Thứ 6, 26/04/2024 21:16:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 07:11, 03/10/2014 GMT+7

Cần hình sự hóa hành vi trục lợi bảo hiểm

Thứ 6, 03/10/2014 | 07:11:00 125 lượt xem
BP - Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính vừa công bố: Từ năm 2007 đến hết năm 2013, chỉ riêng với loại hình bảo hiểm nhân thọ, trên cả nước đã xảy ra 52.860 vụ trục lợi, với số tiền ước khoảng 530 tỷ đồng. Và đây chỉ là những vụ bị phát hiện. Thực tế, con số này sẽ còn cao hơn rất nhiều.

Đặc biệt, đối với loại hình bảo hiểm các loại xe ôtô, hành vi trục lợi xuất hiện khá thường xuyên nhưng tỷ lệ phát hiện lại rất thấp. Điều đáng buồn là hành vi vi phạm gây thất thoát lớn tài sản cho tổ chức, doanh nghiệp và Nhà nước cho đến nay vẫn chưa có vụ việc nào bị truy tố hình sự.

Nguyên nhân là do trong Bộ luật Hình sự nước ta hiện nay không hề có điều, khoản nào quy định về tội trục lợi bảo hiểm. Chính vì vậy, từ trước đến nay, hành vi vi phạm trong lĩnh vực này chỉ bị xử lý hành chính hoặc bị doanh nghiệp bảo hiểm cho “chìm xuồng” để giữ uy tín trên thương trường. Trong khi đó, các quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm hiện nay mới chỉ có các hình thức: cảnh cáo, phạt tiền, tước chứng chỉ đại lý, buộc tiêu hủy tài liệu gian dối... Nhưng hình thức xử lý này không đủ sức răn đe, ngăn chặn những hành vi tiêu cực.

Một nguyên nhân nữa trực tiếp làm cho hành vi trục lợi bảo hiểm còn cao là do chính các doanh nghiệp bảo hiểm ít trao đổi thông tin với nhau mà mỗi doanh nghiệp luôn cố gắng giữ bí mật thông tin khách hàng của mình. Vì thế trong thực tế đã xảy ra tình trạng một khách hàng có một hành vi lại trục lợi bảo hiểm tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau. Đã không ít vụ trục lợi bảo hiểm nhân thọ được phát hiện có hành vi thông đồng giữa khách hàng, đại lý bán bảo hiểm, bác sĩ... làm hồ sơ lùi thời điểm xảy ra sự kiện để bảo hiểm trùng với thời điểm hợp đồng còn hiệu lực.

Có thể khẳng định, hành vi trục lợi bảo hiểm diễn ra từ khâu khai báo hồ sơ mua bảo hiểm cho đến khai báo bồi thường hoặc lập hồ sơ sự kiện bảo hiểm xảy ra khi hợp đồng đã hết hiệu lực... Đối với bác sĩ, nhân viên doanh nghiệp thì lợi dụng trách nhiệm được giao để trục lợi, đối với người tham gia bảo hiểm thì lợi dụng kẽ hở của pháp luật để trục lợi. Vì vậy, những hành vi này cần được hình sự hóa để ngăn chặn.

Dư luận rất đồng tình về việc Bộ Tư pháp đã chính thức thực hiện việc hình sự hóa hành vi trục lợi bảo hiểm bằng việc bổ sung tội danh trục lợi bảo hiểm vào Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi.

Việc Bộ Tư pháp quyết định hình sự hóa tội danh trục lợi bảo hiểm là một quyết định quan trọng để hạn chế tình trạng trục lợi bảo hiểm. Từ đó hạn chế thiệt hại cho doanh nghiệp bảo hiểm và góp phần mang lại môi trường bảo hiểm lành mạnh.

Tuy nhiên, theo suy nghĩ của người viết thì trong dự thảo cần quy định rõ mức độ vi phạm cụ thể để xử lý hình sự. Vì thực chất, việc mua bảo hiểm là quan hệ dân sự giữa doanh nghiệp và khách hàng. Nếu quy định không chi tiết sẽ rơi vào tình trạng hình sự hóa hành vi dân sự. Đồng thời, việc cụ thể hóa tội trục lợi bảo hiểm cũng cần xem xét là tội danh đã hoàn thành hoặc tội danh chưa hoàn thành. Vì hành vi trục lợi bảo hiểm dù chưa đạt mục đích lợi ích vật chất cũng phải được xem xét trách nhiệm hình sự. Bởi việc chưa đạt được mục đích nằm ngoài mong muốn của người trục lợi.         

N.N

 

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu