Thứ 4, 08/05/2024 15:12:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:35, 08/09/2019 GMT+7

Cái giá phải trả

Chủ nhật, 08/09/2019 | 09:35:00 946 lượt xem

BP - Sử cũ chép lại rằng, từ khi lên ngôi, đêm nào vua Lê Uy Mục cũng gọi các phi tần, cung nhân vào cung hầu hạ. Vua cùng các cung nhân, phi tần uống rượu vui say quá độ rồi hành lạc. Đáng sợ hơn cả là khi say rượu và hành lạc vui vẻ, vua giết luôn cả những cung nhân, phi tần mình vừa mới ôm ấp. Sở thích giết người của vua Lê Uy Mục khiến ai cũng kinh sợ. Nhưng vì uy quyền tối thượng của vua nên không ai dám chống đối hay tìm cách trốn tránh. Mải mê hành lạc và thỏa mãn những sở thích quái đản của mình, vua Lê Uy Mục không hề chăm lo việc nước.

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, nhiều công thần trước đây bị Lê Uy Mục đuổi khỏi triều đình, trong đó có Nguyễn Văn Lang là người cùng họ với Trường Lạc thái hoàng thái hậu. Đại thần tông thất là Nghi quận công Lê Năng Can, vì bất đắc chí, có bài thơ gửi Nguyễn Văn Lang và bảo cử binh giết bọn ác đảng. Văn Lang vốn là người thông thao lược, giỏi binh pháp, khéo xem xét thiên thời, sức khỏe có thể bắt được hổ. Bấy giờ, Văn Lang đem bọn Chế Mạn làm nô lệ người Chiêm cùng Vũ Bá, Vũ Tiếp và người ba phủ nổi nghĩa quân ở thành Tây Đô, đem quân giữ ở cửa biển Thần Phù.

Trong số các con của Kiến vương Tân bị bắt giam, Giản Tu Công Lê Oanh còn bị giam ở ngục đã đem của cải đút lót người canh giữ và thoát được ra ngoài. Sau đó, ông không kịp báo cho mẹ, anh em và vợ biết, một mình trốn vào Tây Đô. Khi đi đến cửa biển Thần Phù thì được Văn Lang ra đón rồi lập làm minh chủ. Từ đó, Lê Oanh cùng Văn Lang rèn đúc giáo dài và cùng các đại thần Nguyễn Diễn, Ngô Khế, Nguyễn Bá Cao, Lê Trạm, Thanh Hoa tổng binh thiêm sự Nguyễn Bá Tuấn, Thừa tuyên sứ Lê Tung, Tham chính Nguyễn Thì Ung khởi binh chống lại Lê Uy Mục.

Tại đây, Giản Tu Công sai Lương Đắc Bằng viết bài hịch dụ đại thần và các quan, đại ý nói: Bạo chúa Lê Tuấn, phận con thứ hèn kém, làm nhơ bẩn nghiệp lớn, mới gần 5 năm mà tội ác đã đủ muôn khóe. Không chịu được thói hoang dâm, độc ác của vua Lê Uy Mục, nhiều tướng lĩnh đã theo Lê Oanh. Tháng 11-1509, Giản Tu Công xưng là Cẩm Giang vương Lê Sùng ở Tây Đô đưa quân về Đông Kinh, Hà Nội. Do lúc này, vua Uy Mục đang giữ anh trai Lê Sùng và mẹ của Giản Tu Công Lê Oanh nên bèn bắt giết cả 2 người để thị uy.

Tuy nhiên, điều này càng khiến Giản Tu Công Lê Oanh và những người ủng hộ ông thêm nổi giận. Giản Tu Công cùng các tướng lĩnh, binh sĩ ủng hộ đem quân từ Tây Đô tiến vào thành. Khi Giản Tu Công từ Tây Đô đem các dinh thủy, bộ cùng tiến phát, tiến vào sát thành thì tất cả mọi người trong triều đình của vua Lê Uy Mục đều chạy trốn. Hoàng hậu Trần Thị Tùng trốn ra đến xã Hồng Mai, náu ở nhà dân rồi tự thắt cổ chết ở miếu chùa. Riêng vua Lê Uy Mục chạy tới phường Nhật Chiêu thì bị một vệ sĩ cũ đuổi theo bắt được, nộp cho Giản Tu Công.

Giản Tu Công Lê Oanh giam vua Lê Uy Mục ở cửa Lệ Cảnh. Tuy nhiên, cũng có thuyết kể lại rằng, khi quân của Lê Oanh tiến sát kinh thành thì vua Lê Uy Mục chạy ra thôn Cập Hối, xã Đông Cao, huyện Yên Lãng. Nhà vua bị người dân bắt về nộp cho Nguyễn Văn Lang. Nguyễn Văn Lang đem vua về quán Bắc Sứ rồi giết. Sau đó, bọn ngoại thích cũng đều bị giết hết. Tuy nhiên, thuyết này không được sử sách ghi lại nhiều.

Sau khi Lê Oanh vào chiếm kinh thành đã bức vua Lê Uy Mục phải tự tử. Tháng 12-1509, vua Lê Uy Mục chết, kết thúc gần 5 năm tại vị và hưởng dương 21 tuổi. Mặc dù vua Lê Uy Mục đã chết nhưng do Lê Oanh hận Uy Mục đã giết hại gia đình mình nên sai người dùng súng lớn, để xác Uy Mục vào miệng súng, cho nổ tan hết hài cốt. Sau đó, Lê Oanh sai người lấy ít tro tàn về chôn tại An Lăng ở quê mẹ của vua Lê Uy Mục tại làng Phù Chẩn. Khi Lê Oanh lên ngôi thì giáng vua Lê Uy Mục xuống làm Mẫn Lệ công.

Lời bàn:

Người xưa có câu: Bách thiện hiếu vi tiên, vạn ác dâm vi thủ; Có nghĩa là trong trăm cái thiện thì hiếu đứng đầu, trong vạn cái ác thì dâm đứng đầu. Với câu nói này, người xưa muốn răn hậu thế rằng phạm tội dâm sẽ bị báo ứng nặng nhất. Có lẽ vì vậy người tu hành quan niệm một khi phạm vào tội tà dâm thì vĩnh viễn mất đi cơ duyên tu luyện. Không những thế, người xưa còn ví sắc dục giống như một thanh kiếm vô cùng sắc nhọn. Nó có thể khiến một người phạm phải rơi vào cảnh nghèo khổ, trăm sự đều không thuận. Cũng vì thế mà cổ nhân luôn răn dạy “tránh sắc như tránh tên” cũng là đạo lý này. Tiếc rằng, thân làm vua như Lê Uy Mục mà không hiểu biết điều này, thật là đáng trách.

Ngày nay, trong dân gian còn lưu truyền câu nói: “No cơm ấm cật sinh ra dâm dật”, nhất là với những người có tiền, có quyền, lợi dụng tiền và quyền trong tay. Họ không chỉ ra vào những chốn ăn chơi mà còn mua nhà cửa nhiều nơi chuyên dùng để nuôi tình nhân, vợ hai, phát tiết thú dục, thỏa mãn dục vọng. Hệ quả, họ đã tự đưa sinh mệnh mình về suối vàng hoặc vào vòng tù tội. Họ đã trở thành cầm thú mặc quần áo, đã khiến tội nghiệt của họ ngày càng trầm trọng hơn. Vì thế, lời nói của người xưa là những bài học còn nguyên giá trị đạo đức cho hậu thế chiếu theo học tập.

N.D

  • Từ khóa
110228

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu