Thứ 5, 09/05/2024 20:05:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Phòng chống tham nhũng, lãng phí 16:06, 07/05/2022 GMT+7

Kết luận thanh tra mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế… phòng, chống dịch Covid-19

Thứ 7, 07/05/2022 | 16:06:38 2,144 lượt xem
BPO - Ngày 6-5-2022, Thanh tra tỉnh Bình Phước đã ban hành Thông báo số 71/TB-T.Tr về kết luận thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vacxin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Bình Phước Online giới thiệu toàn văn Thông báo số 71/TB-T.Tr:

Căn cứ Quyết định số 13/2014/QĐ-UBND ngày 8-7-2014 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành Quy trình công bố kết quả thanh tra, kiểm tra; kết quả phòng, chống tham nhũng, lãng phí trên các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh Bình Phước;

Căn cứ Quyết định số 197/QĐ-UBND ngày 27-1-2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vacxin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Phước và Quyết định số 626/QĐ-UBND ngày 5-4-2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc gia hạn thời gian thanh tra;

Căn cứ Kết luận số 105/KL-UBND ngày 15-4-2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vacxin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

Nay, Thanh tra tỉnh thông báo kết luận thanh tra theo Kết luận số 105/KL- UBND ngày 15-4-2022 của Chủ tịch UBND tỉnh như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, THỜI KỲ THANH TRA

- Đối tượng thanh tra: Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm quản lý và thực hiện mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vacxin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19: Sở Y tế, các cơ sở điều trị, cách ly... và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cung cấp, mua sắm, sử dụng trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vacxin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19.

- Nội dung thanh tra: Thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vacxin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

- Thời kỳ thanh tra: Từ ngày 01-01-2020 đến ngày 31-12-2021.

II. KẾT LUẬN THANH TRA

1. Việc ban hành các văn bản, cơ' chế, chính sách thực hiện phòng, chống dịch Covid-19

UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành và hướng dẫn công tác phòng, chống dịch theo quy định góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trên địa bàn cũng như công tác mua sắm thiết bị, vật tư y tế cho công tác phòng, chống dịch.

2. Công tác tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thục hiện mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vacxin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19

- Trên cơ sở đăng ký nhu cầu sử dụng các thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vacxin, thuốc phòng, chống dịch của các đơn vị trực thuộc, các đơn vị được giao mua sắm đã thống kê danh mục, định mức mua sắm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhìn chung, về trình tự, thủ tục được các đơn vị thực hiện đảm bảo theo quy định. Tuy nhiên, TTYT TX Phước Long thực hiện mua sắm không đúng theo kế hoạch đã được phê duyệt (về chủng loại, đơn giá), nguyên nhân là do tại thời điểm xây dựng và phê duyệt kế hoạch thì chủng loại và đơn giá mặt hàng khác đến thời điểm thực hiện mua sắm thì chủng loại, đơn giá mặt hàng đã bị thay đổi do thị trường không có hàng hóa đó và đơn giá cũng đã thay đổi nên đơn vị phải mua chủng loại khác.

- Việc UBND tỉnh ban hành Công văn số 1566/UBND-TH ngày 24-5-2021 về chủ trương phê duyệt giá thực hiện mua sắm hóa chất, vật tư y tế tiêu hao là chưa hợp lý, vì: Công văn số 1027/STC-HCSN ngày 14-5-2021, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh xây dựng giá kế hoạch (giá trần) làm cơ sở cho các huyện, thị, thành phố mua sắm các gói thầu từ 1 tỷ đồng trở xuống theo phân cấp hiện hành; Phần lớn các đơn vị mua sắm vật tư y tế thấp hơn hoặc bằng giá do UDND tỉnh quy định. Ngày 27-9-2021, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3240/UBND-TH về triển khai thực hiện chế độ phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ, trong đó có nội dung dừng thực hiện Công văn số 1566/UBND-TH.

3. Việc xây dựng danh mục, định mức mua sắm, đơn giá, kế hoạch lựa chọn nhà thầu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; Việc thẩm định, phê duyệt danh mục, định mức, thẩm định giá, lựa chọn nhà thầu của cơ quan có thẩm quyền; việc thực hiện quy trình đấu thầu, ký kết hợp đồng, thanh quyết toán về mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vacxin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19

- Hiện nay, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Phước đang xác minh tình hình mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm trên địa bàn tỉnh Bình Phước theo Quyết định ủy thác số 13 của Bộ Công an; năm 2020 có đơn vị được Kiểm toán Nhà nước kiểm tra về mua sắm vật tư y tế; về test nhanh Covid-19 cũng được Tổ kiểm tra theo Quyết định số 2671/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra nên Đoàn thanh tra chỉ ghi nhận số liệu, không kiểm tra chi tiết nhằm tránh trùng lắp trong hoạt động thanh tra và vừa có số liệu báo cáo theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ.

- Phần lớn các gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư y tế trong thời gian này đều áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật đấu thầu số 43/2013/QH13. Các gói thầu này được xác định là mua sắm trong trường họp cấp bách, tuy nhiên công tác thực hiện thủ tục mua sắm lại không hợp lý. Cụ thể:

+ Khi xác định là cấp bách, thì chủ đầu tư cần phải lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện ngay gói thầu nhằm cung cấp kịp thời vật tư, thiết bị để phục vụ công tác phòng, chống dịch sau đó mới hoàn thiện thủ tục sau.

Việc này được quy định cụ thể tại Khoản 8 Điều 6 Thông tư số 10/2015/TT- BKHĐT và được hướng dẫn chi tiết hơn tại Văn bản số 6144/BKHĐT-QLĐT ngày 13-9-2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

+ Trong thực tế, các chủ đầu tư, các cơ quan chuyên môn lại làm ngược lại là hoàn thiện thủ tục xong rồi mới ký hợp đồng với nhà thầu để họ cung cấp vật tư, thiết bị dẫn đến việc thời gian mua sắm kéo dài. Qua thống kê, thời gian kể từ thời điểm có nhu cầu cần mua sắm đến khi hoàn thiện xong thủ tục, tiến hành ký kết hợp đồng ở cấp tỉnh là từ 20-43 ngày; ở cấp huyện là từ 5-15 ngày.

Như vậy, giữa việc xác định là cấp bách nhằm mục đích thực hiện gói thầu theo hình thức chỉ định thầu với việc tổ chức thực hiện hoàn toàn mâu thuẫn nhau. Nếu là cấp bách thì phải mời ngay (chỉ trong khoảng 1-3 ngày) nhà thầu vào thực hiện gói thầu sau đó mới hoàn thiện thủ tục thì thực tế là ngược lại. Điều này cho thấy, ở một trường hợp, việc xác định gói thầu thuộc trường hợp cấp bách là không phù hợp mà điển hình là gói thầu Mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona do Sở Y tế làm chủ đầu tư với giá trúng thầu là 7.830.000.000 đồng có thời gian làm thủ tục là 41 ngày, thời gian thực hiện hợp đồng là 45 ngày (tổng thời gian từ lúc có nhu cầu đến lúc mua sắm xong là 86 ngày).

- Giá tất cả các gói thầu do các đơn vị mua thấp hơn giá do UBND tỉnh và Bộ Y tế quy định và hình thức mua sắm phù hợp với các quy định của pháp luật về giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 cũng như phê duyệt của UBND cấp huyện, cấp tỉnh.

- Trên cơ sở đề nghị của các đơn vị, Phòng TC-KH (cấp huyện), Sở Tài chính (cấp tỉnh) thẩm định lại và trình UBND cùng cấp phê duyệt. Đơn giá thẩm định thấp hơn đơn giá do Bộ Y tế công khai trên cổng thông tin điện tử tại cùng thời điểm và giá của UBND tỉnh quy định. Nhìn chung, về thẩm định và phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu được các đơn vị thực hiện theo quy định.

3.1. Cấp huyện

- Các đơn vị cấp huyện thực hiện 669 gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế với tổng số tiền 104.144.205.205 đồng (trong đó ngân sách là 103.348.898.205 đồng; nguồn vận động, tài trợ là 795.307.000 đồng).

- Tại 11 trung tâm y tế cấp huyện khi mua sắm khẩu trang y tế N95 và khẩu trang y tế thông thường; que lấy dịch tỵ, môi trường vận chuyển, trang phục bảo hộ... cùng thời điểm, có chênh lệch về giá giữa các trung tâm; Giá mua thực tế thấp hơn giá phê duyệt (TTYT Hớn Quản, huyện Phú Riềng, TTYT Đồng Xoài, Bù Đăng); số lượng mua thấp hơn kế hoạch được phê duyệt là TTYT Bình Long. Tuy nhiên, các vật tư mua sắm đều được các đơn vị sử dụng hết nên không có cơ sở đối chiếu vật tư của các đơn vị với nhau, chỉ so sánh qua hồ sơ.

- Do tính chất cấp bách, kịp thời trong công tác phòng, chống dịch nên việc các đơn vị mua hàng hóa và đơn giá không theo kế hoạch đã được phê duyệt là hoàn toàn khách quan, phù hợp với tình hình thực tế tại từng thời điểm mua sắm. Mặt khác, đơn giá các đơn vị mua thấp hơn đơn giá do Bộ Y tế công khai trên cổng thông tin điện tử tại cùng thời điểm là hoàn toàn phù hợp với thực tế công tác phòng, chống dịch.

- Các đơn vị xây dựng danh mục vật tư y tế, thiết bị, test nhanh Covid-19, theo định mức, trình Hội đồng khoa học thông qua, đảm bảo đầy đủ các loại hàng hóa thiết yếu cho công tác phòng, chống dịch từ cơ sở. Đồng thời, xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo quy trình mua sắm.

- Việc test dịch vụ: Các đơn vị thực hiện test dịch vụ theo mức giá do Bộ Y tế và UBND tỉnh quy định, số tiền thu được từ test dịch vụ sau khi trừ chi phí mua kít, số tiên chênh lệch được nộp vào ngân sách, một số đơn vị chưa đưa vào sử dụng (TTYT Bù Đăng) do đang chờ hướng dẫn.

- Đa số các gói mua sắm vật tư, thiết bị, sinh phẩm, test nhanh đều thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, về quy trình được thực hiện đầy đủ. Một số gói thầu mua sắm có giá trị dưới 50 triệu, một số TTYT cấp huyện thực hiện mua sắm theo Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg ngày 8-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ.

- Các gói mua sắm bằng hình thức chỉ định thầu, các đơn vị thực hiện theo quy đinh tại Điểm a, Khoản 1, Điều 21 Luật Đấu thầu và Điều 20, Điều 54, Điều 55, Nghị đinh số 63/2014/NĐ-CP ngày 26-6-2014.

- Tại một số đơn vị cấp huyện mua sắm cao hơn đơn giá được phê duyệt như Phước Long, thực tế tại thời điểm thực hiện mua sắm có những mặt hàng không có và đơn giá đã thay đổi (cao hơn so với thời điểm phê duyệt) nên buộc các đơn vị phải mua theo đơn giá mới (cao hơn). Tuy nhiên, các đơn vị mua không vượt tổng dự toán được phê duyệt, việc này khách quan, phù hợp với thực tế tại thời điểm mua sắm.

3.2. Cấp tỉnh

- Các đơn vị cấp tỉnh thực hiện 90 gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế với tổng số tiền 129.999.835.900 đồng (trong đó ngân sách là 121.459.085.900 đồng, nguồn vận động, tài trợ là 8.540.750.000 đồng); tại thời điểm thanh tra 2 đơn vị (Bệnh viện Đa khoa tỉnh và CDC tỉnh) còn nợ 11 gói mua sắm chưa thanh toán với số tiền 60.548.649.000 đồng.

- Qua kiểm tra một số gói thầu, về cơ bản các gói được thực hiện phù hợp với các quy định của pháp luật về chỉ định thầu và đấu thầu cũng như phê duyệt của UBND tỉnh. Tất cả các gói thầu đều được đơn vị mua theo giá đã được UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện theo hình thức chỉ định thầu, 2 gói thực hiện đấu thầu.

- Tại thời điểm thanh tra, đa số các gói thầu thực hiện trong giai đoạn 2020- 2021 đã được thanh toán, ngoại trừ 11 gói chỉ định thầu mua sắm của CDC và Bệnh viện Đa khoa tỉnh chưa thanh toán (3 gói Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 8 gói CDC).

- Đối với Sở Y tế: Trong kỳ, thực hiện 5 gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tổng số tiền là 31.869.989.000 đồng đã thanh toán.

- Đối với gói Mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona: Giá gói thầu là 7.838.000.000 đồng, giá trúng thầu là 7.830.000.000 đồng. Sở Y tế thực hiện mua sắm vào tháng 02-2020 theo hình thức chỉ định thầu là phù hợp với thực tế khách quan và tinh thần của Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 01-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch Covid-19 (theo quyết định này, thời điểm xảy ra dịch Covid-19 từ ngày 23-01-2020, trên phạm vi toàn quốc).

- Đối với CDC: Trong thời gian Đoàn thanh tra làm việc, CDC cung cấp hồ sơ và báo cáo cho Đoàn thanh tra rất chậm so với yêu cầu; thủ tục nhập kho và xuất kho vật tư y tế đôi lúc không đảm bảo quy trình (một số lần nhận và bàn giao vật tư y tế cho đơn vị sử dụng không đúng thành phần giao, nhận); về mua sắm của Trung tâm năm 2020 đã được Kiểm toán Nhà nước kiểm tra; năm 2021 thực hiện 18 gói mua sắm với số tiền 59.497.575.550 đồng (đã thanh toán 8 gói thầu, 8 gói chưa thanh toán với số tiền 41.047.055.000 đồng).

- Bệnh viện Đa khoa tỉnh:

Năm 2020, Bệnh viện Đa khoa tỉnh không mua sắm vật tư, thiết bị phòng chống dịch.

Năm 2021, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện 25 gói thầu mua sắm với số tiền là 40.420.438.600 đồng (3 gói chưa thanh toán với số tiền 19.501.594.000 đồng). Giá mua sắm vật tư, test nhanh, sinh phẩm, thiết bị y tế theo giá do UBND tỉnh và Bộ Y tế quy định.

- Đối với dự án xây dựng 2 Bệnh viện dã chiến, Ban QLDA ĐT-XD tỉnh áp sai giá vật liệu và định mức đơn giá làm tăng giá trị dự toán không đúng quy định với tổng số tiền là 92.276.000 đồng, nhưng do cả 2 dự án này chủ đầu tư chưa thanh toán cho nhà thầu nên cần giảm trừ giá trị thanh toán đối với 2 dự án này (Khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến tuyến tỉnh điều trị Covid-19 tại tòa nhà Trung tâm thương mại Plaza An Lộc số tiền là 48.633.000 đồng; Bệnh viện dã chiến K72 số tiền là 43.643.000 đồng).

4. Thực trạng sử dụng vật tư, hóa chất, sinh phẩm

Các vật tư, hóa chất, sinh phẩm do các đơn vị mua đều đảm bảo an toàn khi sử dụng; có chứng từ phù hợp. Hầu hết các đơn vị đã sử dụng hết vật tư, hóa chất, sinh phẩm nên không có cơ sở đánh giá về chất lượng, số lượng và thông số kỹ thuật thực mua.

Đối với các thiết bị hầu hết được sử dụng trong các khu vực điều trị F0, Đoàn thanh tra không thể kiểm tra thực tế nên không có cơ sở đánh giá cụ thể. Tuy nhiên, các thiết bị nhập khẩu đều có Tờ khai hải quan, hồ sơ thuê và biên bản bàn giao đúng với kế hoạch mua đã được phê duyệt cũng như hợp đồng mua bán.

5. Việc sử dụng các nguồn kinh phí thực hiện phòng chống dịch Covid-19 (nguồn ngân sách, nguồn huy động và các nguồn khác)

Kinh phí thực hiện chống dịch của tỉnh Bình Phước trong 2 năm (2020-2021) là 277.884.787.984 đồng, nguồn kinh phí thực hiện chủ yếu từ nguồn dự phòng ngân sách (gồm dự phòng cấp tỉnh 128.279.643.150 đồng và cấp huyện 140.269.087.834 đồng), nguồn huy động 9.336.057.000 đồng. Kinh phí mua sắm được các đơn vị sử dụng hiệu quả, một số đơn vị thực hiện mua sắm thấp hơn hoặc bằng đơn giá đã được phê duyệt, không có đơn vị nào thực hiện mua sắm vượt định mức đã phê duyệt.

III. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

1. Giao Sở Y tế

- Tiếp tục triển khai, thực hiện Kế hoạch số 42/KH-UBND ngày 20-02-2022 của UBND tỉnh Bình Phước về việc triển khai các biện pháp tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.

- Xây dựng Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Bình Phước năm 2022.

- Bảo đảm thông tin kịp thời, đầy đủ, chính xác công tác phòng chống dịch từ Trung ương đến địa phương, kiểm soát tình hình dịch bệnh, đưa cuộc sống của nhân dân trở lại trạng thái “bình thường mới”.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu đề xuất hướng xử lý đối với 11 gói thầu mua sắm vật tư, thiết bị và test nhanh do Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật còn nợ chưa thanh toán nhà cung cấp.

- Chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Đề xuất hướng xử lý 3 gói thầu mua sắm thiết bị và sinh phẩm xét nghiệm do Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn nợ 19.501.594.000 đồng chưa thanh toán nhà cung cấp.

- Chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh:

+ Đề xuất hướng xử lý 8 gói thầu mua sắm vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm và test nhanh do Trung tâm kiểm soát bệnh tật còn nợ số tiền 41.047.055.000 đồng chưa thanh toán nhà cung cấp.

+ Rút kinh nghiệm và chấn chỉnh lại phương pháp lãnh đạo, điều hành hoạt động và công tác phối hợp giữa các phòng, ban chuyên môn của đơn vị theo quy định.

Thời hạn thực hiện: 20 ngày kể từ ngày nhận được Kết luận thanh tra, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh).

2. Giao Sở Tài Chính

Tham mưu UBND tỉnh văn bản hướng dẫn các sở, ban, ngành, huyện, thị xã và thành phố mua sắm trong trường hợp cấp bách và mua sắm thông thường. Trong đó, yêu cầu các chủ đầu tư chỉ được áp dụng hình thức chỉ định thầu rút gọn theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu đối với gói thầu thực sự cấp bách. Việc triển khai các gói thầu cấp bách phải thực hiện theo đúng quy định tại khoản 8 Điều 6 Thông tư số 10/2015/TT-BKHĐT và hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 6144/BKHĐT-QLĐT ngày 13-9-2021.

Thời hạn thực hiện: 20 ngày kể từ ngày nhận được Kết luận thanh tra, báo cáo kêt quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh).

3. Giao Ban QLDA ĐT-XD tỉnh

Thực hiện giảm trừ giá trị thanh, quyết toán đối với 2 dự án xây dựng Bệnh viện dã chiến với số tiền 92.276.000 đồng, cụ thể:

- Dự án Khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến tuyến tỉnh điều trị Covid- 19 tại tòa nhà Trung tâm thương mại Plaza An Lộc: 48.633.000 đồng.

- Dự án Bệnh viện dã chiến K72: 43.643.000 đồng.

4. Giao UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Chỉ đạo Trung tâm Y tế tiếp tục phát huy vai trò của trung tâm với trách nhiệm tuyến đầu chống dịch; thực hiện các biện pháp tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn.

- UBND huyện Lộc Ninh: Chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Lộc Ninh rút kinh nghiệm trong mua sắm vật tư y tế đối với các mặt hàng cùng danh mục, cùng thông số kỹ thuật, cùng nhà cung cấp nên lập kế hoạch mua sắm tập trung một lần tránh chia nhỏ gói mua sắm.

- UBND huyện Chơn Thành: Chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Chơn Thành rút kinh nghiệm khi xây dựng dự toán và danh mục mua sắm phù hợp với văn bản hướng dẫn và tình hình thực tế tại thời điểm mua sắm.

- UBND huyện Hớn Quản: Chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Hớn Quản rút kinh nghiệm trong công tác tham mưu cho UBND huyện phê duyệt dự toán và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu.

Thời hạn thực hiện: 20 ngày kể từ ngày nhận được Kết luận thanh tra, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Thanh tra tỉnh).

5. Giao Chánh Thanh tra tỉnh

Tổ chức công bố Kết luận thanh tra và đôn đốc các đơn vị, cá nhân thực hiện Kết luận thanh tra này; tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

6. Chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền Chánh Thanh tra tỉnh lựa chọn hình thức công bố kết luận thanh tra trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.

Trên đây là Thông báo kết luận thanh tra theo Kết luận số 105/KL-UBND ngày 15-4-2022 của Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước tiến hành thực hiện việc công bố theo đúng quy định tại Quyết định số 13/2014/QĐ-UBND ngày 08-7-2014 của UBND tỉnh.

Chánh Thanh tra: Phạm Văn Thuấn

  • Từ khóa
141688

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu