Thứ 5, 09/05/2024 22:01:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Phòng chống tham nhũng, lãng phí 08:34, 23/07/2022 GMT+7

“Bịt” các lỗ hổng tham nhũng

Hồ Ngọc
Thứ 7, 23/07/2022 | 08:34:27 2,373 lượt xem
BPO - Ngày 6-7-2022, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Quy định số 69-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kỷ luật đối với tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Trước đây, kỷ luật đảng viên được nêu trong Quy định số 102-QĐ/TW và kỷ luật tổ chức đảng được nêu tại Quy định số 07-QĐ/TW. So với Quy định số 102-QĐ/TW và Quy định số 07-QĐ/TW, nội dung của Quy định số 69-QĐ/TW có nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung phù hợp tình hình thực tế và đã nhận được sự đồng thuận cao của đảng viên trong cả nước. Bài viết dưới đây xin giới thiệu cùng bạn đọc những điểm mới đáng lưu ý trong Quy định số 69-QĐ/TW.

Quy định riêng về hành vi chạy chức, chạy quyền

Trước đây, theo điểm b khoản 3 Điều 11 về vi phạm trong công tác tổ chức, cán bộ trong Quy định số 102-QĐ/TW, thì hành vi đảng viên chạy chức nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khai trừ: “Có hành vi chạy chức, bằng cấp, vị trí công tác, luân chuyển; mua chuộc để bản thân hoặc người khác được quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng, chuyển đổi vị trí công tác”. Như vậy, trước đây hành vi chạy chức của đảng viên chỉ là một hành vi bị xử lý kỷ luật trong vi phạm công tác tổ chức, cán bộ. Còn trong Quy định số 69-QĐ/TW đã tách hành vi chạy chức, chạy quyền của đảng viên thành một hành vi bị kỷ luật riêng.

Hơn nữa, Quy định số 102-QĐ/TW và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định kỷ luật đảng viên chưa quy định cụ thể về hành vi chạy chức. Tuy nhiên, tại Điều 30 của Quy định số 69-QĐ/TW nêu rõ, nếu đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách: “Tiếp cận, thiết lập quan hệ, tặng quà người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan để được ưu ái, ủng hộ nhằm mục đích có được vị trí công tác, chức vụ, quyền hạn. Tác động, mua chuộc, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác vào vị trí, chức vụ có lợi cho cá nhân. Kỷ luật bằng hình thức khai trừ trong trường hợp vi phạm quy định nêu trên mà gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đưa, nhận hối lộ để được bố trí, bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm, bố trí nhiều cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện gây hậu quả rất nghiêm trọng”. 

Bổ sung quy định về vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình

Theo nội dung của Điều 24 trong Quy định số 102-QĐ/TW, đảng viên sẽ bị xử lý kỷ luật khi vi phạm quy định về hôn nhân và gia đình. Cụ thể, đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách: “Cản trở kết hôn, ly hôn trái pháp luật hoặc để con tảo hôn. Trốn tránh nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con, lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên”. Như vậy, theo quy định trước đây thì chỉ khi nào đảng viên vi phạm những quy định về hôn nhân và gia đình trong các trường hợp nêu trên thì mới bị xử lý kỷ luật.

Nhưng trong nội dung của Quy định số 69-QĐ/TW đã bổ sung hành vi đảng viên sống chung như vợ chồng với người khác mà không đăng ký kết hôn thì sẽ bị kỷ luật. Cụ thể, theo Điều 51 của Quy định số 69-QĐ/TW, nếu đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách: “Can thiệp việc kết hôn, ly hôn hoặc để con tảo hôn. Trốn tránh nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con, lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên. Cản trở người không trực tiếp nuôi con được thăm con sau khi ly hôn (trừ trường hợp cha, mẹ bị hạn chế quyền thăm con theo quyết định của tòa án). Trốn tránh, không thực hiện nghĩa vụ giám hộ sau khi đã làm thủ tục công nhận giám hộ tại cơ quan có thẩm quyền theo pháp luật. Sửa chữa, làm sai lệch nội dung, giả mạo giấy tờ để đăng ký nuôi con nuôi. Không đăng ký kết hôn hoặc đang có vợ (chồng) nhưng vẫn sống chung với người khác như vợ, chồng. Vi phạm pháp luật về mang thai hộ”.

Cấm đảng viên có hành vi đe dọa trả thù 

Trước đây, tại điểm d khoản 2 Điều 15 của Quy định số 102-QĐ/TW chỉ quy định nếu đảng viên vi phạm về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo, đối với trường hợp đã bị xử lý kỷ luật mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ): “Đe dọa, trả thù, trù dập, xúc phạm người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo, cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ về hành vi tham nhũng, tiêu cực hoặc người có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo”. 

Trong Quy định số 69-QĐ/TW, nội dung nêu trên vẫn được giữ nguyên, đồng thời bổ sung nội dung hoàn toàn mới: Nếu đảng viên có hành vi đe dọa trả thù đối với người làm chứng cho hành vi vi phạm của mình thì sẽ bị kỷ luật. Cụ thể, Điều 26 của Quy định số 69-QĐ/TW về vi phạm nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nếu đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách: “Thiếu trách nhiệm trong việc chấp hành chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nuớc. Bị kích động, xúi giục, mua chuộc, lôi kéo, cưỡng ép tham gia hoạt động gây mất dân chủ, mất đoàn kết nội bộ. Bị xúi giục, lôi kéo làm trái nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; vi phạm quy chế dân chủ, quy chế làm việc của cấp ủy, tổ chức đảng, quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi công tác, sinh hoạt. Đe dọa trả thù, trù dập người chất vấn, góp ý, phê bình, tố cáo mình hoặc người làm chứng dưới mọi hình thức…”.

Đảng viên có hành vi lấn chiếm đất công sẽ bị kỷ luật

Tại Điều 42 của Quy định số 69-QĐ/TW đã bao hàm toàn bộ nội dung của Điều 21 trong Quy định số 102-QĐ/TW, đồng thời có bổ sung nội dung mới. Đó là, nếu đảng viên vi phạm quy định quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở trong trường hợp đã bị xử lý kỷ luật… mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ): “Lấn chiếm đất công để trục lợi. Thông đồng bên mua hoặc bên bán để kê khai giá chuyển nhượng bất động sản, quyền sử dụng đất nhằm trốn thuế, giảm thuế gây thất thoát thu ngân sách nhà nước”.

Nội dung này được đúc kết từ thực tiễn các vụ đại án, như: vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và vi phạm các quy định về quản lý đất đai xảy ra tại Bộ Công Thương và Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn; vụ án vi phạm sử dụng đất xảy ra tại Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tân Thuận; vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương…

Có thể khẳng định rằng, những vụ đại án tham nhũng, tiêu cực được phát hiện, khởi tố, xét xử trong thời gian vừa qua là mối đe dọa, một thách thức nguy hiểm đối với sự tồn vong của chế độ. Chính vì thế, Quy định số 69-QĐ/TW được ban hành đã kịp thời, cụ thể hóa các hình thức kỷ luật để “bịt” các lỗ hổng tham nhũng phát sinh trong thời gian qua.

  • Từ khóa
147004

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu