Thứ 4, 08/05/2024 12:23:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:44, 06/06/2019 GMT+7

Một đời vì nước

Thứ 5, 06/06/2019 | 14:44:00 160 lượt xem
BP - Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, trong số những danh nhân đất Quảng thời chống Pháp, có một tiên liệt nổi bật về số lần vào tù: 2 lần bị tuyên án tử hình, 3 lần bị tù từ 1-3 năm, 1 lần lãnh cái chết bất tử, đó là cụ Trần Cao Vân. Và trong chuỗi lao lý kết nối suốt quá trình đấu tranh chống Pháp không chỉ với cụ Trần Cao Vân mà còn có cụ bà Võ Thị Quyền - cánh tay phải đắc lực, người vợ trung kiên, mẫu mực xứ Đại Lộc.

Cụ Trần Cao Vân sinh năm 1866, tại làng Tư Phú, Gò Nổi (xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Năm 8 tuổi, cụ mồ côi mẹ; thân phụ là nhà nho yêu nước, chuộng chữ nghĩa. Trần Cao Vân vốn rất thông minh, học tập xuất sắc, nhân cách rất mực, có tài đối đáp linh hoạt, uyên bác. Khoa thi năm 1882, cụ ra Huế dự thi nhưng bị bệnh đột xuất nên đành bỏ dở. Khoa thi năm 1888, cụ trúng tuyển trường nhất, nhì, nhưng hỏng trường ba. Trần Cao Vân lui về Cổ Lâm tự (Đại Lộc) chuyên tâm khảo cứu Kinh dịch - Tiên thiên và Hậu thiên bát quái của vua Phục Hy và Chu Văn Vương (Trung Quốc) để biên soạn Trung thiên đạo bắt nguồn từ Trung thiên dịch.

Con đường khoa bảng của cụ lận đận, thế nhưng qua thơ văn, câu đối còn để lại cho thấy cụ là bậc triết gia, khảo học uyên thâm, văn chương lỗi lạc. Ngót 31 năm (1885-1916), Trần Cao Vân thiết tha đi theo tiếng gọi núi sông và lương tri thì ngần ấy năm bị cuốn vào vòng lao lý. Năm Nhâm Ngọ (1882), Hà thành thất thủ, Tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết. 1 năm sau, vua Tự Đức băng hà, triều chính khuynh đảo, thế nước sục sôi phong trào chống Pháp. Ở Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên phong trào Văn Thân, Cần Vương và nghĩa quân rần rần nổi dậy “Bình Tây, diệt tả”. Năm 1885, kinh thành Huế thất thủ, Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi bôn tẩu ra Quảng Trị.

Trước những biến cố dồn dập, cụ Trần Cao Vân không thể yên tâm theo đuổi khoa bảng trong cảnh đất nước loạn lạc, rối ren, dân tình ta thán. Cụ xin cha thoát ly vào chùa Cổ Lâm (làng An Định, Đại Lộc) khoác áo thầy tu để tiện mưu đồ cứu nước. Tại đây, cụ gặp Thừa Tô - người đồng chí cũng là anh vợ sau này. Năm 1891, Trần Cao Vân kết hôn với bà Võ Thị Quyền (còn gọi là cô Ba Bàng) - người đồng cam cộng khổ, vào sinh ra tử với chồng. Cũng trong năm này, Cổ Lâm tự bị bố ráp gắt gao, cụ Trần Cao Vân lui về làng Đại Giang (Đại Lộc) mở trường dạy học.

Tay cầm bút lông viết chữ nho cho môn đồ mà lòng dạ cụ đau đáu về cảnh nước nhà điêu linh. Việc “quy ẩn” của cụ không qua được tai mắt bọn mật thám Pháp và bọn phò tá thực dân, cuối cùng vợ chồng đồng lòng dấn thân giúp nước, khăn gói vào đất võ Bình Định. Cụ lại mở trường dạy học, mượn phương thuật số để độ nhật qua ngày, đồng thời chỉnh biên, truyền bá triết thuyết Trung thiên dịch - Trung thiên đạo đến mọi tầng lớp nhân dân, tạo nên một làn gió mới rộng khắp từ Bình Định đến Phú Yên. Đây cũng là cơ hội để thu nạp nghĩa sĩ yêu nước, trong đó có cụ Võ Trứ.

Năm 1898, Võ Trứ lãnh đạo nhóm thầy chùa phối hợp với lực lượng quần chúng nổi lên đánh phá đồn Pháp. Phong trào bị dập tắt vì nghĩa binh chưa được chuẩn bị, huấn luyện, vũ khí lại quá thô sơ chỉ có giáo mác, gậy gộc, tầm vông... và cao hơn cả vẫn là lòng yêu nước, căm thù giặc. Bọn bảo hộ gọi phong trào là “giặc Rựa” hay “giặc Thầy chùa”. Võ Trứ lánh vào Phú Yên, nơi cài đặt sẵn dân binh, sau đó cụ Trần Cao Vân cũng theo vào, tiếp tục hoạt động chống Pháp ở khu rừng thuộc phủ Tây An, Đồng Xuân. Mùa hè năm đó, Võ Trứ một lần nữa giương cao ngọn cờ “Bình Tây, diệt tả”, tuy nhiên lại bị quân Pháp đè bẹp, trong lúc cụ Trần Cao Vân bị sốt rét nặng. Nhờ sự giúp đỡ của đồng bào dân tộc và các môn đệ, cụ Trần Cao Vân, cụ bà và 2 con được đưa về động Bà Thiêng chữa bệnh - một vùng hẻo lánh, xa làng mạc, dân cư. Khi cụ Trần Cao Vân vừa hồi phục, lại đến lượt cụ bà phải giành giật giữa cái sống và chết của căn bệnh hiểm nghèo. Mấy ngày sau, cụ Võ Trứ đến thăm, mang theo ý nguyện - tự ra đầu thú để cứu vớt đồng bào, nghĩa sĩ đang bị thực dân Pháp truy lùng, thảm sát. 2 nhà chí sĩ đành gạt nước mắt tiễn biệt nhau vì không còn chọn lựa nào khả thi hơn.

Lời bàn:

Cuộc khởi nghĩa của Việt Nam Quang Phục hội ở các tỉnh Trung kỳ do 2 chí sĩ quê Đà Nẵng - Quảng Nam là Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh đạo, với sự tham gia của vua Duy Tân, đã tô thắm thêm truyền thống yêu nước, tinh thần quật khởi của dân tộc, tiếp nối bản hùng ca bất khuất trước ngoại xâm của cha ông. Đồng thời, cuộc khởi nghĩa đã tạo nên chấn động lớn trong phong trào chống Pháp ở Việt Nam nói riêng và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trên thế giới đầu thế kỷ XX nói chung.

Với chí sĩ Trần Cao Vân, dẫu năm lần bảy lượt thất bại nhưng ý chí chống thực dân Pháp xâm lược trong ông không hề nản. Không thành công, ông lại tiếp tục hành động và coi cái chết nhẹ như mây bay, gió thoảng. Trước giờ ra pháp trường, Trần Cao Vân vẫn giữ vững khí tiết, viết bài thơ tuyệt mệnh gửi lại cho đời với lời nhắn nhủ: Anh hùng sá kể cơn thành bại; Sử sách ngàn thu chép rạch ròi... Và, tuy mộng lớn không thành, hồn về tiên cảnh, nhưng tên tuổi và sự nghiệp của ông mãi mãi tồn tại với lịch sử dân tộc.

N.D

  • Từ khóa
110188

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu