Thứ 5, 09/05/2024 21:13:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Khởi nghiệp 15:48, 13/04/2021 GMT+7

Điểm tựa cho phụ nữ khởi nghiệp

V.Đoàn - N.Nam
Thứ 3, 13/04/2021 | 15:48:32 1,657 lượt xem
BPO - Để đảm bảo đầu ra sản phẩm do chính phụ nữ sản xuất, thời gian qua, Hội LHPN huyện Đồng Phú đã xây dựng chuỗi gian hàng tiêu thụ sản phẩm cho phụ nữ khởi nghiệp tại các chợ trong huyện. Qua đó, giúp chị em yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập phát triển kinh tế gia đình.

Xây dựng chuỗi gian hàng tiêu thụ sản phẩm

Tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình đang được nhiều phụ nữ triển khai hiệu quả, nhất là vùng nông thôn. Nhưng để sản phẩm do chính phụ nữ làm ra được tiêu thụ đều đặn là vấn đề các cấp hội phụ nữ quan tâm. Nắm bắt nhu cầu đó, năm 2020, hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh tổ chức ra mắt 19 gian hàng tiêu thụ sản phẩm phụ nữ khởi nghiệp. Trong đó, huyện Đồng Phú đi đầu với 11 gian hàng tại 11 xã, thị trấn. Các sản phẩm được chị em đem đến ký gửi, bày bán tại gian hàng cũng rất đa dạng, phong phú. Thông qua các gian hàng khởi nghiệp này đã hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định cho khoảng 100 phụ nữ với khoảng 80 mặt hàng nông sản như: hạt điều, tiêu, rau, củ, quả, bánh, bột ngũ cốc dinh dưỡng, măng khô, mật ong, thổ cẩm, đồ thủ công đan lát… Qua đó, tạo điều kiện cho phụ nữ có thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Dù số lượng không nhiều nhưng vườn rau của chị Nông Thị Nhằm ở ấp Đồng Bia cho thu nhập đủ trang trải cuộc sống hằng ngày, thông qua gian hàng khởi nghiệp phụ nữ xã Tân Lợi

Chị Nguyễn Thị Hải Linh, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Đồng Phú cho biết: “Để kịp thời hỗ trợ chị em phát triển kinh tế, yên tâm sản xuất, Huyện hội đã chỉ đạo các cơ sở hội xây dựng mỗi xã, thị trấn 1 gian hàng cho phụ nữ khởi nghiệp. Đây là nơi để kết nối các sản phẩm đến với người tiêu dùng ở địa phương. Trong thời gian tới, căn cứ yêu cầu sản xuất cũng như nhu cầu tiêu thụ, các cấp hội tiếp tục mở thêm các gian hàng tại khu đông dân cư nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cho chị em”.

Bên cạnh xây dựng chuỗi gian hàng khởi nghiệp, trong năm qua, các cấp hội phụ nữ huyện Đồng Phú còn hỗ trợ 11 phụ nữ khởi sự kinh doanh từ các nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội và quỹ vận động, vốn xoay vòng của hội, với các hình thức kinh doanh như: bán hàng tạp hóa, mở xưởng may, làm bánh, chăn nuôi bò, mở spa, vựa cây giống… Đồng thời, thành lập mới và duy trì hoạt động 16 mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với các mô hình liên kết hợp tác nuôi dê, nhím, cheo, trồng cây có múi, trồng rau sạch, chăn nuôi gà, trồng nấm linh chi… Hầu hết sản phẩm từ các mô hình này được tiêu thụ thông qua chuỗi gian hàng khởi nghiệp ở các địa phương trên địa bàn huyện.

Nâng cao đời sống phụ nữ

Trước đây, 2 chị em chị Trần Thị Hòe (ấp Thuận Thành, xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú) chỉ trồng vài luống rau rồi tự đem ra chợ bán với số lượng hạn chế nên thu nhập chỉ hơn 200 ngàn đồng/ngày. Cuối năm 2019, chị Hòe được Hội LHPN xã xây dựng và giới thiệu gian hàng khởi nghiệp. Nhờ có nơi gửi để bán, chị Hòe bắt đầu mở rộng vườn rau lên 1.000m2. Hiện nay, mỗi ngày chị đi giao tại các gian hàng khởi nghiệp trên địa bàn xã khoảng 100kg rau với giá từ 15-17 ngàn đồng/kg. Như vậy, vườn rau của chị Hòe đem lại thu nhập từ 1,5-1,7 triệu đồng/ngày, tăng hơn nhiều so với trước đây.

Vườn rau của chị Nông Thị Nhằm (ấp Đồng Bia, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú) có diện tích khoảng 500m2 đất trồng nhiều loại rau như: cải, xà lách, bầu, bí… Nhờ chăm sóc kỹ nên vườn rau của chị luôn xanh tốt và cho thu hoạch hằng ngày. Không chỉ đảm bảo nguồn thức ăn cho gia đình, vào mỗi sáng sớm, chị hái từ 7-8kg rau đem ra tạp hóa trung tâm xã giao để bán. Tuy không nhiều nhưng đem lại nguồn thu nhập cho gia đình chị từ 120-150 ngàn đồng/ngày. Ngoài các sản phẩm rau, củ, quả, gia đình chị nuôi thêm gà, vịt, những sản phẩm này đều được ký gửi bán tại gian hàng khởi nghiệp ở địa phương. “Trước đây, tôi trồng rau, chăn nuôi chỉ để phục vụ gia đình. Khi được phụ nữ xã giới thiệu có gian hàng khởi nghiệp, tôi mới mở rộng sản xuất để có thêm thu nhập. Tôi thấy mô hình này rất hay và mang lại hiệu quả kinh tế cho nhiều phụ nữ” - chị Nhằm nói.

Chị Dương Thị In, chủ tạp hóa lớn tại trung tâm xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú, là địa điểm đặt gian hàng khởi nghiệp để phụ nữ ký gửi bán. Chị In cho biết: Hơn 1 năm hỗ trợ phụ nữ bán giúp các sản phẩm, tôi thấy khá hiệu quả. Các sản phẩm này tuy không đẹp và bắt mắt như mình lấy ở các chợ đầu mối lớn về bán, nhưng là sản phẩm sạch, tươi nên được rất nhiều người dân ưa chuộng và tin dùng. Nhờ đó, phụ nữ cũng có nguồn thu nhập ổn định.

Gian hàng khởi nghiệp không chỉ là cầu nối giúp phụ nữ tiêu thụ các sản phẩm do chính mình làm ra, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống hằng ngày mà còn là điểm tựa, động lực để phụ nữ phấn đấu mở rộng sản xuất phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, mang tính bền vững. Đây là một trong những việc làm ý nghĩa, thiết thực và mang lại hiệu quả của các cấp hội phụ nữ huyện Đồng Phú.

  • Từ khóa
122209

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu