Thứ 6, 26/04/2024 21:10:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 08:36, 01/02/2018 GMT+7

Bài toán của hồ tiêu

Thứ 5, 01/02/2018 | 08:36:00 178 lượt xem

BP - Đang mùa thu hoạch hồ tiêu nhưng khác hẳn với những năm gần đây, năm nay nông dân các huyện Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đốp... không có nụ cười rạng rỡ. Thay vào đó là sự đượm buồn bởi hồ tiêu vừa mất mùa vừa mất giá. Nông sản mất mùa thường được giá, được mùa mới có nguy cơ mất giá, hiếm khi vừa mất mùa vừa mất giá như hồ tiêu năm nay. Với những gì đang diễn ra, một lần nữa, vấn đề phát triển “nóng” hồ tiêu cần tiếp tục được đặt ra khi các cảnh báo từ nhiều năm trước nay đã trở thành hiện thực.

Giá hồ tiêu hiện xuống thấp kỷ lục trong khoảng 8 năm trở lại đây, chỉ còn 60-65 ngàn đồng/kg, bằng khoảng ½ so với cùng thời điểm này vụ trước và bằng 1/3 so với thời điểm giá cao những năm 2012-2016. Khi hồ tiêu được ví như “vàng đen” và nhà nhà đổ xô trồng hồ tiêu, tháng 6-2014 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt quy hoạch phát triển ngành hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, với diện tích ổn định 50.000 ha - tương đương diện tích năm 2012, trong đó diện tích kinh doanh 47.000 ha, kiến thiết cơ bản 3.000 ha, năng suất bình quân 30 tạ/ha, sản lượng 140.000 tấn... Thế nhưng bất chấp tại thời điểm phê duyệt diện tích đã vượt quy hoạch (60.000 ha), cả nông dân và cơ quan quản lý ngành nông nghiệp đều không kiểm soát được diện tích trồng hồ tiêu tiếp tục tăng chóng mặt. Hiện nay, diện tích hồ tiêu cả nước đã lên khoảng 127.000 ha, niên vụ 2016-2017 sản lượng 180.000 ngàn tấn, lần lượt gấp 2,5 lần và 1,3 lần so với quy hoạch đến năm 2020. Vì thế, cho dù với tỷ lệ xuất khẩu chiếm 40-55% thị trường thế giới và hồ tiêu Việt Nam giữ vai trò chi phối toàn cầu trong hơn 10 năm qua, cũng khó tránh khỏi xu hướng giảm giá nhanh bởi quy luật cung - cầu.

Trong sản xuất nông nghiệp, để tăng sản lượng, tăng giá trị kinh tế, về cơ bản có 3 cách. Thứ nhất là đầu tư tăng diện tích, thứ hai là tăng diện tích kết hợp tăng năng suất, thứ ba là tập trung đầu tư tăng năng suất. Không khó nhận thấy cách thứ ba là cách tốt nhất khi sử dụng ít tài nguyên nhất, chất xám tham gia sản xuất nhiều nhất; còn cách thứ nhất là tệ nhất vì sử dụng tài nguyên nhiều nhất, chất xám tham gia sản xuất ít nhất. Đáng tiếc là ngành hồ tiêu nước ta lại đang đi theo cách thứ nhất. Và mặc dù sự so sánh chỉ mang tính chất tương đối vì hiện có một phần diện tích đáng kể trong giai đoạn kiến thiết chưa cho thu hoạch, song kết quả của cách tệ nhất này còn tệ hơn khi diện tích tăng gấp 2,5 lần mà sản lượng chỉ tăng gấp 1,3 lần quy hoạch.

Bình Phước là tỉnh đứng đầu về diện tích trong số 7 tỉnh trồng hồ tiêu lớn nhất cả nước. Khi bùng nổ trồng tiêu cũng là lúc nhà nông ở các vựa tiêu ồ ạt cung cấp cây giống. Những vùng được khuyến cáo không nên trồng tiêu vì không bảo đảm thổ nhưỡng, khí hậu, kỹ thuật canh tác... cũng ào ào dựng nọc, xuống giống. Không chỉ ảnh hưởng đến sản lượng, mà chất lượng hồ tiêu vì thế cũng khó kiểm soát khi cây giống thả nổi, nông dân có thể lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật để bảo vệ mảnh vườn nhỏ nhưng vốn đầu tư hàng trăm triệu đồng của mình...

Để cây hồ tiêu và ngành hồ tiêu Việt Nam cũng như Bình Phước phát triển bền vững, ngành nông nghiệp cần có giải pháp triệt để cho những vấn đề đặt ra, trước mắt như quy hoạch chính xác để có chiến lược sát thực tế và kiểm soát được quy hoạch, kiểm soát được thuốc bảo vệ thực vật trên hồ tiêu, đẩy mạnh hình thành hợp tác xã sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế... Khi đó bài toán kinh điển được mùa mất giá, được giá mất mùa, hay mất cả mùa lẫn giá mới có thể giải được.

Trần Phương

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu