân sự hiện hành ở Điều 635. Cụ thể, thời điểm phát sinh quyền và nghĩa vụ của người thừa kế trong Bộ luật Dân sự hiện hành quy định: Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại. Trong các quyền và nghĩa vụ về tài sản có quyền sở hữu tài sản (di sản) do người chết để lại. Như vậy, ngay từ thời điểm mở thừa kế đã phát sinh quyền tài sản, quyền sở hữu tài sản của những người thừa kế. Trong khi đó, theo Hiến pháp năm 2013 thì quyền sở hữu và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ. Có nghĩa là, quyền sở hữu tài sản của người dân được pháp luật bảo hộ không có thời hạn.

Bất cập thứ ba là những quy định về quan hệ dân sự trong sở hữu đất. Trong khi Luật Đất đai đã quy định quan hệ của Nhà nước và công dân về sở hữu đất đai, đất đai là một quyền sở hữu tài sản. Khi đưa tài sản sở hữu này vào giao dịch (cầm cố, thế chấp, sang nhượng) dân sự thì phải điều chỉnh bởi các chế định luật dân sự. Trong trường hợp đất đai đã là quyền tài sản thì trong quan hệ dân sự giữa cá nhân và Nhà nước thì phải tuân theo nguyên tắc ngang giá, đồng ý thì giao dịch, chứ không thể dùng mệnh lệnh hành chính để thu hồi đất.

Từ những phân tích trên, tôi đề nghị trong Dự thảo Bộ luật Dân sự phải có điều khoản khẳng định là trong trường hợp mâu thuẫn với các luật chuyên ngành thì Bộ luật Dân sự là bộ luật pháp lý cao hơn.                    

L.G

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu