Thứ 5, 09/05/2024 19:28:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Phòng chống tham nhũng, lãng phí 08:40, 19/04/2023 GMT+7

Phát huy vai trò đảng bộ cấp huyện trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí

Thứ 4, 19/04/2023 | 08:40:50 1,479 lượt xem

*NGUYỄN HỒNG TRÀ
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy


BPO - Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí, tiêu cực thời gian qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ tỉnh đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong PCTN, lãng phí, tiêu cực. Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị đã coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Ủy ban kiểm tra các cấp đã làm tốt công tác tham mưu giúp cấp ủy kiểm tra, giám sát các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, dễ xảy ra sai phạm. 

Các tổ chức đảng và đảng viên ở các cơ quan đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có chức năng PCTN của tỉnh và các địa phương để kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời và công khai kết quả xử lý tổ chức, cán bộ, đảng viên có vi phạm pháp luật về PCTN, lãng phí, tiêu cực ngày càng triệt để, hiệu quả.

 Tích cực đấu tranh các luận điệu xuyên tạc

Thời gian qua, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên và hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, đã tác động nhiều mặt, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tại các địa phương và cấp cơ sở không ít cán bộ, đảng viên có dấu hiệu tìm cách lôi kéo, móc nối, tạo lập nhóm lợi ích để dễ dàng thực hiện hành vi tiêu cực, tham nhũng. Đồng thời, tìm mọi cách loại bỏ những người trung thực, thẳng thắn, dám đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Điều này ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng bộ và sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp trên một số lĩnh vực, trong đó có công tác PCTN, tiêu cực nhằm tạo mọi điều kiện để công dân thực hiện đầy đủ quyền tiếp cận thông tin, phát huy vai trò giám sát trong việc thực thi quyền lực của cán bộ, đảng viên.

Cùng với công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, giám sát của cơ quan dân cử, cơ quan tư pháp, MTTQ và các tổ chức thành viên, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa với chủ động phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời những hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, cản trở việc xử lý tham nhũng, tiêu cực. Nghiêm túc thực hiện phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và sử dụng đồng bộ các biện pháp chính trị, tư tưởng, tổ chức, hành chính, kinh tế, tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch. Kiên quyết xử lý kịp thời và thay thế những cán bộ lãnh đạo, quản lý có biểu hiện sách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, tạo sự tin tưởng tuyệt đối của nhân dân đối với công tác PCTN, tiêu cực.

Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng đến mọi cán bộ và người dân về ý nghĩa, mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp PCTN, tiêu cực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn tỉnh về công tác PCTN, tiêu cực, khắc phục tình trạng thông tin một chiều, thông tin không chính xác, mang tính kích động, gây hoang mang. Tích cực đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc, lợi dụng PCTN, tiêu cực để chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch nhằm đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong tổ chức bộ máy cơ quan đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị nhất là tư tưởng cục bộ địa phương, “bệnh thành tích” để cán bộ, đảng viên và nhân dân giám sát cán bộ lãnh đạo, quản lý, Đảng bộ các huyện, thị xã cần có cơ chế công khai, minh bạch, dân chủ trong công tác cán bộ. Tiếp thu ý kiến đóng góp, xây dựng của các đoàn thể, tổ chức đại diện cho dân và ý kiến trực tiếp của người dân, các tổ chức cơ sở đảng, Đảng bộ phải thông tin thường xuyên để công khai, cung cấp những thông tin, kết luận, điều tra, xử lý những vụ, việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật; tránh tình trạng che giấu, bưng bít thông tin để nhân dân biết, theo dõi, giám sát một cách dân chủ, công khai và kiến nghị với cơ quan chức năng có thẩm quyền kịp thời xử lý. Điều này góp phần tạo nên phong trào toàn dân, cả hệ thống chính trị tham gia PCTN, lãng phí, tiêu cực. Có như vậy mới huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, nhất là vai trò nòng cốt, hạt nhân của các tổ chức đảng và đảng viên.

Chống tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng 

Thời gian tới, để công tác PCTN, tiêu cực ở cấp huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đạt hiệu quả cao hơn, Ban Chấp hành Đảng bộ các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung lãnh đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Tiếp tục kiện toàn tổ chức, bộ máy, tăng thẩm quyền, bổ sung chức năng, nhiệm vụ đối với các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN, tiêu cực và các cơ quan tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN, tiêu cực của địa phương theo quy định phân cấp, phân quyền đã được Tỉnh ủy quy định. Đồng thời phải tích cực đổi mới phương thức hoạt động, ứng dụng khoa học - công nghệ, tăng cường phương tiện làm việc; có cơ chế ngăn ngừa, xử lý nghiêm các hành vi can thiệp, tác động không đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào hoạt động này và có chính sách hợp lý, tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ đấu tranh PCTN, tiêu cực.

Phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện chủ trương, chính sách, các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN, tiêu cực, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, nói đi đôi với làm, xử lý nghiêm người đứng đầu có biểu hiện tham nhũng, buông lỏng, bao che cho tham nhũng, tiêu cực. Cần tập trung xây dựng ý thức tự giác, ý chí và hành động, giữa lời nói và việc làm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương.


Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng theo hướng tiến hành thường xuyên, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm. Tăng cường kiểm tra, giám sát những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, công tác cán bộ. Chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ được quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Cán bộ, đảng viên có biểu hiện tham nhũng, nhiều đơn thư phản ánh, tố cáo tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kịp thời xử lý, điều chuyển, thay thế cán bộ lãnh đạo, quản lý khi có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp. Xử lý nghiêm những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà người dân, doanh nghiệp, với phương châm kịp thời phát hiện, giải quyết từ sớm, ngăn chặn từ đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong các tổ chức đảng và các cơ quan nhà nước. Khuyến khích, bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu; tính tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Quan tâm thực hiện công tác xây dựng Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức cán bộ. Thực hiện công khai, dân chủ trong công tác cán bộ kể cả việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức để phòng ngừa tham nhũng. Kiên quyết không đề bạt, bổ nhiệm những cán bộ có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng và không kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng. Triển khai thực hiện nghiêm quy định về kê khai tài sản, thu nhập và công khai bản kê khai tài sản của cán bộ công chức để các cơ quan chức năng và nhân dân giám sát.

Các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị tại địa phương phải thực sự coi PCTN, lãng phí, tiêu cực là trọng tâm của công tác xây dựng Đảng. Phải lựa chọn, bố trí những cán bộ, đảng viên có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có năng lực, bản lĩnh và phẩm chất đạo đức làm công tác tham mưu trong lĩnh vực PCTN, lãng phí, tiêu cực. Đồng thời phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân trong giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của các cơ quan chức năng trong phát hiện, tố giác những hành vi tham nhũng.


Thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong Đảng và hệ thống chính trị theo hướng thật đầy đủ, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả. Khắc phục sự lạm quyền, lộng quyền và lợi dụng quyền lực của cán bộ, đảng viên có chức vụ theo khuynh hướng người có chức vụ, quyền hạn theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn. Chú trọng cụ thể chế tài xử lý vi phạm đối với cán bộ, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực ở nhiều lĩnh vực; không để xảy ra sai phạm, tiêu cực trong việc bổ nhiệm, quy hoạch, luân chuyển, điều động cán bộ.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để kiểm soát quyền lực. Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Nhà nước. Công tác giám sát của các cơ quan tư pháp, cơ quan dân cử, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc thực thi nhiệm vụ của người có chức vụ, quyền hạn, bảo đảm quyền lực được thực hiện đúng đối với các cơ quan, đơn vị có nhiệm vụ trực tiếp phát hiện, xử lý vụ việc tham nhũng. Chấn chỉnh, xử lý kịp thời, nghiêm minh vi phạm trong thực thi nhiệm vụ của cá nhân, cơ quan, đơn vị tổ chức, phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan chống tham nhũng.

  • Từ khóa
165861

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu