Thứ 5, 09/05/2024 19:28:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Phòng chống tham nhũng, lãng phí 08:44, 30/06/2022 GMT+7

Những ý kiến tâm huyết

qdnd.vn
Thứ 5, 30/06/2022 | 08:44:34 1,697 lượt xem
Trước giờ Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) giai đoạn 2012-2022 khai mạc, Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã ghi nhận một số ý kiến tâm huyết đối với hội nghị, với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ngày mai, 30-6, Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022 được tổ chức với sự tham dự của hơn 81.000 đại biểu trong toàn quốc. Hội nghị do Bộ Chính trị chủ trì tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tới điểm cầu ở 8 ban, bộ, ngành Trung ương, 63 tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương; nhiều địa phương kết nối trực tuyến đến các điểm cầu ở cấp huyện, cấp xã (cả nước có hơn 4.100 điểm cầu; trong đó 44 địa phương tổ chức điểm cầu đến cấp huyện, xã với hơn 500 điểm cầu cấp huyện, hơn 3.500 điểm cầu cấp xã).

Hội nghị nhằm đánh giá thực chất kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong 10 năm qua và sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; chỉ rõ nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới. Đồng thời, quán triệt, thống nhất nhận thức và hành động, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nhiệm vụ mới của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là việc thành lập và triển khai hoạt động của ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Hình ảnh tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018

Trước giờ Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN,TC) giai đoạn 2012-2022 khai mạc, Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã ghi nhận một số ý kiến tâm huyết đối với hội nghị, với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

TS Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản:    

Lúc này, là cần phát triển triết lý hành động

TS Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản

Vào tháng 1-1994, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ lần thứ VII, Đảng ta đã nhận định, chúng ta phải hóa giải 4 nguy cơ đối với đất nước, mà nguy cơ tham nhũng đứng thứ 3.

Nhìn lại 28 năm qua kể từ đó, nhất là 10 năm trở lại đây, rõ ràng hiện nay đang là khoảng thời gian nóng bỏng nhất, chúng ta thực hiện quyết sách chính trị chiến lược đó, ở một  quy mô rất rộng, với mức độ rất cao và với quyết tâm chính trị cao nhất. Vì, tham nhũng đã thực sự không chỉ là nguy cơ mà trở thành quốc nạn. Và, chúng ta đã nhận diện bộ mặt nó, tìm kế sách để khắc chế và tiêu diệt nó. 

Về quy mô, tham nhũng không chỉ len lỏi trên những lĩnh vực bình thường mà nó đã chui sâu vào những địa hạt rất linh thiêng. Nó không chỉ hiện diện ở một lĩnh vực riêng lẻ nào mà nó đã đục phá vào rất nhiều lĩnh vực quan trọng, thậm chí cơ mật. Nó không chỉ ở cấp cơ sở mà còn leo cao, chui sâu lũng đoạn cấp chiến lược. Nó không chỉ làm cho không ít người làm việc trên lĩnh vực kinh tế gục ngã mà cả cán bộ trên địa hạt tư tưởng, thậm chí cả tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang thân bại danh liệt và không ít người trong số này lâm vào vòng tù tội. Tham nhũng không chỉ trong khu vực công mà còn liên minh ma quỷ với khu vực ngoài nhà nước, không chỉ giới hạn trong nước mà tham nhũng mang yếu tố nước ngoài và liên quan tới nước ngoài.

Về mức độ và tính chất, tham nhũng không chỉ có tham nhũng vặt như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, mà chúng ta thấy tình hình tham nhũng nặng, lớn với giá trị bị chiếm đoạt lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng của quốc khố,  của nhân dân; không chỉ tham nhũng vật chất mà còn tham nhũng cả về tri thức, về học vị, về danh tiếng; không chỉ về địa vị, nguy hại hơn tham nhũng về chức vụ, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là ăn cắp chức vụ. Nhưng theo tôi, cộng tất cả tai họa trên về vật chất, về danh tiếng, về chức vụ không nguy hiểm bằng tham nhũng về lòng tin. Vì, tham nhũng về vật chất có thể đòi lại được, tham nhũng về danh tiếng, chức vụ có thể tước lại được nhưng  lòng tin bị đánh cắp, bị ăn trộm là chúng ta mất tất cả!

Mười năm qua là mười năm khó khăn và gian khổ, vượt qua không ít khúc quanh co, có lúc thăng trầm. Chống tham nhũng được nhận diện một cách toàn diện, sâu sắc hơn, từ thủ đoạn tham nhũng, đối tượng tham nhũng, lực lượng tham nhũng. Công cuộc phòng, chống tham nhũng của chúng ta không chỉ chủ động, mạnh mẽ ở trong nước mà còn chủ động hợp tác liên kết với quốc tế về phòng, chống tham nhũng. Chúng ta đã xử lý rất nghiêm khắc trên tinh thần không vùng cấm, không ngoại lệ, không trừ một ai, từ cán bộ cấp cơ sở đến thứ trưởng, bộ trưởng, từ đảng viên không giữ chức vụ đến ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Bộ Chính trị, với tinh thần xử lý kiên quyết không vùng cấm, không vùng tránh, không ngoại lệ và dứt khoát không chừa một ai, một cấp nào và một phương diện nào.   

Nhìn lại 10 năm qua, có thể nói, chúng ta đã bước những bước dài, rất quan trọng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Tháng 6-2022, Tổ chức Minh bạch thế giới xếp sự nỗ lực phòng, chống tham nhũng và sự trong sạch của chúng ta ở hàng 68 trong số 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 30 bậc so với 5 năm trước. 

Đó chính là tầm nhìn xa rộng, sự cố gắng và chủ động của toàn Đảng, sự nỗ lực của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, sự hợp tác quốc tế ngày càng chủ động và chặt chẽ trong chống tham nhũng. Đó là thực tế không ai có thể bôi nhọ được.  

Hiện nay và sắp tới, công cuộc phòng, chống tham nhũng còn gặp rất nhiều khó khăn khi tham nhũng diễn ra trên nhiều lĩnh vực, sự liên kết rất đen tối của các thế lực tham nhũng không chỉ trong bộ máy nhà nước mà còn cấu kết với bên ngoài khu vực nhà nước, rất chằng chịt, hơn nữa, chúng đang núp trong không chỉ ở cán bộ cấp thấp mà còn ở cán bộ cấp cao và có sức công phá rất lớn, sự chống trả của lực lượng tham nhũng không chỉ ở trong nước mà đang liên quan tới cả ngoài nước, rất quyết liệt, tới mức khôn lường. Đây là cuộc chiến đấu có ý nghĩa sinh tử không chỉ đối với Đảng mà còn đối với đất nước, không chỉ đối với chế độ mà còn với dân tộc.

Tham nhũng đang kết tụ lại và len lỏi khắp nơi, hình thành những liên minh ma quỷ, có sức công phá ghê gớm, đặt chúng ta trước những thử thách rất nan giải, thậm chí sinh tử. Chúng ta không phòng, chống được tham nhũng thì công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ rất khó phát triển được như mong muốn.  

Có thể nói, từ đại cuộc sinh tử này, nổi bật triết lý về phòng, chống tham nhũng của chúng ta tỏa rộng, thấm sâu và trở thành hành động trong 10 năm vừa qua và tiếp tục sắp tới. Trong tầm nhìn tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi có thể nói gọn lại trong 40 từ, rằng: Phòng, chống kiên định/ Quốc pháp vô thân/ Đảng cương bất nệ/ Trên dưới đồng lòng/ Dọc ngang thông suốt/ Trong ngoài đồng thuận/ Toàn dân góp sức/ Quốc tế ủng hộ/ Nhất hô bá ứng/ Vạn sự tất thành!

BĂNG CHÂU-TRẦN YẾN (ghi) 

PGS, TS, Thiếu tướng Nguyễn Bá Dương, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phụ trách Nhóm chuyên gia 35 Quân ủy Trung ương:

Nhân dân hướng về hội nghị với tinh thần rất chờ đón và kỳ vọng

PGS, TS, Thiếu tướng Nguyễn Bá Dương, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Phụ trách Nhóm chuyên gia 35 Quân ủy Trung ương 

Trong 10 năm qua, kể từ Đại hội XII của Đảng đến nay, quan điểm của Đảng ta về đấu tranh phòng, chống tham nhũng rất rõ ràng, minh bạch. Xác định tham nhũng là một trong 4 nguy cơ đe dọa đến sinh mệnh của Đảng, sự tồn vong của chế độ nên Đảng ta đã triển khai hàng loạt các văn bản, nghị quyết để đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Đến nay, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng đã mang lại những kết quả rất tích cực, tạo ra một động lực mới, khí thế mới, qua đó, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ ngày càng tăng lên.

Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, Kết luận số 21 của Đảng vừa rồi chỉ ra rằng, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng còn phải tiếp tục, còn nhiều gian nan, còn nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn thứ nhất là phải nâng cao tầm nhận thức, trách nhiệm để khắc phục hiện tượng trên nóng dưới lạnh. Trên thì quyết liệt, dưới thì bị tê liệt. Giờ đây, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải thống nhất nhận thức tư tưởng và đồng tâm, đồng sức, đồng lòng để đấu tranh cái này và xác định đó là một trong những “giặc nội xâm”, là nguy cơ đẻ ra “bệnh” chủ nghĩa cá nhân, mọi thói hư tật xấu. Đó là một trong những yêu cầu rất quan trọng đặt ra để chúng ta xây dựng một môi trường lành mạnh, công tâm, khách quan, minh bạch, dân chủ, qua đó thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng để đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nếu không làm việc này thì không khác gì “cơ thể” Đảng, rồi chế độ của ta vẫn còn mang “bệnh”. Cho nên, tinh thần chung là phải “chặt cành để cứu cây”, phải cắt tỉa một vài cành sâu để cứu cả cánh rừng, rồi trị bệnh để cứu người, mang tính nhân văn sâu sắc.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói là phải kỷ luật một vài người để cứu muôn người. Tinh thần đó phải trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt và đó là một chủ trương đúng đắn mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, chúng ta đang thực hiện tốt.

Ngày mai (30-6), Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm phòng, chống tham nhũng (2012-2022) sẽ diễn ra với sự tham gia của 81.000 đại biểu trên cả nước. Chắc chắn hội nghị sẽ có đánh giá, tổng kết toàn diện và rút ra bài học kinh nghiệm. Nhưng theo tôi, bài học kinh nghiệm như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói làm sao trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, quyết tâm chính trị của Đảng phải thấm sâu vào mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ, các tầng lớp nhân dân và phải tạo thành nhận thức, hành động cương quyết, quyết liệt, để quét sạch chủ nghĩa cá nhân và mọi mầm mống sinh ra tham nhũng. Chừng nào mà còn tham nhũng, tiêu cực thì chừng đấy xã hội ta còn có bất đồng chính kiến, mâu thuẫn, bức xúc và đều cản trở quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chắc chắn rằng toàn Đảng, toàn dân và các tầng lớp nhân dân sẽ hướng về hội nghị với tinh thần rất chờ đón, kỳ vọng, mong muốn Đảng và Nhà nước có những quyết sách mới để thực hiện tốt phòng, chống tham nhũng những năm tiếp theo.

VIỆT CƯỜNG (ghi)

PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội:

Hình thành một văn hóa có khả năng đề kháng với tham nhũng

PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Theo tôi, công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay đã phát huy hiệu quả tốt, tạo được lòng tin trong nhân dân, trở thành cơ sở để chúng ta xây dựng xã hội, đề cao tính nghiêm minh của pháp luật, minh bạch trong mọi hoạt động của Nhà nước, hướng tới mục đích xây dựng xã hội phồn vinh, hạnh phúc.

Trong nhiều năm vừa qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã có nhiều tiến bộ. Đó cũng là tất yếu của quá trình phát triển về nhận thức, hoàn thiện dần dần của luật pháp cũng như hiệu quả thực tế của việc xử lý các hành vi tham nhũng.

Gần đây nhất, chủ trương thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng ở địa phương càng cho chúng ta thấy rõ hơn quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc tấn công mạnh mẽ hơn với vấn nạn này.

Tôi tin rằng, khi công tác phòng, chống tham nhũng trở thành một định hướng lớn, có sự hưởng ứng đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, hay nói theo cách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là “tiền hô hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, thì công tác quan trọng này sẽ trở thành một định hướng giá trị trong công tác xây dựng văn hóa chính trị ở Việt Nam và như vậy, giúp cho chúng ta hình thành một văn hóa có khả năng đề kháng với tham nhũng (và cả tiêu cực) trong xã hội. Tôi nghĩ đó cũng là điều tất cả chúng ta đều mong đợi.

LỆ HUYỀN (ghi)

Trần Yến, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền:

Tập trung hơn nữa vào phòng tham nhũng

Trần Yến, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Thời gian qua, qua theo dõi báo đài, tôi thấy rằng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt, hàng loạt sai phạm đã được đưa ra ánh sáng, hàng loạt cán bộ bị kỷ luật, đối diện với vòng lao lý. Từ những kết quả đạt được, có thể khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng của nước ta đã có những chuyển biến tích cực, rõ rệt, đi đúng hướng. Qua đó, góp phần để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, củng cố niềm tin của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Mặc dù công cuộc phòng, chống tham nhũng còn gặp phải rất khó khăn, tuy nhiên nhìn vào những hành động cụ thể, những kết quả đã đạt được, tôi càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, mà đứng đầu là đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo.

Đứng trên góc độ của một người trẻ, tôi cho rằng, niềm tin với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước chỉ được hình thành khi có những kết quả cụ thể và nếu như niềm tin đó không được Đảng tiếp tục chăm lo, gìn giữ thì có thể sẽ dần mai một.

Do vậy, thời gian tới, tôi mong rằng, công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta khởi xướng và trực tiếp chỉ đạo sẽ được triển khai liên tục, sát sao, đúng người, đúng tội, đánh đúng, đánh trúng để những người thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực không kịp trở tay, không kịp thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật.

Đặc biệt, tôi mong rằng, công tác đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực thời gian tới không chỉ là chống mà cần tập trung hơn nữa vào phòng, để các cán bộ không dám, không thể, không cần, không muốn tham nhũng, giải quyết triệt để vấn đề, xóa bỏ được cái gốc của tham nhũng, giảm thiểu tối đa các thiệt hại, tránh tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”.

  • Từ khóa
145493

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu