Thứ 2, 17/06/2024 18:42:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 04:45, 21/02/2022 GMT+7

Đổi mới công nghệ - doanh nghiệp vươn tầm (Bài cuối) English Edition

Hiền Lương
Thứ 2, 21/02/2022 | 04:45:03 3,949 lượt xem

CHỦ ĐỘNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ VÀO SẢN XUẤT

BPO - Việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất đã mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể trong doanh nghiệp (DN), như tăng sản lượng, chất lượng và tăng tính đồng bộ. Trong bối cảnh hội nhập và giao lưu kinh tế, đòi hỏi các DN phải ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ vào sản xuất. Đặc biệt, đối với lĩnh vực chế biến cao su, việc ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất được ưu tiên hàng đầu. Đây là yếu tố tiên quyết, đưa cao su Thuận Lợi từ một DN tư nhân còn nhiều khó khăn trở thành một trong những nhà sản xuất cũng như xuất khẩu cao su thiên nhiên lớn nhất Việt Nam sau 18 năm xây dựng và phát triển.

Hiệu quả kinh doanh nhờ ứng dụng công nghệ 

Là một trong những DN xuất khẩu cao su thiên nhiên lớn nhất Việt Nam với công suất 130.000 tấn/năm, Công ty TNHH cao su Thuận Lợi (xã Thuận Lợi, huyện Đồng Phú) luôn xác định “chất lượng là yếu tố hàng đầu tạo nên uy tín, thương hiệu để phát triển bền vững”. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, công ty luôn chú trọng cải tiến quy trình sản xuất, quản lý chất lượng đầu vào, đầu tư dây chuyền công nghệ chế biến mới, hiện đại nhất để nâng cao sản lượng và cho ra đời sản phẩm cao su chất lượng được thị trường đánh giá cao, thỏa mãn nhu cầu của khách hàng khó tính nhất.

Ông Võ Quang Thuận (đứng giữa) giới thiệu với phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) về công nghệ chế biến mủ cao su của nhà máy

Năm qua, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nhưng công ty vẫn sản xuất trên 120.000 tấn mủ, doanh thu trên 4.000 tỷ đồng, vượt hơn 10% so với kế hoạch. Làm được điều đó là nhờ tư duy nhạy bén của chủ DN, biết nắm bắt thời cơ, đổi mới sáng tạo, áp dụng triệt để mọi thành tựu khoa học - công nghệ vào sản xuất. 

Ông Võ Quang Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH cao su Thuận Lợi chia sẻ: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang mang lại nhiều sản phẩm công nghệ cho DN trong sản xuất và điều hành hoạt động. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ giúp chất lượng, số lượng sản phẩm tăng, tiết kiệm nguồn lực và nhiều chi phí khác cho DN. Đối với ngành chế biến mủ cao su, công nghệ mới đã mang lại hiệu quả sản xuất, giúp giảm giá thành, nâng cao năng suất lao động, tạo sự khác biệt đối với các DN khác trong cùng ngành nghề. Tôi khẳng định, trong những giá trị, lợi ích mang lại cho DN kể cả lợi nhuận, những ưu đãi khách hàng đầu vào như trả giá thu mua cao hơn so với các DN khác, đều nhờ từ áp dụng công nghệ mà có.

Đối với người lao động, cao su Thuận Lợi luôn thực hiện đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ của người sử dụng lao động theo quy định pháp luật; đồng thời có các chính sách ưu đãi như phụ cấp, thưởng, các chế độ hỗ trợ khó khăn.

Ông Võ Quang Thuận,
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH cao su Thuận Lợi


Đầu tư công nghệ ưu việt nhất

Để nâng cao năng suất lao động, đổi mới công nghệ, năm 2020, Công ty TNHH cao su Thuận Lợi đã đầu tư gần 100 tỷ đồng nhập về 45 máy ly tâm hiện đại của Cộng hòa Liên bang Đức. Đây là dòng máy có chất lượng cao, ưu việt nhất thế giới hiện nay. Mỗi máy ly tâm này có công suất 500kg/giờ. Hiện xưởng ly tâm của công ty có 90 máy, bình quân mỗi ngày ly tâm được 400 tấn mủ latex. 

Mủ nước sau khi mua về, chuyển qua dung dịch sát khuẩn, xuống ly tâm 30-60 độ, qua khâu kiểm tra các chỉ tiêu chất lượng, sau đó mủ tự động chảy vào 53 bồn lưu trữ lớn. Khi xuất hàng, công nhân chỉ cần mở van cho mủ chảy xuống xe bồn mà không cần phải sử dụng đến máy bơm, tiết giảm cho DN hàng trăm triệu đồng tiền điện mỗi năm. Chị Đỗ Thị Thanh Thảo, công nhân xưởng ly tâm nói: “Ở đây, máy móc hỗ trợ mình hết nên không phải bỏ sức lao động nhiều. Đặc biệt, công ty trang bị bảo hộ lao động đầy đủ, lại ứng dụng công nghệ mới nên không bị mủ cao su ăn tay, ăn chân như trước”.

Sản phẩm mủ khối của Công ty TNHH cao su Thuận Lợi đã được đóng kiện sẵn sàng xuất khẩu

Ở dây chuyền chế biến mủ cốm, công ty cũng đã nghiên cứu, chế tạo và đưa vào vận hành lò đốt rác bằng củi. Củi đốt nóng một loại dầu gọi là dầu truyền nhiệt, sau đó bơm dầu vào lò sấy, lấy gió sạch thổi dầu qua hệ thống tản nhiệt, tạo ra hơi nóng sạch vận hành toàn bộ hệ thống máy móc ở dây chuyền này để sấy mủ cao su. Mủ đạt các chỉ tiêu, chất lượng, khí thải ra môi trường đảm bảo, lại giúp giảm chi phí cho công ty 35 triệu đồng tiền nhiên liệu mỗi ngày so với dùng dầu DO để đốt như trước đây. “Không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, môi trường mà công nghệ này còn giúp sản phẩm của Cao su Thuận Lợi đạt chất lượng tốt hơn, đẹp hơn” - ông Thuận chia sẻ. 

Không chỉ tập trung nâng cao năng lực sản xuất, cao su Thuận Lợi còn đa dạng hóa chủng loại sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường với các tiêu chuẩn quốc tế. Từ một DN sản xuất nội địa với công suất ban đầu chỉ 7.000 tấn/năm, đến nay công suất chế biến của công ty tăng lên gần 300 lần với nhiều sản phẩm chủ lực phục vụ xuất khẩu. Sản phẩm được xuất đi nhiều nước ở châu Mỹ, châu Âu... 4 năm liền công ty được bình chọn là một trong TOP 100 DN bền vững của Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Hiện nay, mối quan tâm hàng đầu của cao su Thuận Lợi là vươn tới đỉnh cao về chất lượng, thỏa mãn nhiều hơn những mong muốn về chuẩn cao su của khách hàng, kể cả khách hàng khó tính nhất. Công ty còn chú trọng đầu tư chiều sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cao su thiên nhiên, gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm, quyết tâm đem lại ngày càng nhiều giá trị, gia tăng về lợi ích, mang lại sự hài lòng cao nhất nơi các đối tác khách hàng thông qua những sản phẩm chuẩn hóa có giá trị cao theo phương châm "Tận tâm và uy tín". Theo kế hoạch, năm 2022, công ty phấn đấu đạt sản lượng bình quân ít nhất 500 tấn mủ ly tâm/ngày và tập trung vào những dòng sản phẩm chiến lược, đó là chế biến mủ khối RSS. 

Chia sẻ bí quyết thành công, ông Thuận bộc bạch: “Đối với DN, phải chú trọng kinh doanh bền vững, lấy chất lượng hàng hóa - dịch vụ làm phương châm phát triển. Ngoài ra, cần chủ động tiếp cận khoa học - kỹ thuật, nguồn vốn, liên kết chặt chẽ với nông dân trong tiêu thụ sản phẩm; phải hướng sản phẩm của mình được xuất khẩu ra thị trường thế giới, đủ sức cạnh tranh để ổn định sản xuất và có điều kiện thực hiện các chính sách an sinh xã hội, dựng xây văn hóa doanh nghiệp".

Trong kỷ nguyên công nghệ số, việc đưa công nghệ điều khiển và tự động hóa vào quá trình sản xuất, kinh doanh là yêu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay của DN. Thực hiện được yêu cầu này không chỉ cao su Thuận Lợi mà cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh cũng sẽ ngày càng lớn mạnh và không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường, tự tin góp sức trong công cuộc xây dựng và phát triển Bình Phước ngày một văn minh, giàu mạnh.

  • Từ khóa
137296

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu