Thứ 6, 26/04/2024 16:12:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 10:36, 14/01/2015 GMT+7

Chuyện buồn đầu năm

Thứ 4, 14/01/2015 | 10:36:00 149 lượt xem
BP - Sự kiện nữ đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội - bà Châu Thị Thu Nga bị cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) bắt vì có hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có lẽ là chuyện đáng buồn nhất trong những ngày đầu năm mới 2015. Nếu chỉ nói về giá trị tiền bạc, chắc hẳn vụ lừa đảo của bà Thu Nga chưa thấm tháp gì so với vụ Huỳnh Thị Huyền Như. Thế nhưng, bà Thu Nga không chỉ là doanh nhân mà còn là đại biểu Quốc hội. Bởi thế, việc bà bị bắt không chỉ thu hút sự chú ý của dư luận trong nước.

Thực ra, đây không phải lần đầu đại biểu Quốc hội bị cơ quan bảo vệ pháp luật bắt giữ khi đang giữ chức vụ do dân bầu. Quốc hội khóa 11 từng có hai đại biểu vi phạm pháp luật, bị điều tra, xét xử và bị phạt tù là ông Mạc Kim Tôn, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình và ông Lê Minh Hoàng, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh. Cả hai đều bị phạt tù vì hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Gần đây là bà Đặng Thị Hoàng Yến, đại biểu Quốc hội tỉnh Long An bị bãi nhiệm tư cách đại biểu do không trung thực trong khai lý lịch. Với bà Châu Thị Thu Nga, cho dù chưa có kết quả điều tra để khẳng định mức độ phạm tội của bà đến đâu, có phải ngồi tù bao lâu, nhưng thật khó chấp nhận khi một đại biểu của dân, được nhân dân bầu ra để đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của mình lại lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người dân trong một thời gian dài như thế.

Sau khi bà Châu Thị Thu Nga bị bắt, có người cho rằng, trong thành phần đại biểu Quốc hội của chúng ta hiện nay, tỷ lệ doanh nhân khá cao. Trong thực tế, có nhiều đại biểu là những doanh nhân hiểu biết sâu sắc về pháp luật và tình hình kinh tế - xã hội đất nước. Họ không chỉ thực hiện đúng vai trò đại diện cho cử tri mà còn tích cực đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật, nói lên tiếng nói của doanh nghiệp và xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, đại biểu là doanh nhân như bà Thu Nga thì khác gì việc “có chân” trong Quốc hội chỉ là tấm bình phong để che chắn cho hoạt động không minh bạch của doanh nghiệp do họ làm chủ. Hoặc chỉ để lấy danh, tạo quan hệ với những người có chức, quyền để “chạy dự án”. Những đại biểu kiểu này không những không đóng góp được gì cho nước, cho dân mà còn phá hoại chính sách, luật pháp.

Lâu nay, nhiều người nghĩ rằng, đại biểu Quốc hội thì được miễn trừ, không bị khởi tố, khám xét, điều tra khi còn đang giữ cương vị đại diện cho cử tri tại Quốc hội. Nhưng thực tế không phải vậy. Việc bắt giữ, bãi nhiệm các đại biểu Quốc hội các khóa nêu trên đã khẳng định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Việc một đại biểu Quốc hội vi phạm pháp luật và bị bắt thực sự là chuyện buồn trong những ngày đầu năm. Nhưng điều gì đến thì đã đến rồi. Quan trọng là chúng ta rút ra được bài học gì trong việc chuẩn bị nhân sự.

Bảo Khanh

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu