Thứ 4, 08/05/2024 15:07:52 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:15, 09/03/2019 GMT+7

Tấm lòng vì dân

Thứ 7, 09/03/2019 | 15:15:00 197 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Nam liệt truyện”, Nguyễn Đạo có tên chữ là Suất Tính, thụy là Trang Khái. Ông sinh năm 1803 tại làng Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình (nay thuộc thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Tộc Nguyễn của ông có nguồn gốc từ xã Bình Luật, huyện Thạch Hà, phủ Hà Ba, Thừa tuyên Nghệ An (nay là huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, di cư vào lập nghiệp ở Thăng Bình từ thời “Bình Chiêm hưng quốc” của Lê Thánh Tông vào năm 1471.

Ông mồ côi cha từ nhỏ, nhà nghèo nhưng ông rất ham học và thờ mẹ chí hiếu. Năm 1820, ông thi đỗ tú tài. Năm 1843, ông được bổ làm huấn đạo nhưng từ chối, xin được ở nhà phụng dưỡng mẹ già. Ở quê nhà, ông lấy việc cày ruộng, đọc sách làm sự nghiệp, lấy hiếu, đạo nghĩa để dạy con cháu và cảm hóa người dân trong hương lý. Ông có lòng nhân đạo luôn giúp đỡ người nghèo, người gặp hoạn nạn cả ở trong và ngoài làng. Không những đem của cải của mình để giúp đỡ, ông còn vận động mọi người quyên góp mỗi khi trong vùng có thiên tai. Sách “Đại Nam liệt truyện” có đoạn viết về ông như sau: Hồi đầu năm 1848, mùa màng luôn bị thất bát, Đạo quyên chẩn không ngại tốn, làng Đạo ở và những thôn xã lân cận nhờ thế được sống qua rất nhiều. Từ năm 1858-1863, vùng bờ biển hữu sự, dân trong hạt đói, tỉnh thần phái ủy cho đạo đi khuyên quyên được 6 vạn quan. Đạo lại tự quyên của nhà để cấp cho hương binh và giúp việc phát chẩn, tiền cũng như thóc đều kể có hàng vạn...

Ông còn vận động nhân dân trong làng khai hoang, làm thủy lợi để có thêm đất canh tác, lập nghĩa thương để làm kế phòng đói, nhờ thế trong làng được no đủ, đời sống được an lành, ai cũng nhớ ơn và kính trọng ông. Ông khuyến khích dân làng đặt ra học điền, xây trường mời thầy về dạy cả văn lẫn võ. Nhờ thế làng Hà Lam trở thành ngôi làng văn vật hàng đầu cả huyện. Ông còn vận động xây chùa chiền, lập hương ước, cải thiện trong phong tục. Đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được cải thiện. Thấy dân làng An Phú, Dục Thúy trong huyện không có đất canh tác, phải ăn ở lênh đênh trên mặt nước, ông đã vận động dân làng mình chia sẻ, đem 20 mẫu công điền nhượng cho. Công trạng của ông được quan địa phương tâu lên triều đình đề nghị khen thưởng. Đích thân vua Tự Đức thưởng ông 2 tấm ngân bài. Dân làng ông cũng được triều đình thưởng một tấm biển có 4 chữ “Thiện tục khả phong” (Thói thiện đáng làm gương).

Các quan đến trấn nhậm tại địa phương đều tìm đến ông để tìm hiểu tình hình và xin ông lời khuyên. Tất cả đều được ông giải trình cặn kẽ, nhờ thế việc trị nhậm đem lại hiệu quả. Ai cũng kính trọng và nhớ ơn ông.Nguyễn Đạo là người có công đầu trong việc xây dựng Văn thánh của huyện Lễ Dương. Năm 1856 dưới triều Tự Đức, văn thân hàng huyện đã tín nhiệm đề cử ông đứng ra vận động kinh phí và tấu trình lên triều đình xin thành lập văn thánh cho huyện làm nơi thờ Khổng Tử, các vị khoa bảng và khuyến khích việc học hành cho con em của huyện. Nhờ uy tín của ông mà triều đình chuẩn y. Ông cũng vận động dân làng Hà Lam hiến đất để xây dựng văn thánh. Nhờ vậy việc xây dựng được tiến hành trôi chảy, nhanh chóng.

Các con ông đều học hành thi cử đỗ đạt, một người là phó bảng (Nguyễn Thuật) làm đến tứ trụ triều đình, hai người là cử nhân (Nguyễn Tạo và Nguyễn Duật), một người là tú tài (Nguyễn Suyền). Cháu ông cũng đỗ cử nhân, tú tài (Nguyễn Chức và Nguyễn Kinh). Ông luôn dạy con cháu dù làm quan đỗ đạt cũng luôn phải làm việc nghĩa, giữ âm đức cho dòng họ, tổ tiên. Ông thường bảo: Nếu xuất hiện một vị tiến sĩ làm hại âm đức thì không bằng xuất hiện một người bình thường biết tiếp tục làm phúc. Trên bước đường hoạn lộ, các con ông luôn nhớ lời khuyên của cha, vì vậy tất cả đều trở thành “hoạn đồ thanh thản”, được nêu danh tốt trong sự nghiệp làm quan, được triều đình tin tưởng nêu gương, nhân dân mến phục. Nguyễn Thuật làm quan trải 8/13 đời vua triều Nguyễn, được phong Thái tử thiếu bảo Hiệp biện đại học sĩ, tước An Trường tử lĩnh Lại bộ Thượng thư.

Lời bàn:

Từ nội dung của giai thoại này cho thấy, Nguyễn Đạo đã tạo dựng nên một gia đình, dòng tộc có phẩm hạnh nhân nghĩa. Vì thế, “Quốc sử quán triều Nguyễn” đã dành 4 trang để ca ngợi đức hạnh của ông, như sau: Đạo lại khuyến khích dân làng đặt ra học điền, dựng trường học văn, học võ mời thầy về dạy. Cho đến chùa chiền, cầu đập, đồng ruộng, thủy lợi, hết thảy đều được sửa sang, việc gì cũng có rõ ràng đâu ra đấy... Học trò trong làng văn cũng như võ, đỗ đạt nối gót nhau, bèn thành một làng danh vọng trong hàng huyện...

Nếu không có lòng yêu nước, vì dân thì Nguyễn Đạo cũng như hậu duệ nhiều đời sau của ông không thể được tôn vinh như vậy. Và thực tế từ Nguyễn Đạo đến con, cháu, chắt của ông đều chiến đấu không mệt mỏi, luôn tìm cách giành bằng được độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, dẫu có hy sinh sinh mệnh. Đây là tính cách đặc trưng của những nho sĩ đất Quảng Nam. Bởi họ luôn “hằn sâu trong tư duy một ý thức trách nhiệm chính trị đối với vận mệnh chung của đất nước”. Và sử của nhà Nguyễn đã phải thừa nhận rằng: Họ luôn sốt sắng với việc công, hễ thấy việc nghĩa, việc phải thì làm,... Tiếc rằng, hậu thế thời nay không phải ai cũng làm được như vậy. Vì thế, trong xã hội mới có những cụm từ “văn hóa phong bì”, “tham nhũng vặt”, “chạy tội, chạy chức, chạy quyền, chạy điểm thi”,...

N.D

  • Từ khóa
110159

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu