Thứ 6, 26/04/2024 14:19:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Thời luận 09:30, 17/11/2016 GMT+7

Ai cũng thấy, chỉ...

Trần Phương
Thứ 5, 17/11/2016 | 09:30:00 168 lượt xem

BP - Xe tải né trạm thu phí phá nát đường giao thông nông thôn là câu chuyện “ai cũng biết” ở Đồng Phú. Báo Bình Phước cũng đã nhiều lần phản ánh tình trạng này và hậu quả thì ai cũng nhận thấy, như: trạm thu phí không thu được phí, đường giao thông nông thôn bị phá nát, đời sống người dân vốn bình yên bị đảo lộn khi những chiếc xe tải chạy ào ào ngay trước cửa nhà cả ngày lẫn đêm... Thế nhưng, vì sao tình trạng này vẫn xảy ra?

>> Né trạm thu phí, xe tải phá nát đường nông thôn mới

Tân Lập là xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh. Để đạt được kết quả đó, nhà nước và nhân dân đã phải đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có làm đường giao thông nông thôn. Những con đường bê tông, đường nhựa khang trang, sạch sẽ ở Tân Lập trở thành điển hình, là niềm mơ ước của các khu dân cư trên toàn tỉnh. Đó không chỉ là kết quả đầu tư xây dựng bài bản, mà còn là biểu tượng đoàn kết, sự nỗ lực của nhà nước và nhân dân trong quyết tâm phát triển kinh tế, cải thiện đời sống ở nông thôn. Nhưng đường nhựa, đường bê tông đẹp đẽ ở Tân Lập nay đã lỗ chỗ ổ voi, ổ gà, có đoạn trở nên lầy lội... và sẽ sớm biến thành đường sỏi, đường đất trong nay mai. Thế nên, không khó lý giải khi người dân và cả chính quyền xã Tân Lập rất bức xúc khi phải chứng kiến mỗi ngày có hàng trăm chiếc xe tải né trạm thu phí phá nát những tuyến đường ấy.

Nơi xe tải sang đường, rồi rẽ từ đường ĐT741 vào đường nông thôn ở Tân Lập chỉ cách trạm thu phí vài chục mét. Địa điểm những chiếc xe này “chui ra” đường ĐT741 tiếp tục hành trình cũng cách đó không xa. Việc né trạm, nhân viên, lãnh đạo trạm thu phí biết rõ. Giá vé thấp nhất qua trạm 15.000 đồng/lượt, với 100 chuyến né, mỗi ngày trạm thất thu phí 1,5 triệu đồng. Thế nên trạm thu phí đã “la làng” khi không thu được phí, ảnh hưởng đến thời gian hoàn vốn của dự án cũng là điều dễ hiểu. Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú cũng biết bởi đích thân ông đã tới tận hiện trường chỉ đạo tháo dỡ barie dựng lên nhằm ngăn xe tải đi vào những tuyến đường nông thôn để bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật về giao thông... Còn tài xế, chủ xe tải biết những gì? Xin nói ngay rằng họ biết quá rõ đường nào dành cho xe nào và tải trọng của từng loại đường. Họ biết rõ những con đường đó không dành cho xe của họ và càng biết rõ nếu cứ đi như vậy thì các con đường tắt chỉ trong thời gian ngắn sẽ “nát bấy”...

Có thể thấy, ai cũng biết có tình trạng xe né trạm và hậu quả của nó. Chưa nói đến việc phải bảo vệ người dân, bảo vệ doanh nghiệp chân chính bỏ tiền đầu tư làm đường khang trang. Trường hợp này chỉ cần thực hiện nghiêm pháp luật là đủ. Thế nhưng, rất tiếc, pháp luật mới chỉ có “một nửa” nghiêm minh. Đó là tháo dỡ chiếc barie đặt không đúng quy định; nửa còn lại là chế tài dành cho những “ông xe tải” kia thì chưa!

Phải chăng việc tháo dỡ một chiếc barie dễ dàng hơn ngăn chặn đoàn xe né trạm, nên những người có trách nhiệm ở Đồng Phú đã “chọn việc nhẹ nhàng”? Nếu quả đúng như vậy, người dân xã Tân Lập và trạm thu phí (cũng là doanh nghiệp đầu tư xây dựng đường) sẽ còn phải tiếp tục “kêu khổ”. Bởi thực tế không phải ai cũng “nhìn thấy” những chiếc xe tải né trạm đã gây ra tác hại như thế nào!

>> Né trạm thu phí, xe tải phá nát đường nông thôn mới

  • Từ khóa

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu