Thứ 7, 27/04/2024 12:07:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:36, 21/04/2019 GMT+7

Danh thơm muôn thuở

Chủ nhật, 21/04/2019 | 14:36:00 164 lượt xem

BP - Theo sử cũ còn lưu truyền đến ngày nay, Lê Đình Kiên là người có tài về chính trị, quân sự, ngoại giao, ngoại thương nên đã vỗ yên và xây dựng Phố Hiến (Hưng Yên) thành nơi phồn hoa đô hội lúc bấy giờ. Ông sinh ngày 20-9-1621 (đời vua Lê Thần Tông) ở Bái Trại, nay là Thiết Đinh, còn gọi là Thiết Đanh, xã Định Tường, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Cha mất sớm, ông sống với mẹ một thời gian thì được Tả đô đốc Hàn Tiến - Lê Văn Hiểu ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa) nhận về nuôi, rồi tiến cử vào triều. Lúc bấy giờ chúa Trịnh chuyên quyền, chiến tranh liên miên khiến nhân dân đói khổ, loạn lạc khắp nơi. Từ trấn Sơn Nam trở ra đến vùng Đông Bắc cứ bị quân phỉ quấy phá và trộm cướp nổi lên như rươi. Triều đình đã cử nhiều tướng tài, quan giỏi ra cai trị nhưng đều bất lực.

Năm 1664, Lê Đình Kiên vâng lệnh triều đình ra làm Trấn thủ trấn Sơn Nam. Tại đây, ông đã ra sức ổn định xã hội, dẹp quân Tàu Ô, trộm cướp và mở mang Phố Hiến thành nơi phồn hoa đô hội, nên người đương thời có câu: Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến. Ngoài việc Trấn thủ Lê Đình Kiên được triều Lê trung hưng truy phong tước hiệu và Phúc thần, lúc bấy giờ người Việt và người nước ngoài ngụ ở Phố Hiến cũng đã dựng bia ghi công ông. Ở nơi ấy hiện vẫn còn 2 tấm bia, một do Trưởng tài Nam Hải là Trần Đế Đào (người Phúc Kiến, Trung Quốc) dựng năm 1723, một do người dân địa phương dựng vào năm 1727. Nội dung 2 bia cơ bản giống nhau, đều ca ngợi công đức của ông, coi ông ngang với những bậc trung thần nghĩa sĩ ngày xưa.

Sử sách còn lưu lại ít chép về Lê Đình Kiên, hoặc chỉ mới cho thấy cái cảm tưởng ông là một viên quan tổng trấn có danh tiếng. Thực ra ông là nhà văn hóa kiệt xuất, ít người sánh kịp. Ông có những thành tựu rất lớn đối với sự trị an và nhất là với nền kinh tế nước nhà. Trước hết, ông là người tài kiêm văn võ; xuất thân là một võ tướng, có tham gia trận mạc. Đến năm 44 tuổi, ông mới được cử làm Tổng trấn ở Sơn Nam, dưới triều Lê Hy Tông. Làm quan ở xa, ông vẫn luôn ghi nhớ quê hương là làng Bái Trại (nay thuộc xã Định Tường, huyện Yên Định). Lúc nhỏ mồ côi cha, sống lam lũ rồi làm con nuôi một viên quan trong phủ chúa Trịnh, ông đã được sự giúp đỡ của dân làng nên không dám quên ơn. Dân chúng cũng rất tự hào về ông.

Trong số quan lại ở nước ta dưới các triều phong kiến không hiếm những người có tài văn án, cầm cân nảy mực tài tình. Nhưng tên tuổi của họ lại không được ghi chép nhiều. Sách “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn đã chép ông là người xử kiện nghiêm minh, phá được những vụ án rắc rối, bắt đúng thủ phạm. Ông dẹp yên được nhiều bọn phỉ quấy rối, làm cho nhân dân an cư lạc nghiệp. Khi ông mất, triều đình cử nhiều người thay thế nhưng đều bất lực. Mãi sau mới phải chọn vị trọng thần là Đặng Đình Tướng ra thay, mới yên được lòng dân.

Những nét nổi bật nhất, văn hóa nhất ở Lê Đình Kiên là tài tổ chức kinh tế, xây dựng đô thị. Ông đã xây dựng nên Phố Hiến ở Hưng Yên. Ông thay mặt triều đình giao thiệp và cộng tác với các thương điếm ngoại quốc để buôn bán ở phố này, có cả người Hà Lan, Nhật Bản, Thái Lan... Ông đã chiêu tập những Hoa kiều, cho họ mở mang kinh doanh, đặt tên phường là Vạn Lai triều. Ông cho thi hành những chính sách thương nghiệp và thuế khóa hợp lý, làm cho các thương khách nức lòng, hợp tác buôn bán với người Việt.

Lê Đình Kiên giữ chức Trấn thủ Sơn Nam đến 40 năm. Khi mất, ông được phong tước Thái Bảo và công nhận là Phúc thần. Những thương khách thuộc các tỉnh ở Trung Quốc, cư trú ở Vạn Lai triều đã khắc bia kỷ niệm và lập đền thờ ông. Bia hiện còn ở Hưng Yên, do tàu trưởng Đào Hải Nam là Trần Đế Đào ở huyện Tấn Giang, phủ Truyền Châu, tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) soạn năm 1723. Tại đền thờ ở làng Thiết Đanh (Yên Định) có đôi câu đối tóm tắt đầy đủ công đức của ông: Trị sự kiêm bình, kim cổ đan thanh trứ tích; Tại dân đức trạch, Bắc Nam kim thạch minh danh. Nghĩa là: Việc cai trị công bằng và liêm chính, mãi mãi tiếng tăm được ghi vào sử sách. Đức lớn cho dân nhờ cậy, cả Việt Nam và Trung Quốc, danh sáng khắc vào đá vàng.

Lời bàn:

Suốt 40 năm ở trấn Sơn Nam, Lê Đình Kiên đã ra sức ổn định xã hội, dẹp giặc, trộm cướp không chỉ bằng pháp luật mà còn bằng cả tấm lòng bao dung, nhân ái. Những người dân trước đây vì đói kém, loạn lạc, phải tha phương cầu thực, lưu tán các nơi, ông cho tập trung lại, cho đất lập làng, tạo điều kiện làm ăn sinh sống. Ngay cả những người Hoa chạy loạn từ nhà Thanh sang Đại Việt cũng được ông chiêu dụ lại, cấp đất cho làm ăn. Bên cạnh đó, ông còn nổi tiếng là người có tài xét kiện. Bọn trộm cướp truyền tin nhau không dám quấy phá khu vực ông cai quản, nhiều kẻ có tội gặp ông để đầu thú và xin hứa hoàn lương. Nhờ vậy mà việc kiện tụng ít xảy ra.

Không chỉ người đương thời mà cả hậu thế ngày nay đều tôn vinh ông là người có tài về chính trị, quân sự, ngoại giao, ngoại thương. Bằng chứng là ông được vua chúa trọng dụng, được thay mặt triều đình giao thiệp và cộng tác với các thương điếm ngoại quốc như Hà Lan, Anh, Pháp, Nhật Bản, Bồ Đào Nha... đến buôn bán ở Phố Hiến. Ngoài ra, ông có công vận động người dân trồng nhiều nhãn - loại cây ăn trái đặc sản của Hưng Yên... Tiếc rằng, hậu thế ngày nay khi được thưởng thức trái nhãn lồng Hưng Yên lại chẳng có mấy ai biết được nguồn gốc của loại trái cây đặc sản này.

N.D

  • Từ khóa
110173

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu