Thứ 5, 09/05/2024 13:01:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Khởi nghiệp 09:23, 14/01/2021 GMT+7

Thanh niên vùng sâu Bù Đăng tìm hướng khởi nghiệp

Cẩm Liên
Thứ 5, 14/01/2021 | 09:23:00 931 lượt xem
BPO - Vốn ít, kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh chưa nhiều, tuổi trẻ vùng sâu huyện Bù Đăng vẫn không ngừng học tập, sáng tạo tìm hướng khởi nghiệp. Qua đó, họ tự xây dựng “chỗ đứng” phù hợp với điều kiện, khả năng để mang giấc mơ khởi nghiệp vươn xa.

Lựa chọn mô hình phù hợp nguồn lực 

Tốt nghiệp cử nhân Luật TP. Hồ Chí Minh, anh Vũ Văn Tài, thị trấn Đức Phong lại bén duyên với công tác đoàn. Tháng 10-2019, trong thời gian là Bí thư Đoàn thị trấn Đức Phong, với số vốn ít ỏi, anh Tài thử nghiệm trồng nấm bào ngư. Anh Tài chia sẻ: Việc trồng nấm bào ngư không tốn quá nhiều chi phí, lại ít chiếm dụng diện tích nuôi trồng. Mặt khác, qua khảo sát tôi thấy người dân Đức Phong cũng yêu thích các món ăn được chế biến từ nấm nên quyết định đầu tư thêm kệ, máy chống nắng, hệ thống phun sương và nhà kho... với tổng chi phí khoảng 40 triệu đồng. Tuy nhiên, năm 2020 quỹ thời gian không nhiều nên tôi nhập phôi chăm sóc lấy lời. Theo đó, mỗi phôi nhập vào giá 3.600 đồng, sau thời gian chăm sóc, mỗi phôi sẽ cho gần 1kg nấm hiện có giá hơn 40 ngàn đồng. Như vậy, với điều kiện vốn thấp, việc lấy công làm lời vẫn có nguồn thu. 

Thanh niên xã Thọ Sơn tham quan tìm hiểu mô hình nuôi thỏ

Đầu tư trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp với điều kiện kinh tế, thời gian của thanh niên cũng là bài toán mà đoàn thanh niên xã vùng sâu Thọ Sơn đang tìm hiểu để ứng dụng. Anh Phạm Văn Sơn, Bí thư Đoàn xã chia sẻ: Mặc dù đang định hướng cho thanh niên khởi nghiệp, song Đoàn xã tự tin sẽ đưa phong trào thanh niên khởi nghiệp phát triển và hứa hẹn có những sản phẩm mang màu sắc riêng của xã vùng sâu với hơn 16 thành phần dân tộc thiểu số. 

Do đó, trong thời gian vừa qua, ngoài tổ chức cho thanh niên trong xã đi tham quan học tập các mô hình nông nghiệp theo hướng sản phẩm sạch, xuất ngoại, anh Sơn còn hướng thanh niên tham quan học tập những mô hình phù hợp điều kiện của thanh niên vùng sâu. 

Mang giấc mơ sản phẩm nông nghiệp sạch vươn xa

Tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm tiếng Anh, song sau thời gian chờ đợi xin việc làm quá lâu, Đặng Xuân Tiến (SN 1996) ở thôn Sơn Lập, xã Thọ Sơn đi làm vườn với gia đình và đam mê luôn. Với ý tưởng khởi nghiệp mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ để mang giấc mơ đưa sản phẩm nông nghiệp sạch của gia đình, quê hương ra thị trường khó tính của quốc tế, Tiến đã bàn và được gia đình ủng hộ, đồng hành trên con đường khởi nghiệp. Ông Đặng Quang Ngọc (cha của Tiến) cho biết: Khi mới nghe con trai “gác” bằng cấp đã học mấy năm trời để làm nông, gia đình cũng buồn. Nhưng khi con thuyết phục sử dụng vốn tiếng Anh để nghiên cứu tài liệu nông nghiệp nước ngoài ứng dụng vào cây sầu riêng để tạo hướng đi cho nông nghiệp sạch, chúng tôi rất đồng tình, ủng hộ. 

Với tổng diện tích 1 ha, vườn cây sầu riêng của gia đình Tiến đã sang thời kỳ ra bông, đậu trái nhưng gia đình vẫn cho dưỡng để bảo đảm năng suất vụ đầu tiên. Hiện nay, gia đình vẫn kiên trì chăm sóc từ việc nuôi cỏ để tạo độ xốp và cân bằng hệ sinh thái vi sinh trong đất nuôi cây sầu riêng. Gia đình Tiến còn chú trọng đầu tư hệ thống tưới nước tự động với 4 béc nhỏ xung quanh mỗi gốc để bảo đảm nguồn nước phù hợp cho cây. Đặc biệt, gia đình Tiến lựa chọn sử dụng chế phẩm sinh học thay thuốc bảo vệ thực vật để chăm sóc và điều trị sâu bệnh cho cây sầu riêng. Định kỳ 3 tháng, gia đình sử dụng chế phẩm sinh học 1 lần. Với cây sinh trưởng phát triển tốt như hiện nay, kinh nghiệm của gia đình Tiến sử dụng 1 phuy nước 200 lít sẽ cho hòa tan 1 can chế phẩm sinh học 5 lít, kết hợp 2 can anino axít tạo nên hỗn hợp đổ gốc. 

Tiến chia sẻ: Hiện nay, các sản phẩm từ sầu riêng có thị trường đầu ra và xuất khẩu rất ổn định. Thực hiện mô hình này, tôi muốn chia sẻ cho thanh niên, nhất là những bạn mới ra trường còn loay hoay xin việc làm cũng như tìm cơ hội khởi nghiệp những kiến thức mình tìm hiểu được qua thông tin nông nghiệp quốc tế cũng như mô hình thực tế của mình để các bạn cùng tham khảo và nhân rộng trên địa bàn tỉnh. 

Bí thư Huyện đoàn Bù Đăng Đào Thị Quế khẳng định: Bù Đăng có địa hình phù hợp sản xuất nông nghiệp, do đó thanh niên cũng xoay quanh tiềm lực này và tùy nguồn vốn để xây dựng những mô hình khởi nghiệp phù hợp. Trong thời gian qua, với tinh thần xung kích của thanh niên, trên địa bàn Bù Đăng phong trào khởi nghiệp có nhiều chuyển biến, một số sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên đã vươn ra thế giới như hạt điều bazan...

  • Từ khóa
118874

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu