Thứ 5, 09/05/2024 12:40:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:55, 02/01/2019 GMT+7

Nguyễn Khuyến dạy con

Thứ 4, 02/01/2019 | 09:55:00 589 lượt xem

BP - Nguyễn Khuyến tên thật là Nguyễn Thắng, hiệu Quế Sơn, sinh ngày 15-2-1835, tại quê ngoại ở làng Văn Khế, xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Hà Nam (nay là huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Quê nội của ông ở làng Vị Hạ (tục gọi là làng Và), xã Yên Đổ, nay là xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông mất ngày 5-2-1909 tại Yên Đổ. Cha Nguyễn Khuyến là Nguyễn Tông Khởi (1796-1853), thường gọi là Mền Khởi, đỗ 3 khóa tú tài, làm nghề dạy học. Mẹ là Trần Thị Thoan (1799-1874), là con của Trần Công Trạc, từng đỗ tú tài thời Lê Mạc.

Ông cùng Trần Bích San (người làng Vị Xuyên, đỗ tam nguyên năm 1864-1865) ở trường Hoàng giáp cùng bạn học Phạm Văn Nghị. Nguyễn Khuyến nổi tiếng là người thông minh, hiếu học. Năm 1864, ông đỗ đầu cử nhân (tức giải nguyên) trường Hà Nội. Năm sau (1865), ông trượt thi hội nên quyết tâm tu chí, ở lại kinh đô học trường Quốc Tử Giám và đổi tên từ Nguyễn Thắng thành Nguyễn Khuyến, với hàm ý phải nỗ lực hơn nữa (chữ Thắng có chữ lực nhỏ, chữ Khuyến có chữ lực lớn hơn).

Đến năm 1871, ông thi đỗ Hội nguyên và đình nguyên (hoàng giáp). Từ đó, Nguyễn Khuyến thường được gọi là Tam nguyên Yên Đổ. Năm 1873, ông được bổ làm Đốc Học, rồi thăng Án Sát tại tỉnh Thanh Hóa. Năm 1877, ông thăng Bố Chính tỉnh Quảng Ngãi. Sang năm sau, ông bị giáng chức và điều về Huế, giữ một chức quan nhỏ với nhiệm vụ toản tu Quốc Sử Quán. Nguyễn Khuyến cáo quan về Yên Đổ vào mùa thu năm 1884 và qua đời tại đây.

Nguyễn Khuyến là người có phẩm chất trong sạch. Mặc dù ra làm quan nhưng ông nổi tiếng thanh liêm, chính trực. Nhiều giai thoại kể về đời sống và sự gắn bó của Nguyễn Khuyến đối với nhân dân. Ông là người có tâm hồn rộng mở, giàu cảm xúc trước cuộc sống và gắn bó với thiên nhiên.

Nguyễn Khuyến ra làm quan giữa lúc Nam kỳ rơi vào tay thực dân Pháp. Năm 1882, quân Pháp bắt đầu đánh ra Hà Nội. Năm 1885, chúng tấn công kinh thành Huế. Kinh thành thất thủ, Tôn Thất Thuyết nhân danh vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, nhân dân hưởng ứng khắp nơi. Nhưng cuối cùng phong trào Cần Vương tan rã. Sống giữa thời kỳ các phong trào đấu tranh yêu nước bị dập tắt, Nguyễn Khuyến bất lực vì không làm được gì để thay đổi thời cuộc nên ông xin cáo quan về ở ẩn. Từ đó, giấc mơ trị quốc bình thiên hạ của ông không thực hiện được nên dẫn đến tâm trạng bất mãn, bế tắc.

Trong cuộc sống thường nhật, ông là người cha mẫu mực, một vị quan liêm khiết. Tuy đậu cao, làm quan to nhưng từ khi đương chức đến lúc về hưu, Nguyễn Khuyến vẫn luôn luôn sống thanh đạm, gần gũi, chan hòa với nhân dân và ghét thói tham nhũng, hách dịch. Lúc con trai ông là Nguyễn Hoan làm quan tư phủ, ông làm thơ dặn dò: “...Thuyền chèo bể hoạn lòng nên nhẹ. Lợi bén hơi đồng mắt chớ tham...”.

Có một lần, Nguyễn Hoan về thăm cha vợ ở làng Vĩnh Trụ, huyện Thanh Liêm. Khi không thấy hương lý, dân làng ra nghênh tiếp, Nguyễn Hoan liền sai lính gọi lý trưởng đến cảnh cáo và đánh cho một trận nên thân. Sự việc này đến tai Nguyễn Khuyến, ông lấy làm tức giận vì con mình cậy quyền, ỷ thế hống hách, tàn bạo. Cách 1 tháng sau, Nguyễn Hoan về thăm gia đình. Được tin, hương lý và dân làng tề tựu để nghênh tiếp quan. Cụ Nguyễn Khuyến cũng khăn áo chỉnh tề ra chào. Cụ bước tới gần cáng, Nguyễn Hoan trông thấy vội vàng xuống: Thưa cha, sao cha lại làm thế, con rất có tội với cha. Cụ nói: Bẩm quan lớn, tôi tuy già yếu nhưng vẫn là một người dân trong làng. Nếu không ra chào quan, sợ bị đòn đau như lý trưởng làng Vĩnh Trụ thì chịu sao nổi. Nguyễn Hoan sụp lạy: Con đã không làm theo lời cha là: Làm quan phải biết thương dân, đừng hách dịch, đánh đập dân. Con xin tạ tội trước cha và hứa từ nay xin chừa.

Cụ Tam nguyên Yên Đổ không những “dạy con từ thuở còn thơ” mà còn dạy con khi đã khôn lớn, uốn nắn kịp thời những thói hư, tật xấu của con một cách nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc, sâu sắc vô cùng.

Lời bàn:

Nguyễn Khuyến vốn là người nặng nghĩa cha con. Ông cáo quan thì con ông mới bắt đầu hoạn lộ, bao điều thiêng liêng, tích chứa trong cả đời người lận đận, gian lao, ông muốn trao cả cho con, giúp con hành trang để vào đời. Điều ông nhắc đi nhắc lại trong các bài thơ dạy con là phải có đóng góp thiết thực cho cuộc đời. Muốn thế phải học kiểu nào, sống thế nào, xử trí thế nào để hài hòa danh - tiết, lợi - chí. Điều đáng trân trọng là Nguyễn Khuyến dạy con không theo sách vở, ông tự đúc kết từ đời mình mà khuyên nhủ các con. Lời khuyên do vậy thân gần, thiết thực nhưng lại là nền móng cho con cái, rộng hơn là cho kẻ sĩ nhiều đời trên con đường lập thân, lập nghiệp.

Nguyễn Khuyến dạy con từ kinh nghiệm bản thân trong thực tiễn thời cuộc. Ông từ quan thì con lại ra làm quan. Ông không phản đối mà mừng, nhưng không quên khuyên dạy rằng danh tiết thường đi với nhau. Danh là cái bóng của người. Nhưng danh lẫy lừng quá thì người dễ thành cái bóng của danh, nó bắt người khóc, cười theo cái vai hư ảo của nó, chứ không còn theo nhu cầu của người nữa. Và nội dung của giai thoại này là một minh chứng sống động, mang ý nghĩa giáo dục cao. 

N.D​​​​​​​

  • Từ khóa
110134

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu