Thứ 6, 26/04/2024 12:35:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

NGHE - THẤY & SUY NGẪM 09:30, 15/02/2017 GMT+7

Có còn văn minh lễ hội?

Thứ 4, 15/02/2017 | 09:30:00 121 lượt xem
BP - Lễ hội là một loại hình sinh hoạt văn hóa lâu đời của nhân dân ta. Lễ hội có sức hấp dẫn, lôi cuốn, trở thành nhu cầu không thể thiếu của các tầng lớp trong xã hội. Đặc biệt, qua lễ hội, công chúng trở về với cội nguồn dân tộc, tưởng nhớ công ơn người đi trước, cầu mong những điều tốt lành. Tuy nhiên, thời gian gần đây, ở nhiều lễ hội, ý nghĩa thiêng liêng đó đã ít nhiều suy giảm với những hiện tượng thiếu văn hóa, thậm chí phản cảm.

Gần chục ngàn lễ hội trong năm quả là con số giật mình. Mùa xuân cũng là mùa lễ hội. Trong và sau tết, hàng loạt các lễ hội được tổ chức từ Bắc chí Nam, đâu đâu cũng thấy lễ hội. Điều đó cho thấy, đời sống người dân ngày càng được nâng lên kéo theo nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần phát triển. Tuy nhiên, sự bát nháo, xô bồ, cờ bạc trá hình, cướp lộc, cướp phết, giành giật lộc... tại các lễ hội liên tục phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng. Không chỉ cướp lộc để lấy “may”, nhiều người còn cố gắng khấn vái tiếng to hơn người xung quanh để thần thánh nghe thấy. Rồi tiền thật, những tờ sớ viết họ, tên, địa chỉ và sự mong muốn của cá nhân, gia đình giắt bừa bãi ở các tượng phật, hốc cây, chân đèn...

Bên cạnh đó, trong các ngày lễ, tết, hội, hè, lễ giải hạn đầu năm... đều thấy đốt vàng mã. “Trần sao âm vậy”, thôi thì đủ loại, từ ôtô, xe máy, máy bay, siêu xe, điện thoại thông minh, nhà lầu, nhà Thái đến cả... người mẫu, diễn viên, ca sĩ được bán để phục vụ người “cõi âm”. Người viết rất đồng tình với một ý kiến của đồng nghiệp khi phản ánh việc: “Ở đền Gióng, để có được một giỏ hoa tre, một trái cau, lá trầu, cả đám đông chẳng ngần ngại giẫm đạp lên nhau, trèo lên cả bàn thờ, xô đổ cả bát hương... Thánh thần nào sẽ phù hộ, độ trì cho những hành vi xấc xược ấy?”. Và như lời của bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo điện tử Chính phủ mới đây: “Những hiện tượng nêu trên thể hiện sự thiếu hiểu biết về lịch sử, ý nghĩa lễ hội, về giá trị tín ngưỡng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đó là biểu hiện lệch lạc, thậm chí là “mù quáng” về tâm linh, sự thái quá về niềm tin với mong muốn cầu lộc, cầu tài, cầu phúc, cầu danh lợi, nên nhiều người giành giật, tranh cướp, dẫn đến những hành vi ứng xử thiếu văn hóa, phản cảm”.

Ngày 5-2-2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 41-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Tiếp đó là Công điện số 229/CĐ-TTg, ngày 12-2-2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, tổ chức hoạt động lễ hội. Mới đây nhất là Thông báo kết luận số 282/TB-BVHTTDL, ngày 23-1-2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tại hội nghị tổng kết công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ năm 2017. Từ những văn bản nêu trên, ngành văn hóa đã có nhiều điều chỉnh cho phù hợp, đồng thời thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Tuy nhiên, những hiện tượng phi văn hóa vẫn còn xảy ra tại lễ hội đầu xuân Đinh Dậu 2017 rất đáng để các ngành chức năng và chính quyền địa phương suy nghĩ, từ đó có hành động thật sự cụ thể, sát thực.

Hoàng Ngọc

  • Từ khóa
108578

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu