Thứ 6, 10/05/2024 01:34:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Phòng chống tham nhũng, lãng phí 15:11, 02/06/2022 GMT+7

Người làm công tác phòng, chống tham nhũng phải có bản lĩnh

Đức Hiến
Thứ 5, 02/06/2022 | 15:11:46 1,356 lượt xem
BPO - Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất chủ trương thành lập ban chỉ đạo (BCĐ) cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc thành lập BCĐ này nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương trên tinh thần “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”. Việc thành lập BCĐ cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang nhận được sự quan tâm của dư luận trong cả nước.

Thành lập BCĐ cấp tỉnh là hết sức cần thiết

Trao đổi với phóng viên, PGS.TS Vũ Công Thương, giảng viên cao cấp Trường đại học Sài Gòn chia sẻ, dưới góc độ là người nghiên cứu chúng tôi cho rằng, chủ trương thành lập BCĐ cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là rất cần thiết, đúng đắn, phù hợp tình hình thực tế hiện nay; nhằm tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ hơn nữa, mang lại hiệu lực, hiệu quả cao hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. 

Thực tế cho thấy, vấn đề tham nhũng, tiêu cực không phải chỉ ở cấp Trung ương mà xảy ra từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh. Tham nhũng xảy ra ở nhiều cấp, ngành, lĩnh vực; số lượng các vụ án tham nhũng ngày càng nhiều, quy mô ngày càng lớn, có tính chất phức tạp và thủ đoạn tinh vi; nhiều vụ án tham nhũng có tổ chức với sự tham gia của nhiều người… Do vậy, việc thành lập BCĐ cấp tỉnh có thể được coi như là “cánh tay nối dài của Trung ương” nhằm giải quyết một cách kịp thời những vấn đề còn bức xúc trong nhân dân, những vấn đề còn tồn đọng, tiêu cực, tham nhũng ở địa phương. Sự ra đời của BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh sẽ giúp công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chống “giặc nội xâm” được liền mạch, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất theo hệ thống từ Trung ương đến địa phương.

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thường đụng chạm đến nhiều đối tượng có chức, có quyền, có quan hệ, nên nếu những tiêu chuẩn về người đứng đầu và các thành viên trong BCĐ không đạt thì dù có thành lập ra cũng rất khó để hoạt động hiệu quả.

Đại tá Huỳnh Văn Nước, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh


Ở góc độ là người từng công tác trong quân đội, Đại tá Huỳnh Văn Nước, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh cho rằng, việc Trung ương thống nhất chủ trương thành lập BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh cho thấy quyết tâm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong tình hình mới. Việc thành lập BCĐ cấp tỉnh nhằm thống nhất quan điểm chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, tránh tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. 

Phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan

PGS.TS Vũ Công Thương cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là vô cùng khó khăn, phức tạp và nhạy cảm, không chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các nước trên thế giới. Vì vậy, không có một mô hình mẫu tối ưu, hiệu quả nào để rập khuôn, học tập, áp dụng; mà thực tiễn hoạt động trong những năm qua đã cho các bài học kinh nghiệm, năng lực tổ chức, bản lĩnh và quyết tâm để thực hiện công tác này.

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu

Theo PGS.TS Vũ Công Thương, vấn đề quan trọng nhất là phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức và đơn vị của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, lối sống thực dụng, cơ hội, bè phái, lợi ích nhóm, nói không đi đôi với làm. Đề cao trách nhiệm cá nhân, mỗi đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu phải nói không với tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, nêu gương về chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm của cá nhân, tập thể gắn với quy trách nhiệm của người đứng đầu. Duy trì nghiêm việc thi hành kỷ luật đảng ngay từ cơ sở, đổi mới hình thức quản lý đảng viên, bảo đảm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh từ chi bộ, từ các tổ chức cơ sở đảng.

 “Chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trong việc quản lý kinh tế - xã hội. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách, pháp luật một cách đồng bộ, nhất là cơ chế, chính sách về tổ chức, cán bộ, công tác cán bộ (tuyển dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, đánh giá, điều động, luân chuyển cán bộ...); thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy và người đứng đầu chính quyền cấp huyện, tỉnh không là người địa phương…” - PGS.TS Vũ Công Thương gợi ý.

Bộ máy phòng, chống tham nhũng phải độc lập

Theo PGS.TS Vũ Công Thương, tổ chức bộ máy phòng, chống tham nhũng phải có tính độc lập cao, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính. Cơ quan điều tra tham nhũng phải độc lập, tách khỏi cơ quan hành pháp. Lực lượng điều tra viên phải được tuyển chọn từ những cán bộ điều tra giỏi về nghiệp vụ, nắm vững pháp luật, liêm chính, công tâm và có kỷ luật nghiêm minh. Phải xây dựng cơ chế khuyến khích tố cáo tham nhũng nhằm tạo điều kiện cho người dân tố giác tội phạm tham nhũng, góp thêm một cơ chế để những người có chức vụ, quyền hạn không dám tham nhũng do sợ bị tố cáo. Đặc biệt coi trọng kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và phát huy hơn nữa vai trò giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân. Trên cơ sở đó có biện pháp đánh giá, xác định và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.

Để phòng, chống tham nhũng hiệu quả, cần có nhiều giải pháp. Song vấn đề cơ bản là BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng cần chỉ đạo sát sao; cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nòng cốt là các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng thuộc các cơ quan hành pháp và tư pháp. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng bài bản, khoa học, hiệu quả hơn, góp phần quan trọng vào việc từng bước hạn chế, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng; bảo đảm tính đúng đắn, tuân thủ pháp luật, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của bộ máy nhà nước.

PGS.TS Vũ Công Thương, giảng viên cao cấp Trường đại học Sài Gòn


Đồng quan điểm với PGS.TS Vũ Công Thương, Đại tá Huỳnh Văn Nước cho rằng, để bộ máy của BCĐ cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoạt động tích cực, hiệu quả, những cán bộ trong BCĐ, các cơ quan tham mưu phải là những người gương mẫu, có bản lĩnh và năng lực chuyên môn để giám sát, tìm ra được sai sót, phát hiện ra những biểu hiện của tham nhũng... 

“Chúng ta cần đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực đội ngũ tham mưu, phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cơ quan tham mưu về phòng, chống tham nhũng trong đấu tranh, phát hiện vi phạm. Đồng thời coi trọng biện pháp kê khai tài sản và quản lý việc kê khai tài sản của cán bộ, đảng viên theo quy định” - PGS.TS Vũ Công Thương khuyến cáo.

  • Từ khóa
143590

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu