Thứ 4, 08/05/2024 14:47:46 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:07, 10/10/2019 GMT+7

Sống thác vì dân

Thứ 5, 10/10/2019 | 15:07:00 239 lượt xem
BP - Theo sách “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam”, Ông Ích Đường (SN1884) sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học, tại làng Phong Lệ, huyện Duyên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là thôn Phong Bắc, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng). Cha ông là Ông Ích Kiền, một nghĩa sĩ trong Nghĩa hội Cần Vương. Ông nội là Ông Ích Khiêm - danh tướng của triều Nguyễn.

Cũng theo sách nêu trên, Ông Ích Đường giỏi văn, võ, có chí lớn, tính phóng khoáng, có đức độ bậc trượng phu, thường bênh vực kẻ nghèo yếu, chống lại bọn cường hào ác bá. Theo dân gian thì Ông Ích Đường có tướng mạo kỳ dị, râu, tóc, lông ngực đều mọc ngược và đi nhanh như gió. Có thể đó là cách nói cường điệu, hư cấu về một con người mà họ ngưỡng mộ. Theo sử sách, trong phong trào Duy Tân cải cách do Phan Châu Trinh chủ xướng vào đầu thế kỷ XX, Ông Ích Đường là người tham gia tích cực. Có lần Ông Ích Đường theo chí sĩ Phan Châu Trinh vào tận đồn Phồn Xương ở Yên Thế, để gặp thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám. Sau đó, ông về quê tập hợp thanh niên ở Cẩm Toại, Cẩm Lệ, Túy Loan, Thạch Nham...thuộc huyện Hòa Vang; dạy võ nghệ cho họ để chuẩn bị làm cuộc chống Pháp. Trong các năm 1905, 1906, ông từng theo cụ Phan Châu Trinh vào Nam ra Bắc để vận động quần chúng cải cách, cổ xúy cho phong trào.

Năm 1906, ông theo Phan Châu Trinh đi vận động Duy Tân cải cách và từng vào đến căn cứ Phồn Xương của Hoàng Hoa Thám trong núi rừng Yên Thế (Bắc Giang) để tìm hiểu việc tổ chức kháng chiến chống Pháp. Năm Mậu Thân (1908), hưởng ứng phong trào chống sưu thuế Trung kỳ, Ông Ích Đường chỉ huy nhân dân Hòa Vang đi chống sưu thuế, đồng thời đi vây bắt viên quan “sâu dân mọt nước” tên là Lãnh Điềm. Song việc không thành, vì chính quyền thực dân Pháp kịp đưa quân tới đàn áp. Bị truy nã, Ông Ích Đường tạm lánh nơi nhà Mạc Quý, người cùng học võ một thầy. Không ngờ Mạc Quý phản bội, mật báo với quân Pháp.

Sau đó, Ông Ích Đường bị bắt và bị chém chết ngày 11-5-1908 tại chợ Túy Loan (nay thuộc xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) khi chợ đang đông để uy hiếp tinh thần dân chúng. Tại nơi hành hình, ông ung dung nói: Dân nước Nam như cỏ cú, giết Đường này còn có trăm nghìn Đường khác. Bao giờ hết mía mới hết Đường! Cái chết oanh liệt của người thanh niên trẻ này đã gây xúc động mãnh liệt đối với nhiều người. Vì vậy, người dân đã quyên tiền lập miếu thờ “Cậu Đường” với 2 câu đối điếu đề trước cửa miếu: Tinh thần thiên bất tử/Nghĩa khí thế trường sanh; nghĩa là: Tinh thần còn mãi mãi/Nghĩa khí sống đời đời.

Ông Ích Đường mất khi mới 24 tuổi. Người dân trong vùng chứng kiến buổi hành quyết ông đã kể lại cho con cháu rằng, nhiều người khóc khi ông nói lời từ biệt. Tất cả những chủ sạp bán vải ở chợ Túy Loan đã đem những cây vải trắng, xé thành từng đoạn, phân phát cho mọi người bịt lên đầu, để tang Cậu Đường. Bà con ta đi chợ về, tỏa khắp các làng quê, đầu đội khăn tang, đã gây nên ấn tượng sâu đậm về một con người nghĩa khí. Truyền thuyết về cái chết của Ông Ích Đường lưu truyền trong dân gian còn kể lại rằng, sau khi đầu ông vừa rụng xuống dưới lưỡi dao oan nghiệt, thì trời đang nắng bỗng nhiên tối sầm lại, dường như trời đất cũng động lòng vì sự ra đi của một anh hùng vừa tròn 18 tuổi. Nhân dân địa phương đã lập miếu thờ ông ngay bên chợ Túy Loan. Hiện nay, ngôi miếu vẫn còn.

Ông Ích Đường là một trong những lãnh đạo tiêu biểu của phong trào kháng thuế năm 1908 tại huyện Hòa Vang. Đặc biệt, ở quê nhà hay bất cứ nơi đâu, ông thường bênh vực kẻ nghèo yếu, cô thế chống lại bọn cường hào ác bá ở nông thôn. Mọi người hay gọi ông với cái tên thân mật là “Cậu Đường”. Ghi nhận những đóng góp của ông, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã quyết định đặt tên một con đường mang tên Ông Ích Đường dài hơn 1.500m, rộng hơn 6m, từ phía Nam Sân bay Đà Nẵng và Nhà máy dệt Hòa Thọ, qua UBND huyện Hòa Vang, đến đầu cầu Cẩm Lệ.

Lời bàn:

Trong phong trào chống thuế ở Quảng Nam 102 năm trước, tại làng Phong Lệ Bắc, huyện Hòa Vang, gia đình họ Ông có đến 2 người bị giặc kết án là Ông Ích Đường và Ông Ích Mắng (hay Mén). Hai ông là con trai của Ông Ích Tán, cháu nội của danh tướng Ông Ích Khiêm. Sau khi ông bị sát hại, dân chúng quanh chợ Túy Loan đã quyên tiền lập miếu thờ “Cậu Đường” với 2 câu đối điếu đề trước cửa: Tinh thần thiên bất tử/Nghĩa khí thế trường sanh”; nghĩa là: Tinh thần còn mãi mãi/Nghĩa khí sống đời đời. Qua giai thoại nêu trên, hậu thế hôm nay và mai sau thấy được sự hiên ngang lẫm liệt của người anh hùng trẻ tuổi Ông Ích Đường trước lúc hy sinh. Vì thế, cho đến nay, trong lòng mỗi người dân Đà Nẵng vẫn khôn nguôi cảm xúc hoài nhớ, kính phục, ngưỡng vọng, vinh dự, tự hào... về người sĩ khí yêu nước sinh ra trên quê hương mình.

Đánh giá về sự nghiệp của Ông Ích Đường, Viện Sử học Việt Nam khẳng định: “Sự nghiệp của Ông Ích Đường tuy ngắn ngủi nhưng ông đã để lại một dấu son trong trang sử chống Pháp của nhân dân đất Quảng. Có thể ghi nhận ông là một trong những chí sĩ, liệt sĩ, danh nhân của lịch sử dân tộc thời cận đại...”. Ông Ích Đường là tấm gương sáng ngời về “sống thương nước chết cùng thương nước, non sông kia dễ một khắc hững hờ. Sống vì dân thác cũng vì dân, đồng bào ấy cứ một lòng thắm thiết”.

N.D

  • Từ khóa
110242

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu