Thứ 5, 09/05/2024 09:16:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:00, 19/02/2019 GMT+7

Võ công hiển hách      

Thứ 3, 19/02/2019 | 15:00:00 157 lượt xem

BP - Theo sách “Danh nhân Bình Định”, từ hàng ngàn năm trước, vùng đất Hoài Nhơn - Bình Định thuộc Quảng Nam thừa tuyên từng diễn ra những trận “thư hùng” giữa quân, dân nước Đại Việt với quân Chămpa và lưu dấu những chiến công oanh liệt của nhiều võ vương, võ tướng, võ nhân, như: Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Uy Minh Vương - Lý Nhật Quang, Lê Thánh Tông, Phạm Nhữ Tăng, Đa Thủy, Ba Thái, Lê Ỷ Đà, Đỗ Tử Quy... Trong số này, Phạm Nhữ Tăng là võ tướng từng lập nhiều chiến công vang dội trên đất Hoài Nhơn - Bình Định và để lại những dấu ấn quan trọng.

Sử sách từng ghi nhận sự nghiệp mở cõi Đại Việt của vua Lê Thánh Tông và các võ tướng của ngài. Vào khoảng những năm đầu triều đại nhà Lê, vua nước Chămpa là Trà Toàn có mưu đồ muốn “sinh sự” với nước Đại Việt. Một mặt Trà Toàn cử người sang cầu viện nhà Minh, một mặt cho quân liên tục quấy nhiễu biên cương Đại Việt. Vì vậy, vào năm Hồng Đức thứ nhất, vua Lê Thánh Tông sai sứ giả sang Tàu “kể tội Trà Toàn quấy nhiễu nước Nam”. Đồng thời, đích thân nhà vua chỉ huy binh mã, cất quân sang Chămpa hỏi tội Trà Toàn. Trong số những tướng lĩnh cùng đi “chinh phạt” Chămpa với vua Lê Thánh Tông có võ tướng Phạm Nhữ Tăng.

Theo nhiều tư liệu lịch sử còn lưu lại đến ngày nay, võ tướng Phạm Nhữ Tăng là cháu 4 đời của ông Phạm Nhữ Dực - con trai thứ 5 của danh tướng thời nhà Trần là Phạm Ngũ Lão. Cũng theo nguồn tư liệu này, danh tướng Phạm Ngũ Lão không chỉ nổi tiếng với những chiến công hiển hách trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông, mà còn là bậc tiền hiền đã có công khai phá, sáng lập vùng đất biên cương của Đại Việt, trong đó có Quảng Nam. Khi đó, Phạm Ngũ Lão đang là Chánh đô An Phủ sứ Thăng Hoa lộ.

Vào năm Đại Hòa thứ ba (1445) triều vua Lê Nhân Tông, Phạm Nhữ Tăng thi đỗ đệ nhị Điện hoằng Từ khoa, được phong làm Thái bảo kiêm Tri quân Dân chính Sự vụ. Đến năm vua Quang Thuận thứ bảy (1466) triều vua Lê Thánh Tông, ông được ban sắc phong làm Phụ chánh Tham tướng phủ, Quảng Dương hầu, Bình chương Quân quốc Trọng sự. Khi dấy binh chinh phạt Chămpa, võ tướng Phạm Nhữ Tăng được vua Lê Thánh Tông phong làm Trung quân Đô thống, lãnh ấn tiên phong, chỉ huy 10 vạn quân.

Trước khi tấn công đánh vào cửa Thị Nại - Quy Nhơn ngày nay, vua Lê Thánh Tông sai các võ tướng cho người ngầm vẽ địa đồ kỹ lưỡng. Nhờ vậy mà tướng sĩ của Đại Việt do Phạm Nhữ Tăng chỉ huy đã nhanh chóng buộc quân Chămpa phải bỏ Thị Nại chạy vào cố thủ ở kinh thành Vijaya (Bình Định hiện nay). Thừa thắng xông lên, võ tướng Phạm Nhữ Tăng cho quân bao vây, phá thành Đồ Bàn, tiêu diệt quân Chiêm, bắt sống Trà Toàn. Tướng Chămpa là Bô Trì Trì phải chạy tháo thân về đất Phan Lung rồi cho sứ sang cống và xin xưng thần. Ngày 1-3-1471, nước Đại Việt được mở đến núi Thạch Bi (giáp ranh 2 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa).

Ngay sau khi giành thắng lợi, vua Lê Thánh Tông sai người mài đá, khắc vào bia 2 dòng chữ: Chiêm Thành quá thử, binh bại tướng vong; An Nam quá thử, tướng tru binh diệt (nghĩa là: Chiêm Thành qua đấy, quân thua, nước mất; An Nam qua đấy, tướng chết, quân tan). Khắc xong, nhà vua cho dựng bia ở một đỉnh núi cao nhất, gần bên bờ biển. Theo “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn thì mặt bia hướng về Nam. Ngày 1-5-1471, tại kinh thành Thăng Long, cùng với nhân dân và hàng vạn quân sĩ Đại Việt, võ tướng Phạm Nhữ Tăng đã dự lễ mừng chiến thắng. Tiếp đó, tháng 6-1471, vua Lê Thánh Tông chính thức đặt tên cho vùng đất mới mở là phủ Hoài Nhơn, lệ vào Quảng Nam thừa tuyên. Đất Bình Định chính thức được khai sinh từ đây và võ tướng Phạm Nhữ Tăng chính là một trong những bậc tiền hiền có công lập nên vùng đất Hoài Nhơn - Bình Định.

Ngay sau khi Quảng Nam thừa tuyên được thành lập, Phạm Nhữ Tăng được vua Lê Thánh Tông cử cai quản vùng đất biên cương mới mở của Đại Việt, với chức Quảng Nam Đô thống phủ. Ngày 21-2-1477, do tuổi cao, sức yếu, danh tướng Phạm Nhữ Tăng đã trút hơi thở cuối cùng tại kinh thành Đồ Bàn - nơi ông từng cùng các tướng sĩ nhà Lê bao phen chinh chiến, vào sinh, ra tử và lập nên nhiều chiến công hiển hách. Sau này, thi hài của ông được con cháu họ Phạm đưa về cải táng tại khu vực núi Quế thuộc Quế Sơn, Quảng Nam.

Lời bàn:

Sau khi biết tin ông qua đời, vua Lê Thánh Tông lấy làm thương tiếc, bèn hạ chiếu rằng: Khanh là người có công mở mang bờ cõi, phục vụ ba triều, đã vì triều đình coi trọng, vì đất nước an nguy, song khanh số sống đã tận, sức cùng không chữa được, thọ bệnh mà chết. Ta đây lòng không yên. Khanh khi sống vì nghĩa mà vô tư, vì nước mà ra sức. Ta đối với khanh rất nặng tình, 6 năm yêu nước mến vua, nếm mật nằm gai, con cháu ngày sau thừa hưởng. Chỉ với bấy nhiêu lời của một bậc quân vương cũng đã là quá đủ để cả người đương thời và hậu thế hiểu rõ hơn cuộc đời và sự nghiệp của Phạm Nhữ Tăng với những võ công hiển hách.

Cũng theo sử cũ, đến đời vua Lê Thần Tông, niên hiệu Dương Hòa, đã sắc phong ông là Chánh ngự Nam phương Phạm phủ quân phò Hựu thượng Đẳng thần. Trên 542 năm đã trôi qua kể từ ngày danh tướng Phạm Nhữ Tăng qua đời, Hoài Nhơn - vùng đất mà võ tướng Phạm Nhữ Tăng góp phần khai phá, tạo lập đã phát triển rộng lớn, giàu đẹp. Song, người dân Bình Định nói riêng và các thế hệ người Việt Nam hôm nay cũng như mai sau không bao giờ quên tên tuổi cũng như những công lao to lớn của danh tướng Phạm Nhữ Tăng.

ND

  • Từ khóa
110150

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu