Thứ 7, 27/04/2024 12:46:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Khởi nghiệp 05:00, 17/10/2022 GMT+7

Đồng hành với thanh niên lập nghiệp

Đỗ Trình
Thứ 2, 17/10/2022 | 05:00:00 2,142 lượt xem
BPO - Những năm qua, Thị đoàn Chơn Thành đã tích cực tuyên truyền, tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên được học tập, trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu việc làm để phát triển kinh tế gia đình. Từ đó đã xuất hiện nhiều tấm gương khởi nghiệp với những dự án, mô hình cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định.

Phát huy tinh thần xung kích, tiên phong của tuổi trẻ trong phong trào khởi nghiệp, chị Đoàn Thị Minh Trâm, khu phố Hiếu Cảm, phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành đã phát triển mô hình “Ứng dụng IMO trong nuôi trồng, chăm sóc, kinh doanh hoa lan bằng phương pháp hữu cơ”.

Chị Đoàn Thị Minh Trâm khởi nghiệp với mô hình: “Ứng dụng IMO trong nuôi trồng, chăm sóc, kinh doanh hoa lan bằng phương pháp hữu cơ” cho hiệu quả kinh tế cao

Trước đó, chị Trâm đã được tập huấn ứng dụng công nghệ IMO do Tỉnh đoàn tổ chức, cùng với sự tìm tòi, học hỏi qua sách, báo và internet, đầu năm 2021, chị Trâm đầu tư khoảng 100 triệu đồng thực hiện mô hình này. Chị đã áp dụng công nghệ IMO, tận dụng các nguồn phân yến, cá ươn, trứng… để sản xuất phân bón vi sinh với chi phí thấp; hiện giá bán ra thị trường 55 ngàn đồng/kg. Đồng thời, chị đầu tư kinh doanh, chăm sóc khoảng 300 chậu lan kiếm (giá bán từ 50 ngàn đến 8 triệu đồng/chậu, tùy to nhỏ). Từ đầu năm đến nay, gia đình chị thu về hơn 300 triệu đồng từ bán phân bón vi sinh và lan kiếm.

Chị Trâm cho biết: “Làm phân bón vi sinh theo công nghệ IMO là giải pháp nhân nuôi vi sinh vật có lợi để bảo vệ môi trường, chăm sóc cây trồng, vật nuôi và ai cũng có thể làm được. Tôi làm phân để chăm sóc hoa lan, người khác có thể ứng dụng vào trồng cây, rau sạch hoặc làm đất sinh học… Các bạn đoàn viên thanh niên nếu muốn khởi nghiệp từ ứng dụng IMO mà gặp khó khăn thì tôi sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ hướng dẫn cùng phát triển”.

Còn anh Điểu Phơ ở ấp Tranh 3, xã Quang Minh, thị xã Chơn Thành chọn khởi nghiệp từ làm tóc và trang điểm. Nghề này đã mang lại cho anh thu nhập ổn định hơn 140 triệu đồng/năm. Năm 2018, sau khi tốt nghiệp THPT, Điểu Phơ không thi vào đại học, cao đẳng mà chọn học nghề làm tóc và trang điểm tại tỉnh Bình Dương. Sau 2 năm học nghề thành thạo, anh Điểu Phơ được tổ chức đoàn tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 20 triệu đồng để mở tiệm làm tóc và trang điểm. Với năng khiếu và kinh nghiệm, anh không chỉ tạo ra mẫu tóc mới mà còn biết cách trang điểm đẹp, phù hợp với từng khách hàng nên luôn có lượng khách ổn định. Hiện anh đang dạy nghề cho nhiều thanh niên trong xã có nhu cầu và đam mê.

Anh Điểu Phơ khởi nghiệp từ nghề làm tóc và trang điểm cho thu nhập kinh tế ổn định

Anh Điểu Phơ chia sẻ: Tôi rất yêu thích và đam mê nghề này, đã tạo thu nhập ổn định cho bản thân và gia đình. Làm cho người khác đẹp hơn mình cũng cảm thấy hạnh phúc. Tôi muốn được hợp tác với các bạn cùng sở thích để mở một tiệm lớn hơn ở các khu công nghiệp trên địa bàn.

Thời gian qua, Thị đoàn Chơn Thành luôn đồng hành với đoàn viên thanh niên trong lập thân, lập nghiệp. Thị đoàn đã nhận vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 36 tỷ đồng, cho khoảng 600 hộ đoàn viên thanh niên vay. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế gia đình.        

Thời gian tới, Thị đoàn cũng như Hội Liên hiệp Thanh niên thị xã Chơn Thành tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho đoàn viên thanh niên. Bên cạnh đó sẽ huy động nguồn lực để hỗ trợ vốn cho các mô hình thanh niên khởi nghiệp. Thị đoàn cũng đã ký kết với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh trong việc phối hợp tư vấn, tuyên truyền thu hút nguồn nhân lực. Đồng thời kết nối với các công ty, doanh nghiệp tạo việc làm cho đoàn viên thanh niên để góp sức xây dựng thị xã Chơn Thành ngày càng phát triển.

Chị NGUYỄN LÂM HOÀNG DUNG, Bí thư Thị đoàn Chơn Thành


  • Từ khóa
152955

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu