Thứ 4, 26/06/2024 18:20:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Khoa học - Công nghệ 04:45, 20/02/2022 GMT+7

Đổi mới công nghệ - doanh nghiệp vươn tầm (Bài 1) English Edition

Hiền Lương
Chủ nhật, 20/02/2022 | 04:45:22 4,543 lượt xem

BPO - Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ thì vấn đề đổi mới, sáng tạo trong phát triển doanh nghiệp (DN) được xem là giải pháp tối ưu để bắt nhịp với xu thế phát triển của thế giới, tăng doanh thu, hạ giá thành sản phẩm. Tại Bình Phước, các DN đã không ngừng đổi mới công nghệ, sáng tạo trong lao động, sản xuất, từng bước vươn ra biển lớn.

KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ: TRỤ CỘT CỦA PHÁT TRIỂN

Công ty cổ phần Hoàng Sơn 1 ở xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng là một trong những DN sản xuất, kinh doanh hạt điều lớn nhất tỉnh Bình Phước và trong top 10 DN xuất khẩu hạt điều hàng đầu của cả nước. Thành công này có được là nhờ DN luôn xác định khoa học - công nghệ và đổi mới, sáng tạo là trụ cột của sự phát triển.

Đổi mới công nghệ

Nếu như những năm đầu công ty mới thành lập, công nhân phải chẻ điều bằng tay, cạo vỏ từng hạt điều và phải bưng, bê từng thùng hàng… thì nay tất cả đều được cơ giới hóa. Công ty đã có máy chẻ hạt điều, máy bóc vỏ lụa, máy phân loại, máy bắn màu; có xe nâng, băng tải chuyền hoạt động tự động hóa... Hiện toàn bộ 13 khâu trong chế biến hạt điều đã được cơ giới hóa một phần hay hoàn toàn, giảm gần 80% lao động. Máy móc hiện đại đã giúp Công ty cổ phần Hoàng Sơn 1 tăng năng suất lao động lên 50-60 lần so với trước, giảm nhân công và sức lao động, tăng thu nhập cho công nhân...

Công nhân Công ty cổ phần Hoàng Sơn 1, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng đang phân loại hạt điều

Anh Lê Anh Sơn, công nhân Công ty cổ phần Hoàng Sơn 1 cho biết: “Trước đây, chúng tôi phải làm thủ công, bưng bê khá mệt; nay có xe nâng, máy móc làm hết nên công việc rất nhàn”. Ông Tạ Quang Huyên, Phó chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), Tổng giám đốc công ty cho hay: Cách đây khoảng 20 năm, mỗi ngày 1 công nhân chỉ chẻ được 20kg nhân điều. Còn bây giờ, dựa vào công nghệ, dây chuyền và máy móc hiện đại, 1 máy trong 1 ngày chẻ được 3-4 tấn điều nhân. 

Tại công ty, ngoài máy bắn màu phải nhập từ nước ngoài, còn lại tất cả dây chuyền, máy móc chế biến điều của DN đều do Việt Nam sản xuất. Đây là những máy móc, kỹ thuật vận hành tiên tiến và hiện đại nhất hiện nay. Ông Huyên khẳng định: Máy móc, thiết bị do Việt Nam sản xuất có tính năng vượt trội so với các máy móc hiện đại cùng loại của Italia, Ấn Độ. Ví dụ, máy bóc vỏ lụa của nước ta tỷ lệ hạt tróc vỏ cao hơn, thổi sạch hơn máy nhập từ Italia. Máy chẻ vỏ hạt điều trong nước có độ bung nhân cũng đạt tỷ lệ cao hơn, độ chính xác lên tới 100%. Do vậy, không chỉ chủ động được công nghệ, tiết kiệm chi phí đầu tư, DN còn giảm được chi phí nhân công. Nếu trước đây, cần khoảng 100 lao động thì nay với máy móc tự động hóa trong nước sản xuất chỉ cần 20-30 lao động. Riêng ở công đoạn rang muối, công ty đầu tư 40 lò rang bằng máy, mỗi ngày DN rang được 20 tấn điều, tăng gấp 3 lần so với rang thủ công bằng chảo như trước đây. 

Đầu tư các dây chuyền sản xuất hiện đại theo quy trình khép kín từ chẻ nguyên liệu đến đóng gói sản phẩm là cách mà Công ty cổ phần Hoàng Sơn 1 mang đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng, đạt tiêu chí về an toàn thực phẩm của châu Âu. Với 500 công nhân, trung bình mỗi ngày, công ty sản xuất 300 tấn điều nguyên liệu, chủ yếu là 2 dòng sản phẩm điều nhân trắng và rang muối. Nếu như năm 2012, công ty xuất khẩu 5.400 tấn thì năm 2021, công ty sản xuất 100 ngàn tấn điều thô, với 99,5% sản phẩm làm ra được xuất khẩu. Dự kiến năm 2022 sẽ sản xuất 110 ngàn tấn điều thô, xuất khẩu 23 ngàn tấn điều thành phẩm. Trong đó, 99% sản lượng được xuất khẩu đi nước ngoài với trên 200 đối tác ở khắp các thị trường châu Mỹ, châu Âu, châu Á, châu Phi.

Sản phẩm điều rang muối của Công ty cổ phần Hoàng Sơn 1 được rang bằng công nghệ mới

Xây dựng thương hiệu

Với hệ thống trang thiết bị máy móc hiện đại từ nhà xưởng, kho bãi, dây chuyền chế biến, phân loại sản phẩm, thanh trùng, đóng gói... theo tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng ISO và an toàn thực phẩm HACCP. Mỗi năm, Công ty cổ phần Hà Mỵ (xã Tân Lập, huyện Đồng Phú) sản xuất, chế biến, xuất khẩu trên 3.200 tấn điều thành phẩm, trong đó có cả chế biến sâu. Hiện công ty có 36 loại mặt hàng, xuất khẩu sang 86 nước trên thế giới và là bạn hàng tin cậy của nhiều khách hàng trong, ngoài nước.

Bà Nguyễn Thị Mỵ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hà Mỵ cho biết: Từ ngày được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Hạt điều Bình Phước", công ty đã xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sử dụng các dấu hiệu chỉ dẫn địa lý trên bao bì, nhãn mác sản phẩm để đưa ra thị trường. Hà Mỵ đã và đang liên kết, bao tiêu sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý hạt điều Bình Phước của hơn 100 hộ thành viên 3 hợp tác xã ở Bù Đăng. 

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, Bình Phước đã có 9 DN được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”. Việc phát triển chỉ dẫn địa lý phù hợp với chính sách phát triển ngành điều của tỉnh. Đây là công cụ giúp DN gia tăng giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng khả năng tiếp cận thị trường khó tính, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đặng Hà Giang cho biết: Sở hữu trí tuệ không chỉ là công cụ để bảo vệ giá trị của sản phẩm mà còn là động lực cho quá trình phát triển thương mại bền vững. Do đó, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm hạt điều Bình Phước trở thành một hình thức bảo hộ sở hữu trí tuệ quan trọng mang lại nhiều giá trị thiết thực, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu về quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc của thị trường xuất khẩu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chỉ dẫn địa lý còn giúp bảo tồn, nâng cao giá trị kinh tế của hàng nông sản; được độc quyền sử dụng tên địa danh làm công cụ tiếp cận thị trường, chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất. Quan trọng nhất là người tiêu dùng được chỉ dẫn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn, chất lượng rõ ràng, bảo đảm an toàn thực phẩm. 

Để ngành điều đem về giá trị kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD/năm, ngoài cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, Bình Phước đang xây dựng thương hiệu riêng, trong đó tập trung chế biến sâu, đổi mới công nghệ, đưa máy móc thay thế sức lao động thủ công. 

Đưa điều Việt Nam đứng đầu thế giới 

Theo Vinacas, vào năm 2006, Việt Nam đã vượt qua Ấn Độ, đất nước có ngành chế biến, xuất khẩu nhân điều lâu đời và lớn nhất thế giới. Hiện ngành điều Việt Nam đang bỏ xa Ấn Độ về sản lượng giao dịch xuất nhập khẩu và chế biến, trở thành “kinh đô” mới của ngành chế biến hạt điều thế giới. 

Để có kết quả nêu trên là nhờ các DN Việt Nam đã chủ động nghiên cứu, chế tạo các dây chuyền công nghệ, đưa thiết bị máy móc thay thế lao động thủ công. Đặc biệt, công nghệ chế tạo máy trong nước được phổ biến rộng rãi, đưa Việt Nam từ một nước xuất khẩu điều thô thành quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu nhân điều. Minh chứng là mỗi năm toàn thế giới sản xuất khoảng 4 triệu tấn điều thô, trong đó riêng Việt Nam đã chế biến 3 triệu tấn, chiếm 75% sản lượng điều thô toàn cầu, đưa ngành điều Việt Nam dẫn đầu thế giới và nhân điều Việt Nam đã có mặt ở hơn 90 quốc gia, vùng lãnh thổ. 

Ông Tạ Quang Huyên, Phó chủ tịch Vinacas, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Sơn 1 nhấn mạnh: Thành công này là nhờ các DN điều Việt Nam luôn đổi mới, sáng tạo trong phát triển công nghệ sản xuất, đưa Việt Nam từ một nước đi học chế biến điều ở các quốc gia khác thành cường quốc trong chế biến hạt điều.

Bình Phước hiện có 280 DN và hơn 400 cơ sở kinh doanh, chế biến hạt điều, trong đó có khoảng 30 DN tham gia xuất khẩu. Bình Phước cũng đã thành lập hơn 40 tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất điều với hơn 500 hội viên.


  • Từ khóa
137207

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu