Thứ 5, 09/05/2024 22:48:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Phòng chống tham nhũng, lãng phí 15:41, 19/04/2023 GMT+7

“Vì nhân dân phụng sự” và cái giá của sự đi ngược

Thứ 4, 19/04/2023 | 15:41:11 871 lượt xem

Bài 3:
CHỮ “DÂN” VÀ TINH THẦN PHỤNG SỰ NHÂN DÂN

CỦA QUỐC HỘI THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH


Lê Thành - Phương Hiếu - Hồng Thái

BPO - Trong bài viết Nhân danh “giải cứu” hay “sự móc ngoặc công - tư”?Lời thề và sự bội ước cần lên án, tác giả đi vào phân tích và chỉ rõ sự tha hóa về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là một số đảng viên có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy của Nhà nước trong thời gian qua là sự bội ước với chính lời tuyên thệ của mình, cũng đồng thời là sự bội ước với lời thề Phụng sự nhân dân trước khi đứng vào hàng ngũ của Đảng. Tuy nhiên, ở đây chúng ta nhận thấy bên cạnh sự tha hóa của một bộ phận công bộc của nhân dân đó chỉ là một bộ phận nhỏ trong số hàng triệu cán bộ, đảng viên đang ngày đêm phụng sự cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, của non sông đất nước. Những công bộc của nhân dân dấn thân vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc thì không ngừng học tập, nâng cao bản lĩnh cách mạng theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng đẹp nhiều ý nghĩa, góp phần tạo ra bầu không khí lan tỏa với phương châm “Vì nhân dân phục vụ”.

Triết lý “Dân” trong tư tưởng phụng sự nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Có thể thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh là kế thừa quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng bằng sự thấu hiểu đặc điểm dân tộc và tinh thần sáng tạo. Từ chủ nghĩa Mác-Lênin, Người đã xây dựng mở rộng, nâng tầm khái niệm Dân trở thành một triết lý đặc sắc trong tư tưởng của mình. Người nói: “Trên bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trên thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” [1]. Tư tưởng về Dân, Nhân dân đã thể hiện rõ triết lý đề cao vai trò của người dân trong lịch sử cũng là một nội dung quan trọng trong việc phụng sự nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay. 

Khi thực hiện lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ sự gắn bó mật thiết của Đảng với nhân dân và phụng sự nhân dân là một nội dung xuyên suốt: “Đảng mạnh tức là dân mạnh, dân mạnh thì Đảng mạnh; dân, Đảng mạnh thì chúng ta nhất định thắng lợi” [2]. Mối quan hệ gắn bó giữa dân với Đảng cũng như sự phụng sự nhân dân trong tư tưởng của Bác cho thấy sứ mệnh phục vụ nhân dân của người cán bộ, đảng viên với công cuộc thực hiện nhiệm vụ cách mạng của dân tộc.

Với tư tưởng xuyên suốt “Dân làm gốc”, phương châm “Lấy dân làm gốc” tức là phải biết dựa vào dân, vì nhân dân phụng sự đề cao quyền làm chủ của dân mà người cán bộ cách mạng phải hết lòng phụng sự nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Hồ Chủ tịch đã từng dạy: “Nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực (lợi ích gần và lợi ích xa, lợi ích riêng và lợi ích chung, lợi ích bộ phận và lợi ích toàn cuộc). Đối với nhân dân, không thể lý luận suông, chính trị suông” [3]. Trong đó, Người còn chỉ rõ: “Dân đủ ăn, đủ mặc thì chính sách của Đảng và Chính phủ đưa ra sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay đến mấy cũng không thực hiện được” [4]. Đời sống của dân chính là thước đo giá trị và xác thực nhất về đạo đức cũng như tài năng và phẩm giá của người cán bộ cách mạng. Với lập luận như vậy, Bác cho rằng: “tất cả đường lối, phương châm, chính sách… của Đảng đều chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân” [5].

Trong triết lý phụng sự nhân dân của Người thì phải gần dân, lắng nghe, thấu hiểu dân để đưa ra chủ trương, chính sách hợp lòng dân và cán bộ, đảng viên luôn tiềm ẩn những nguy cơ xa dân khi Đảng đã trở thành đảng cầm quyền và dẫn tới lối lãnh đạo quan liêu, duy ý chí, không tính đến tình hình thực tiễn. Người chỉ rõ bằng hình ảnh ví von rất cụ thể, gần gũi và sinh động: “Nếu cứ làm theo ý muốn, theo tư tưởng, theo chủ quan của mình, rồi đem cột vào cho quần chúng, thì khác nào “khoét chân cho vừa giầy”. Chân là quần chúng. Giầy là cách tổ chức và làm việc của chúng ta. Ai cũng đóng giầy theo chân. Không ai đóng chân theo giầy” [6]. Do vậy, chính Người kết luận rằng: “dân chúng chính là những người chịu đựng cái kết quả của sự lãnh đạo của ta” [7] do vậy “nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì đề nghị họ sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức ta” [8].

Với tinh thần như vậy, Hồ Chủ tịch luôn nhấn mạnh với người cán bộ, đảng viên của Đảng dù ở bất kỳ cấp độ và cương vị nào cũng đều phải thực sự cầu thị, khiêm tốn học hỏi dân chúng. Do vậy: Nếu cán bộ, đảng viên “không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm trò dân mới làm được thầy học dân” [9], khiêm tốn học hỏi nhân dân, gắn bó mật thiết với dân không có nghĩa là “theo đuôi quần chúng”.

Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực không chỉ về đức tận tụy, hy sinh mà còn về sự khiêm nhường trước quần chúng nhân dân, làm cho quần chúng ngày càng tin yêu vào sự lãnh đạo của Đảng để có thể hoàn thành tốt vai trò vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ trung thành của nhân dân. Hồ Chí Minh đã kết luận: “Tôi phải nói thật: Những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại tôi. Từ nay, tôi mong đồng bào ra sức giúp tôi sửa chữa những khuyết điểm đó bằng nhiều cách, trước hết là bằng cách thi hành cho đúng và triệt để những mệnh lệnh của Chính phủ” [10]

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, sức mạnh trong dân là vô cùng to lớn, tuy nhiên việc khai thác được các nguồn lực đó thì Đảng phải làm công tác dân vận thật tốt. Người viết: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” [11]. Người căn dặn cán bộ, đảng viên: “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: Dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Nhưng trước hết phải chịu khó tìm đủ cách giải thích cho họ hiểu: Những việc đó là vì lợi ích của họ mà họ phải làm” [12].

Có thể nói Chủ tịch Hồ Chí Minh với triết lý vì dân, trọng dân và phụng sự nhân dân, mọi quyền lợi cũng đều vì nhân dân, hành động đều xoay quanh chữ “dân” và lợi ích của dân. Với triết lý thiêng liêng như vậy thì việc củng cố mối quan hệ giữa Đảng và dân chính là để củng cố địa vị cầm quyền của Đảng để Đảng và các cơ quan dưới sự lãnh đạo của Đảng đều hướng tới mục tiêu “xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ trung thành của nhân dân”.

Quốc hội phụng sự nhân dân theo tư tưởng của Bác

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết của chính quyền nhân dân là tổng tuyển cử tự do và soạn thảo Hiến pháp. Trong giai đoạn này, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, triết lý “vì nhân dân phụng sự” của Người được thể hiện đậm nét trong bản Hiến pháp năm 1946. Tư tưởng dân chủ xã hội chủ nghĩa là nền tảng, giá trị cốt lõi của Nhà nước ta, chế độ ta. Quốc hội là nơi hội tụ ý chí và niềm tin của cả dân tộc [13]. Ngay từ Quốc hội khóa I, giá trị đó đã được khẳng định và thể hiện mạnh mẽ trong quá trình lựa chọn những đại biểu xứng đáng của nhân dân, cùng nhân dân vượt qua mọi gian khó, thách thức của những ngày đầu xây dựng Nhà nước. 

Ngay sau khi giành độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ Cách mạng lâm thời ngày 3-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị tiến hành cuộc Tổng tuyển cử. Người khẳng định:“Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân tự do lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà. Trong cuộc Tổng tuyển cử, hễ là những người muốn lo việc nước thì đều có quyền ra ứng cử, hễ là công dân thì có quyền đi bầu cử… Do Tổng tuyển cử mà toàn dân bầu ra Quốc hội. Quốc hội sẽ cử ra Chính phủ. Chính phủ đó thật là Chính phủ của toàn dân” [14]

Ngày 6-1-1946, hưởng ứng Lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, tất cả công dân từ 18 tuổi trở lên không phân biệt nam, nữ, giàu, nghèo, tôn giáo, náo nức tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa [15]. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đánh dấu sự ra đời của Quốc hội Việt Nam, một thiết chế dân chủ, quan trọng trong Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Đây là mốc son đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của nền dân chủ, biểu thị ý chí, niềm tin, sức mạnh của nhân dân trong bối cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”, tạo cơ sở quan trọng để xây dựng Nhà nước và chế độ mới. Như vậy có thể thấy, ngay từ Hiến pháp và Quốc hội khóa đầu tiên (năm 1946), tư tưởng và tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân luôn được quán triệt và thực hiện sâu sắc. Tinh thần này ngày càng thực hiện tốt hơn của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, thay mặt nhân dân thực hiện các quyền lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Tiếp nối tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam qua gần 80 năm xây dựng và phát triển luôn giữ vững và phát huy tinh thần vì nhân dân phục vụ. Quốc hội khóa XV được cử tri cả nước bầu ra trong bối cảnh tình hình khu vực, thế giới diễn biến phức tạp, khó dự báo. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục có những điều chỉnh cả về mức độ và phương thức. 

Đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, tác động tiêu cực, kéo dài đến kinh tế khu vực và thế giới, trong đó có nước ta, làm thay đổi cấu trúc kinh tế, phương thức quản trị và đời sống kinh tế, xã hội toàn cầu, buộc nhiều nước phải thay đổi định hướng, chiến lược phát triển theo hướng đề cao tinh thần tự lực, tự cường, chú trọng đầu tư và phát triển thị trường nội địa. Ở trong nước, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực thi đua thực hiện mục tiêu kép và triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; kinh tế, xã hội tiếp tục đạt kết quả tích cực, an sinh phúc lợi xã hội và các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng khá; tốc độ tăng trưởng các ngành công nghiệp đạt kết quả đáng khích lệ; quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; quan hệ đối ngoại tiếp tục được tăng cường... Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế nước ta vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra và còn nhiều khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư lây lan nhanh ở nhiều tỉnh, thành phố, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát và có thể còn kéo dài. Sản xuất kinh doanh, sinh kế, việc làm, đời sống của nhân dân, nhất là ở những vùng có dịch và những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của đại dịch gặp rất nhiều khó khăn.

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định trong Hiến pháp, pháp luật; phát huy truyền thống gần 80 năm xây dựng và phát triển, kế thừa những kinh nghiệm, thành tựu của các khóa trước, Quốc hội nhận thức sâu sắc niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri, thấy rõ những khó khăn, thuận lợi, thời cơ, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang đứng trước những thách thức chưa có tiền lệ; quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng [16], tiếp tục phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, gần dân, trọng dân, cầu thị, lắng nghe ý kiến của nhân dân. Phát huy tối đa năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, bám sát thực tiễn nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, ban hành quyết sách đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng [17].

Chặng đường gần 80 năm qua, cùng với sự phát triển và hoàn thiện hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy nhà nước nói chung, Quốc hội các khóa đã không ngừng lớn mạnh, đổi mới và hoàn thiện về tổ chức, phương thức làm việc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và năng lực hoạt động của từng đại biểu. Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Những thành tựu đạt được của Quốc hội nước ta trong gần 80 năm qua bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng - nhân tố quyết định để Quốc hội hoàn thành xuất sắc trọng trách mà nhân dân giao phó”. Quốc hội là nơi hội tụ ý chí, niềm tin của dân tộc ta, đã và đang vững vàng tiếp bước những trang sử vẻ vang, không ngừng lớn mạnh, phát triển, để lại những dấu ấn quan trọng, xây dựng vị thế vững chắc trong lòng nhân dân, ngày càng khẳng định, phát huy vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, tận dụng thời cơ, phát huy thế mạnh, nỗ lực vượt khó, chúng ta tin tưởng Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cách mạng trước Đảng, nhân dân, cử tri cả nước; thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp năm 2013, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thực sự là Quốc hội của nhân dân, vì nhân dân, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của nhân dân và cử tri cả nước.

Như vậy có thể thấy rằng, thấm đẫm lời chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với triết lý “Vì nhân dân phụng sự”, Quốc hội nước ta đã không ngừng nỗ lực phấn đấu phục vụ lợi ích của nhân dân, lợi ích của quốc gia dân tộc, của đại biểu Quốc hội qua từng thời kỳ lịch sử dân tộc. Vượt lên khó khăn, thách thức cùng với những tiêu cực trong cuộc sống đang diễn ra hằng ngày trong thời gian qua thì cán bộ là đại biểu của nhân dân vẫn một lòng phụng sự người dân, hướng tới những giá trị về vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, cũng như để hướng tới những giá trị chân - thiện - mỹ như tinh thần Đại hội XIII của Đảng khẳng định: Đất nước tachưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của chúng ta là đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan, với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh chính trị của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng, lý luận dẫn dắt dân tộc ta vững vàng tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; là nền tảng để Đảng ta hoàn thiện đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.[18]


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t 10, tr 453.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t11, tr 117.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,  t7, tr. 176.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd , t9, tr 518.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,  t13, tr. 164.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,  t 5, tr  288.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t5, tr 325. 

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t5, tr 337 - 338.

[9] Hồ chí Minh: Toàn tập, Sđd, t6, tr. 432.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t4, tr 192 - 193.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t6, tr 234.

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t5, tr 286.

[13]. Xem: http://tapchiqptd.vn/vi/chuyen-luan-chi-dao/quoc-hoi-viet-nam-hoi-tu-y-chi-niem-tin-cua-dan-toc-ta/17605.html

[14]. Sđd, t4, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 153.

[15]. Tham khảo của tác giả Vương Đình Huệ: Với trên 80% cử tri tham gia bầu cử, nhân dân ta đã bầu được 333 đại biểu Quốc hội. Trong đó có: 57% thuộc các đảng phái khác nhau, 43% không thuộc đảng phái nào; 87% đại biểu là công nhân, nông dân và chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu là phụ nữ và 34 đại biểu là người dân tộc thiểu số.

[16]. Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 20-7-2021.

[17]. Xem tại: Vương Đình Huệ http://tapchiqptd.vn/vi/chuyen-luan-chi-dao/quoc-hoi-viet-nam-hoi-tu-y-chi-niem-tin-cua-dan-toc-ta/17605.html.

[18]. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021); Sđd; Tr10.

  • Từ khóa
166490

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu