Thứ 6, 26/04/2024 15:28:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 13:29, 18/01/2017 GMT+7

Công bằng và nhân văn

Thứ 4, 18/01/2017 | 13:29:00 125 lượt xem

BP - Những ngày qua, dư luận có nhiều phản ứng trái chiều trước việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động. Trong đó, Ban soạn thảo đề xuất bỏ quy định: “Lao động nữ trong kỳ kinh nguyệt được nghỉ mỗi ngày 30 phút, nuôi con dưới một tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động” (Điều 155). Nhiều người cho rằng, dự thảo đang nghiêng về phía doanh nghiệp.

Những ai có con nhỏ, nhất là trẻ dưới 12 tháng tuổi mới cảm thấy nỗi cực nhọc, khó khăn và sự quan trọng, cần thiết của 60 phút nghỉ theo quy định hiện hành đến thế nào. Ở độ tuổi này, trẻ cần bú đủ sữa mẹ, đặc biệt là cần hơi ấm và sự quan tâm, chăm sóc, gần gũi của người mẹ. Xã hội Việt Nam xưa nay rất chú trọng đến tình cảm gia đình, sự gắn kết của con trẻ với người mẹ bắt nguồn từ dòng sữa. Các phương tiện thông tin đại chúng và Tổ chức Y tế thế giới cũng liên tục khuyến cáo nên cho trẻ bú sữa mẹ trong 24 tháng đầu. Trẻ em Việt Nam hiện bị đánh giá là thấp còi so với các nước trong khu vực chứ chưa so sánh với các nước phát triển trên thế giới. Đặc biệt, trẻ em là con công nhân, làm việc theo ca, kíp lại thiệt thòi đủ điều, nhất là chế độ dinh dưỡng và chăm sóc cá nhân. Đa phần lao động nữ làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó có tỉnh Bình Phước còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu là người ngoại tỉnh nên thời gian chăm sóc con hết sức cần thiết. Nếu không có người thân trông coi, những người mẹ công nhân đành gửi con ở các nhà trẻ quanh khu nhà trọ. Với họ, 60 phút mỗi ngày thật là thời gian vàng bạc để bù đắp sự thiệt thòi của con.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng bố trí cho lao động nữ có con nhỏ đến trễ và về sớm. Ngay cả khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra đề xuất bỏ quy định liên quan đến việc nghỉ 60 phút mỗi ngày thì nhiều chị em mới biết, vì chưa được thông báo. Nhưng một chủ doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú cho rằng, có công nhân đã lạm dụng quy định này để đi trễ, về sớm, ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất, nhất là thời điểm đơn hàng tăng. Riêng quy định lao động nữ trong kỳ kinh nguyệt được nghỉ mỗi ngày 30 phút, hiện đa số doanh nghiệp không thực hiện vì ít có chị em “thỏ thẻ” vấn đề tế nhị này với người quản lý, chuyền trưởng...

Dự kiến, tháng 3-2017, Chính phủ sẽ trình cơ quan thẩm tra Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tháng 4-2017 trình Quốc hội dự án Luật Lao động sửa đổi. Hiện dự thảo được đưa ra lấy ý kiến và chưa phải là phương án cuối cùng. Dư luận cho rằng, cần phải bảo đảm tính nhân văn khi thực hiện, trong đó thực hiện đúng quyền con người và Luật Trẻ em năm 2016 (quy định quyền trẻ em được nuôi dưỡng, phát triển toàn diện). Đồng thời, giữ nguyên điểm d, khoản 4, điều 123 Bộ luật Lao động về không được xử lý kỷ luật lao động đối với lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Vì vậy, rất cần sự cân nhắc hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người lao động trên tinh thần công bằng, nhân văn.

Hoàng Ngọc

  • Từ khóa
108562

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu