Thứ 4, 08/05/2024 15:46:24 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:10, 28/02/2019 GMT+7

Thiền sư Hương Hải

Thứ 5, 28/02/2019 | 13:10:00 218 lượt xem

BP - Hương Hải tục gọi là Tổ Cầu, là cao tăng sống vào cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII. Không rõ tên thật của ngài, chỉ biết quê gốc ở làng Áng Độ, huyện Chân Phúc (thời Tây Sơn đổi thành Chân Lộc, năm 1889 đổi thành Nghi Lộc), phủ Đức Quang, xứ Nghệ An, nay là huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Theo Lê Quý Đôn trong “Kiến văn tiểu lục” thì ông tổ năm đời của thiền sư Hương Hải làm quan Quản chu tượng - coi thợ đóng thuyền cho triều đình. Ông có 2 người con trai, người con cả có tước Hùng quận công; người con thứ được phong tước Trung lộc hầu và là ông tổ bốn đời của Hương Hải.

Đời vua Lê Anh Tông, Trung lộc hầu theo Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa. Ông được Nguyễn Hoàng tin dùng nên thăng chức Chánh cai, quản lãnh các lính thợ đóng thuyền. Về sau, ông được phong hiệu Khởi Nghĩa Kiệt Tiết Công Thần, cấp cho 30 mẫu ruộng và con cháu được thế tập. Khi Trấn thủ Quảng Nam là Nguyễn Bá Quýnh được đổi về làm Trấn thủ Nghệ An, Nguyễn Hoàng kiêm quản luôn trấn Quảng Nam (1570) thì Trung Lộc hầu được cử vào Quảng Nam và đến định cư tại phủ Thăng Hoa.

Minh họa: S.H

Hương Hải thiền sư là người thông minh, hiếu học nên khi mới 18 tuổi (1646), ông đã thi đỗ hương tiến (cử nhân), được bổ làm văn chức trong phủ chúa Nguyễn Phúc Lan. Sau đó, ông được bổ làm Tri phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 25 tuổi, ông được làm quen với thiền sư Lục Hồ Viên Cảnh - vị du tăng người Trung Hoa lúc bấy giờ đang hành đạo ở đàng Trong và bắt đầu say mê nghiên cứu Phật học với vị thiền sư này. 3 năm sau, ông từ quan rồi xuất gia. Sau đó, Hương Hải còn được học đạo với một du tăng người Trung Hoa khác tên là Đại Thâm Viên Khoan.

Khi xuất gia, ông dong thuyền ra Cù Lao Chàm, nay thuộc xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, lên núi Tiêm Bút La, cắt tranh chặt tre làm một thảo am 3 gian để tu thiền. Tu được 8 tháng thì gặp trở ngại nên ông bỏ Tiêm Bút La về lại đất liền định lập am ở làng Bình Yên Thượng, phủ Thăng Hoa để tiếp tục tu hành. Nhưng người dân ở Cù Lao Chàm cho người đi tìm và rước ông ra lại đảo. Ông cùng đệ tử trở lại đảo và hành đạo tại đây suốt 8 năm. Trong thời gian này, ông có trở lại đất liền 2 lần để chữa bệnh. Lần thứ nhất được Trấn thủ Quảng Nam là Thuần quận công thỉnh về để cầu an chữa bệnh cho phu nhân. Sau khi lành bệnh, phu nhân và cả gia đình đã lạy ông để xin quy y đầu Phật.

Nghe tiếng đồn về tài năng và đạo hạnh của ông, chúa Nguyễn Phúc Tần cho đón ông về kinh, xây Thiền Tĩnh Viện trên núi Quy Kinh (nay thuộc xã Hoài Ân, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) để ông giảng đạo và cầu an cho hoàng tộc, đất nước. Quốc Thái phu nhân (mẹ Nguyễn Phúc Tần) và 3 công tử Phúc Mỹ, Hiệp Đức và Phúc Tộ cùng đến quy y học đạo với ông. Các quan lại trong triều, dân chúng và cả quân lính cũng đến lạy ngài xin quy y. Lúc này, Thiền Tĩnh Viện trở thành một trung tâm Phật giáo nổi tiếng của xứ đàng Trong. Trong số người đến quy y, lui tới chùa có quan Thị nội giám Gia quận công vốn là người từ đàng Ngoài trốn chúa Trịnh vào Nam được chúa Nguyễn tin dùng, rất tâm đắc với ông, thường xuyên đến chùa cùng đàm đạo về đạo pháp. Vì việc này quan Thị nội giám Gia quận công và thiền sư bị nhà chúa nghi ngờ có mưu phản, âm mưu trốn ra Bắc theo họ Trịnh.

Chúa Nguyễn Phúc Tần đã đem ông ra tra khảo nhưng không tìm ra bằng chứng nên sau đó trục xuất khỏi kinh đô đưa về lại Thăng Hoa, Quảng Nam. Vì sự bạc đãi của chúa Nguyễn Phúc Tần, thiền sư Hương Hải cùng hơn 50 đệ tử quyết đóng thuyền vượt biển ra Bắc. Sau đó, chúa Trịnh Căn cho Đường quận công đưa thuyền đón ông và đoàn tùy tùng về Thăng Long ban thưởng rất hậu. Sau 8 tháng ở trấn Sơn Tây, chúa Trịnh Căn  sai lập am Chuẩn Đề ở Sơn Nam cho ông tu hành. Suốt 17 năm tại đây, ông chú tâm vào việc tu hành và sáng tác. Ông đã để lại cho đời sau một sự nghiệp trước tác giá trị.

Lời bàn:

Tuy là một thiền sư nhưng ông có quan điểm không giống các thiền sư đương thời ở chỗ “không trốn chạy sự vật”. Vì theo ông: Đối tượng của giác quan như âm thanh, hình sắc sở dĩ áp đảo được tâm ta vì tâm ta chưa quan sát và thấu đáo được bản chất của tâm cũng như những đối tượng ấy. Bản chất của tâm cũng như của sự vật là chân tâm - nghĩa là thực tại không sinh diệt, mà văn học Bát Nhã gọi là không. Nếu tâm đã về chân tâm thì cảnh cũng trở về chân cảnh: Không cần có sự chạy trốn mà giải thoát trở thành hiện thực.

Với người đương thời và cả hậu thế hôm nay, thiền sư Hương Hải là người am hiểu nhiều lĩnh vực: Thơ, văn, quân sự, địa lý, triết học, y học. Ông là một tác gia lớn không những của văn học và triết học Phật giáo Việt Nam, mà còn của văn học và lịch sử tư tưởng Việt Nam nói chung. Ông đã để lại cho đời sau nhiều tác phẩm nghiên cứu quan trọng. Nhân tài là nguyên khí của quốc gia, cả vua Lê, chúa Trịnh và cả chúa Nguyễn đều rất kính nể đạo hạnh, tài năng của ông. Tiếc rằng, cả vua Lê, chúa Trịnh và chúa Nguyễn đều không phát huy được tài năng của ông để trị quốc.

ND

  • Từ khóa
110154

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu