Thứ 5, 09/05/2024 21:59:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Khởi nghiệp 13:02, 09/05/2021 GMT+7

Thành công từ tư duy khác, lạ

Cẩm Liên
Chủ nhật, 09/05/2021 | 13:02:39 1,916 lượt xem
BPO - Hiện nay, khởi nghiệp, lập nghiệp được lan tỏa sâu rộng, không còn dừng lại ở phong trào mà đang hướng tới hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp. Nhiều mô hình khởi nghiệp của thanh niên trên địa bàn tỉnh đã bắt kịp xu thế thời đại công nghệ số cũng như thị hiếu của người tiêu dùng. Qua đó, không chỉ truyền cảm hứng mà còn lan tỏa khát vọng của thanh niên, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế đất nước, khắc phục ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Khát vọng vươn xa từ nông nghiệp xanh

Đúng thời điểm thu hoạch, mỗi tuần, Nông trang Thiên Nông ở xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập của anh Đặng Dương Minh Hoàng (SN 1988) cho thu hoạch chục tấn bơ Mã Dưỡng đưa đến người tiêu dùng. Phần lớn bơ được xếp loại 1, thơm ngon, cơm dẻo và nặng gần 1kg/trái. Đặc biệt, những trái bơ ấy được trồng với quy trình nông nghiệp hữu cơ nghiêm ngặt, ứng dụng công nghệ số thông minh. Vì vậy, bơ đạt chứng chỉ VietGAP của nông trang có thị trường tiêu thụ rộng lớn với mức giá từ 50-60 ngàn đồng/kg.

Áp dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất bơ theo tiêu chuẩn VietGap, vườn bơ của Trang trại Thiên Nông, xã Phú Văn huyện Bù Gia Mập đạt năng suất và chất lượng cao - Ảnh: Viết Bằng

Anh Đặng Dương Minh Hoàng nhấn mạnh: Tận dụng xu thế thời đại công nghệ 4.0, tôi đã vận dụng tốt nhất về chuyển đổi số để trang trại tiết kiệm được chi phí, tối ưu hóa sản xuất và tối đa về lợi nhuận. Trang trại đã được đầu tư hơn 100 triệu đồng xây dựng hệ thống tưới nước tự động trên cơ sở phần mềm hiện đại. Chỉ cần một chiếc smartphone, dù ở nhà hay đứng tại vườn đều có thể điều khiển tưới nước, bón phân cho cây phù hợp. Không chỉ vậy, tôi còn lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, áp dụng gắn wifi, camera, dán mã QR truy xuất nguồn gốc... Chính vì vậy, Nông trang Thiên Nông ngoài đạt chứng chỉ VietGAP còn có một số chứng chỉ hữu cơ, chứng nhận kiểm nghiệm đất, nước của Sở Khoa học và Công nghệ; đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ để bảo hộ thương hiệu “Bơ ông Hoàng”… Qua đó giúp trái bơ nâng tầm giá trị và tiến thẳng vào các thị trường khó tính, chất lượng.

Đón đầu thị hiếu khách hàng

Từng là vận động viên môn wushu, tốt nghiệp đại học thể dục thể thao và trải qua nhiều ngành nghề nhưng anh Trần Trung Dũng ở phường Tân Đồng (TP. Đồng Xoài) lựa chọn lập nghiệp bằng mô hình cà phê, hồ cá koi. Anh Dũng cho biết, vốn đam mê loài cá cảnh, nhất là cá koi từ hồi còn là học sinh nên khi học đại học, anh đã tìm đến “vua cá koi” Ngô Thắng ở quận 7, TP. Hồ Chí Minh để tham quan, học việc nuôi cá, làm hồ cá koi... Trong khoảng thời gian trải nghiệm các ngành nghề từ kinh doanh đến dịch vụ, ngân hàng..., anh cũng không ngừng theo đuổi đàn cá koi. 

Anh Trần Trung Dũng đang hướng dẫn chăm sóc cá koi cho khách hàng ở Bù Nho (Phú Riềng) - Ảnh: Viết Bằng

Khi thấy phong trào uống cà phê thưởng thức cá koi ở Bình Phước trở thành thị hiếu, anh Dũng đã chuyển hướng sang nhập khẩu, chăm nuôi cá koi và tư vấn, thiết kế, xây dựng hồ bơi cá koi. Giữa năm 2019, khi đủ điều kiện, anh quyết định xây hồ nuôi cá koi, mở quán cà phê có dịch vụ cá koi để phát triển sự nghiệp. Và anh cũng trở thành một trong những thanh niên đi đầu trong việc nuôi cá koi và phát triển kinh tế từ cà phê - cá koi.  

Từ năm 2019 đến nay, các cấp bộ đoàn toàn tỉnh đã phối hợp với các đơn vị hỗ trợ 175 dự án khởi nghiệp sáng tạo cho thanh niên, trong đó Tỉnh đoàn hỗ trợ 48 dự án. Tháng 3-2021 đã có 3 doanh nghiệp trao vốn vay trị giá 5 tỷ đồng cho thanh niên Bình Phước khởi nghiệp. Cùng với đó, nhằm giúp sản phẩm của thanh niên có cơ hội được tiếp cận thị trường thế giới, Tỉnh đoàn, BNI Chapter Bombo, Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh đã phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Việt - Úc tại thành phố Melbourne (Úc) tổ chức diễn đàn “Kết nối giao thương Việt - Úc”...

“Cá koi là loài cá cảnh có giá khá cao, thậm chí có con lên đến vài triệu USD. Do đó, với việc bảo đảm cơ sở vật chất, nguồn thức ăn, điều kiện chăm nuôi, người chơi cũng phải khéo léo từ kéo lưới, bế cá đến vận chuyển... Vì vậy, người kinh doanh cá koi phải giàu kinh nghiệm và thực sự đam mê” - anh Dũng chia sẻ. 

Và với cách đón đầu đúng hướng, sau gần 2 năm khởi nghiệp, trùng thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện và gây ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu, song anh Dũng vẫn thu lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng từ mô hình mới này. Nhiều khách hàng của anh Dũng sau khi tham quan cá koi còn đề nghị được tư vấn, thiết kế xây dựng hồ cá. Đến nay, anh đã đảm nhận thiết kế hơn 20 công trình hồ cá koi có trị giá từ vài trăm triệu lên đến vài tỷ đồng, chưa kể đến cá. Hiện trong hồ cá mà anh Dũng đang chăm sóc, nuôi dưỡng có hơn 100 con, trị giá hơn 300 triệu đồng. Còn các loài cá koi Nhật, mỗi năm anh nhập về 6 đợt, mỗi đợt khoảng 200 triệu đồng. 

Trao yêu thương, nhận hạnh phúc

Không chỉ đổi mới, sáng tạo trong cách làm kinh tế, chủ nhân của 2 mô hình nêu trên còn là những người giàu lòng nhân ái. Anh Đặng Dương Minh Hoàng luôn quan tâm tới đời sống vật chất, tinh thần người lao động trong nông trang. Từ những việc tử tế như xây dựng khu nhà ở miễn phí ổn định cho người lao động, anh Hoàng còn cho mượn đất trống để công nhân trồng cây thực phẩm ngắn ngày, bỏ ra 50% vốn để khuyến khích các hộ người lao động nuôi dê, bò, heo. Khi vật nuôi sinh sản, tăng đàn, anh Hoàng nhận về 1 nửa, các hộ nuôi nhận 1 nửa. Như vậy, gia đình anh Hoàng không những có thêm nguồn thực phẩm sạch, mà còn khuyến khích các hộ lao động của Thiên Nông tích cực phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho gia đình và yên tâm gắn bó với nông trang.

12 ha bơ Mã Dưỡng tại Nông trang Thiên Nông được thiết kế như vùng lõm bao bọc xung quanh là lô cao su, không sử dụng hóa chất và cũng không bị ảnh hưởng tác động bên ngoài. Bởi thế hiện nay, cùng với tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử như Tiki, Lazada..., hàng tấn bơ của Thiên Nông đã có mặt tại các siêu thị lớn trong nước với giá ổn định từ 50-60 ngàn đồng/kg. Hiện nay, mỗi mùa, 12 ha bơ cho thu hoạch khoảng 100 tấn. Thế nhưng nguồn cung vẫn chưa đủ cầu và tôi muốn mở rộng nguồn nguyên liệu để những nông dân trên vùng đất trù phú này đều là tỷ phú.

Anh Đặng Dương Minh Hoàng, chủ Nông trang Thiên Nông

Ông Võ Văn Ký (quê Cần Thơ), làm việc ở Nông trang Thiên Nông, phấn khởi nói: Hơn 2 năm làm cho nông trang, tôi ổn định cuộc sống hơn. Ngoài tiền công 7 triệu đồng/tháng, tôi còn được Hoàng hỗ trợ nuôi dê. Từ 11 con dê giống ban đầu, nay tăng đàn lên 18 con. Trước đó, tôi đã xuất bán 6 con. Ở đây, các gia đình ngoài làm công cho anh Hoàng còn được tạo điều kiện trồng thêm bắp, cây ngắn ngày hay nuôi bò, dê, heo để tăng thu nhập gia đình.  

Trong khi đó, từ năm 2013 đến nay, anh Dũng còn là thành viên tích cực trong hội thiện nguyện đến với cuộc sống cộng đồng. Anh Dũng kể: “Tôi nhớ nhất lần cùng các thành viên của Câu lạc bộ Pick up Bình Phước (đội xe bán tải) tham gia cứu trợ đồng bào miền Trung bị bão lũ. Lần đó, khi vừa gia nhập làm thành viên của đội, tôi trực tiếp đăng ký tình nguyện lên đường chở chuyến hàng cứu trợ. Mặc dù lần đầu một mình chở hàng xuyên đêm trên chiếc xe bán tải ra miền Trung, đi chặng đường dài và qua nhiều đoạn ngập nước sâu nhưng khi trực tiếp đến với đồng bào, tôi cảm thấy hạnh phúc vì việc làm ý nghĩa của mình”.

Từ chuyến đi đó, thời gian gần đây mỗi lần Tỉnh đoàn Bình Phước có hoạt động về với đồng bào nghèo vùng sâu, vùng xa, anh Dũng đều sắp xếp tham gia. “Tôi luôn thấy việc cho đi sẽ mang lại nhiều niềm vui, hạnh phúc. Và tôi nghĩ những hành động này cần được nhân rộng trong giới trẻ” - anh Dũng nhấn mạnh.

  • Từ khóa
123219

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu