Thứ 6, 26/04/2024 17:10:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 18:06, 11/02/2018 GMT+7

Cầm đèn đi sau

Chủ nhật, 11/02/2018 | 18:06:00 117 lượt xem

BPO - Phú Quốc, Chư Sê, Lộc Ninh là 3 địa danh nổi tiếng gắn liền với hồ tiêu. Với nhiều lợi thế, Bình Phước dần trở thành tỉnh có diện tích hồ tiêu lớn nhất với khoảng 15 ngàn ha trong tổng số 127.000 ha cả nước. Không chỉ Lộc Ninh, hồ tiêu đã được trồng nhiều ở các huyện Bù Đốp, Hớn Quản, Bù Gia Mập… Mỗi địa danh nổi tiếng về hồ tiêu đều gắn với những điều đặc biệt nhất định, như tiêu Phú Quốc cay nồng và thơm đặc trưng, tiêu Chư Sê và Lộc Ninh gắn liền với bề dày kỹ thuật, kinh nghiệm trồng trọt cho chất lượng cao… Bên cạnh đó, dù chiếm diện tích không lớn, nhưng hồ tiêu đóng vai trò vô cùng quan trọng với kinh tế Bình Phước khi là một trong 3 cây trồng chủ lực, quyết định sự phát triển nông nghiệp của tỉnh. Địa danh nổi tiếng và chiếm vị trí quan trọng đối với phát triển kinh tế như vậy, nhưng rất bất ngờ là hiện nay Bình Phước chưa có giống tiêu địa phương được công nhận.

Năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư số 18/2012/TT-BNNPTNT quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm. Thông tư quy định khá chặt chẽ về việc quản lý sản xuất và kinh doanh giống cây lâu năm, trong đó có hồ tiêu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc sản xuất, kinh doanh cây giống hồ tiêu trước đó và kể cả khi có Thông tư số 18/2012/TT-BNNPTNT cũng không có gì thay đổi, vẫn là mạnh ai nấy làm. Giống hồ tiêu gần như thả nổi trên thị trường. Bình Phước là địa phương cung cấp khối lượng nhiều nhất giống hồ tiêu cho các tỉnh thành trong cả nước. Nhà nông Đặng Văn Tuấn, ở ấp 8, xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh cung cấp ra thị trường giống hồ tiêu sinh trưởng nhanh, sức kháng bệnh mạnh, cho năng suất 6kg/nọc, trong khi vườn bình thường chỉ cho năng suất khoảng 3kg/nọc. Nhưng cũng có những nhà nông cung cấp giống ra thị trường giống hồ tiêu trồng chưa cho trái đã bệnh chết hoặc cho năng suất thấp đến mức có cũng như không…

Ngày 25-1 vừa qua, tại hội nghị thúc đẩy phát triển sản xuất hồ tiêu bền vững, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Với cây tiêu, không đi theo con đường thi năng suất, sản lượng nữa, mà phải là chất lượng. Sự phát triển thần tốc của ngành hồ tiêu những năm qua đang đặt ra những vấn đề lớn nếu không tháo gỡ kịp thời, không chỉ làm cho hồ tiêu bị tụt hậu mà còn có nguy cơ phá vỡ cả ngành hàng.

Có thể thấy, với những gì đang diễn ra, người đứng đầu ngành nông nghiệp - nông thôn đã đánh giá khá rõ ràng những nguy cơ đối với cây hồ tiêu và cả ngành hàng. Trong sản xuất nông nghiệp, để có sản phẩm chất lượng tốt, đầu tiên phải có nguồn giống tốt. Đó là lý lẽ một nông dân lần đầu bước ra ruộng vườn cũng biết. Nhưng với sự thờ ơ của cơ quan chức năng, vẫn cảnh “cha chung không ai khóc” và cách làm ăn manh mún, chụp giật, chỉ nghĩ tới lợi ích trước mắt, lợi ích cá nhân mà không nghĩ tới lợi ích lâu dài và hệ lụy về sau, chúng ta sẽ không thể có những thương hiệu như “xoài Thái”, “nho Mỹ”, “thịt bò Kobe”... Cũng vì thế, không khó hiểu khi hồ tiêu Việt Nam đang mang tiếng nắm quyền chi phối thị trường thế giới, nhưng rốt cuộc vẫn không quyết định được giá. Chỉ đóng vai trò sản xuất thô, chất lượng sản phẩm khó kiểm soát, nên với cuộc chơi trên thị trường, chúng ta vẫn là “đối tượng phụ thuộc”. Giá vụ này chỉ còn 60-65 ngàn đồng/kg, người trồng tiêu Việt Nam thua lỗ, là ví dụ điển hình nhất.

Cơ quan chức năng ngành nông nghiệp thường được xem là người cầm đèn soi rọi cho nông dân và doanh nghiệp trên con đường sản xuất. Trong trường hợp với hồ tiêu, xem ra người cầm đèn đang đi sau mất rồi!

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu