Thứ 6, 10/05/2024 02:39:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Khởi nghiệp 09:52, 10/09/2021 GMT+7

Trại nấm Tuyết Thảo vững vàng trước đại dịch

Phương Dung
Thứ 6, 10/09/2021 | 09:52:09 2,520 lượt xem
BPO - Nghề trồng nấm ở xã Tân Thành, TP. Đồng Xoài có cách đây hơn 20 năm. Nhiều năm sau đó, vì nhiều nguyên nhân, nghề bị mai một dần. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, nhu cầu thị trường tăng cao, người dân xã Tân Thành lại mở rộng diện tích, trồng nhiều loại nấm mới có giá trị kinh tế cao. Đến nay, nghề trồng nấm đang trở thành kinh tế mũi nhọn, thậm chí là sản phẩm chủ lực của địa phương này.

Phát triển thành nghề chủ lực

Nếu như trước đây, xã Tân Thành có khoảng 10 hộ trồng nấm thì đến nay chỉ còn khoảng 4-5 hộ gắn bó với nghề này. Tuy số hộ trồng nấm giảm nhưng diện tích trồng lại tăng gấp nhiều lần, nhất là khi các hộ trồng nấm lâu năm đầu tư mở rộng diện tích. Theo thống kê, mỗi năm “vựa nấm” Tân Thành cung cấp ra thị trường khoảng 50 tấn nấm mèo khô và gần 100 tấn nấm bào ngư tươi, chưa kể các loại nấm linh chi, nấm rơm, nấm đông trùng… Với quyết tâm phát triển thành nghề chủ lực, các hộ trồng nấm đã đầu tư nhà xưởng, lò hấp để tự sản xuất và cung cấp giống cho người có nhu cầu.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, chủ trại nấm Tuyết Thảo chia sẻ với lãnh đạo xã Tân Thành về việc trồng thử nghiệm thành công nấm đông trùng (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021) 

Trại nấm của gia đình chị Nguyễn Thị Tuyết ở ấp 7, xã Tân Thành có diện tích hơn 1.000m2, lớn nhất xã. Trước đây, chị Tuyết chỉ trồng nấm bào ngư, nhưng nay trồng thêm nấm mèo, nấm rơm, nấm linh chi và đang thử nghiệm nấm đông trùng. Chị Tuyết chia sẻ: Tôi đã làm nhiều nghề để mưu sinh, nhưng thấy trồng nấm đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Không chỉ cho thu nhập ổn định, trồng nấm còn giúp mình chủ động được thời gian. Nhờ trồng nấm, thu nhập của gia đình được cải thiện và giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. 

Trên thị trường, giá nấm bào ngư hiện khoảng 30 ngàn đồng/kg, nấm rơm từ 60-65 ngàn đồng/kg, nấm mèo 65-80 ngàn đồng/kg, nấm linh chi khô 450 ngàn đồng/kg, nấm đông trùng khô 8 triệu đồng/kg. Trong đó nấm mèo 1 năm thu được 2 vụ, còn nấm bào ngư cho thu quanh năm. Với quy mô này, mỗi năm gia đình chị Tuyết thu về khoảng 8 tấn nấm mèo và từ 16-18 tấn nấm bào ngư. Khi sử dụng hết chất dinh dưỡng trong bọc phôi, chị lại tận dụng bã để trồng nấm rơm. Sau khi trừ chi phí, gia đình chị Tuyết thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm và đang tạo việc làm cho 5 lao động địa phương với thu nhập từ 7-10 triệu đồng/tháng. 

Thay đổi để thích ứng

Chị Tuyết mong muốn đưa thương hiệu nấm Tuyết Thảo của gia đình phát triển lớn mạnh, vươn ra các tỉnh, thành lân cận, là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, thời gian qua chị đã chủ động nghiên cứu, triển khai ứng dụng “kinh doanh số” nên vẫn đảm bảo sản xuất và thu nhập ổn định trong đại dịch Covid-19. 

Chị Tuyết chia sẻ: Do dịch bệnh Covid-19 nên trại nấm thực hiện phương án “3 tại chỗ”, không thuê người ngoài mà chỉ huy động nhân lực trong gia đình tham gia sản xuất. Trại nấm ưu tiên sản xuất hàng khô và chuyển phương thức bán hàng từ bỏ sỉ tại các chợ sang bán online, chia sẻ với các hội, nhóm… nên doanh thu vẫn đảm bảo. Trại nấm còn ủng hộ nấm để làm thức ăn cho bếp cơm từ thiện Bệnh viện đa khoa tỉnh, các khu cách ly ở địa phương và trích một phần lợi nhuận ủng hộ công tác phòng, chống dịch. 

Để hỗ trợ các hộ trồng nấm, thời gian qua, Hội Nông dân xã Tân Thành đã thành lập Tổ hợp tác trồng nấm và xây dựng dự án trồng nấm mèo, nấm bào ngư nhằm giúp hội viên tiếp cận các nguồn vốn đầu tư mở rộng sản xuất, vươn lên làm giàu. Tổ hợp tác trồng nấm tại ấp 7, xã Tân Thành gồm 5 hộ hội viên nông dân, được thành lập và duy trì từ năm 2009 đến nay. Thời gian qua các hộ tự liên kết sản xuất dưới sự hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật của hội nông dân các cấp. 

Trong bối cảnh xã Tân Thành nói riêng và TP. Đồng Xoài đang từng bước đô thị hóa, nghề trồng nấm đã thể hiện rõ là mô hình kinh tế phù hợp với xu thế chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, nhu cầu thị trường và điều kiện tự nhiên. Từ đó giúp Tân Thành giữ vững, củng cố, nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới để làm cơ sở đưa xã lên phường trong thời gian tới.

Ông LÊ ĐÌNH BÍNH, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó chủ tịch HĐND xã Tân Thành

Ông Lê Đình Bính, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó chủ tịch HĐND xã Tân Thành cho biết: Hiện nay chính quyền, trực tiếp là Hội Nông dân xã đã và đang hỗ trợ người trồng nấm tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi trong sản xuất nông nghiệp. Đây sẽ là cơ sở để các hộ trồng nấm đẩy mạnh sản xuất, vừa duy trì hiệu quả nghề truyền thống vừa đem lại thu nhập ổn định, tạo việc làm cho người dân. Đặc biệt để đáp ứng nhu cầu thị trường, các hộ trồng nấm ở Tân Thành còn học hỏi trồng thêm các loại nấm cao cấp để đa dạng sản phẩm, bởi nấm không chỉ là loại thực phẩm chế biến trong nhiều món ăn mà còn là vị thuốc tốt cho sức khỏe.

  • Từ khóa
129632

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu