Thứ 5, 09/05/2024 17:27:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:45, 04/11/2018 GMT+7

Tấm lòng son

Chủ nhật, 04/11/2018 | 13:45:00 272 lượt xem

BP - Lý Ông Trọng tên thật là Lý Thân, là nhân vật có thật, song vào thời của ông không có văn bản ghi chép đầy đủ nên còn có các câu chuyện thêu dệt thêm. Di tích cổ thờ tự ông là đình Chèm, xã Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội. Trong đình có các bia đá ghi chép lại lịch sử và nhân vật, đồng thời thờ 2 pho tượng đồng lớn: một là của Thượng đẳng Thiên vương Lý Ông Trọng, pho tượng còn lại là của bà vợ, hiệu Hoàng phi Bạch Tĩnh Cung (con gái của Tần Thủy Hoàng). Di tích đình còn nguyên vẹn, kiến trúc rất đẹp do thợ tay nghề của nước Tần xây dựng. Theo đó, ông sống vào cuối đời Hùng Duệ Vương, đầu thời An Dương Vương.

Cuộc đời Lý Ông Trọng được nhiều sách như “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Việt sử tiêu tán” hay “Việt điện U linh” ghi chép. Ông sinh ra tại làng Chèm (nay thuộc huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội), sống vào cuối đời Hùng Vương và những năm đầu thời Thục An Dương Vương (thế kỷ thứ III trước Công nguyên). Theo “Lĩnh Nam chích quái”, Lý Ông Trọng là bậc dũng sĩ, vóc dáng cao to, khí chất phi phàm. Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” mô tả ông cao 2 trượng 3 thước (gần 2m), khí chất đoan dũng, khác với người thường. Cuốn “Giai thoại Lịch sử Việt Nam” của tác giả Kiều Văn ghi rằng, dưới thời An Dương Vương, Lý Ông Trọng giúp vua Thục Phán đánh tan quân xâm lược nhà Tần (năm 208 trước Công nguyên).

Minh họa: S.H

Sau khi An Dương Vương lên ngôi, ông được vua cử đi sứ sang nước Tần. Tần Thủy Hoàng thấy ông uy nghi, dũng lược như thần nên mừng lắm, bèn chọn làm võ tướng, phong đến chức “Tư lệnh hiệu úy” (chức quan võ vào hàng cao nhất trong triều). Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc năm 221, Lý Ông Trọng được phái đến trấn giữ đất Lâm Thao (tỉnh Cam Túc, Trung Quốc ngày nay). Thời đó, mặc dù Tần Thủy Hoàng uy danh ngàn vạn dặm nhưng biên giới phía Bắc luôn bị quân Hung Nô quấy nhiễu. Quân Tần có Vạn Lý Trường Thành nhưng vẫn nhiều phen khốn đốn, chống đỡ liên miên.

Uy danh của Ông Trọng khiến quân Hung Nô khiếp đảm. Bởi thế, suốt thời gian ông cầm quyền chỉ huy quân đội nhà Tần ở đó, chúng không dám động binh. Cũng giống biết bao thế hệ người Việt khác, dù nhận được sự sùng kính của nhà Tần, Lý Ông Trọng chưa bao giờ thôi nhớ về quê hương. Ông viện cớ để xin vua Tần cho mình trở về thăm quê. Trước khi về nước, ông còn được Tần Thủy Hoàng phong thêm tước Vạn Tín hầu.

Sau khi ông đi, quân Hung Nô biết tin, quay trở lại tấn công nước Tần. Tần Thủy Hoàng buộc phải cử sứ giả sang Âu Lạc mời ông quay trở lại cầm quân. Nhưng vì tuổi cao lại quá nặng lòng với đất nước, Lý Ông Trọng nhất định không đồng ý. Để tránh phiền nhiễu, Lý Ông Trọng đã trốn biệt vào rừng, vua Thục phải nói với sứ giả rằng ông đã chết. Tần Thủy Hoàng không tin, dọa sẽ đem quân tấn công, đòi tìm được xác của Lý Ông Trọng mới tin ông đã chết. Cuối cùng, không còn cách nào khác, ông phải tự tử để được chết trên mảnh đất quê hương.

Sau khi tìm thấy xác, biết chắc Lý Ông Trọng đã chết, Tần Thủy Hoàng cho đúc pho tượng đồng khổng lồ hình Lý Ông Trọng, đặt ở cửa Tư Mã, kinh đô Hàm Dương. Mỗi khi thấy quân Hung Nô từ xa kéo đến, hàng chục binh lính Tần lại dùng sức đẩy cho pho tượng cử động. Từ xa, quân Hung Nô lầm tưởng Lý Ông Trọng còn sống nên sợ hãi bỏ chạy tháo thân, không dám bén mảng tới nước Tần nữa. Mặc dù đã chết, nhưng uy danh của Lý Ông Trọng vẫn bao trùm khắp mọi xứ ở Trung Quốc, Âu Lạc và cả Hung Nô. Hàng trăm năm sau, thanh danh của Lý Ông Trọng vẫn khiến nhiều tướng lĩnh Trung Hoa phải cúi đầu tôn kính.

Đến đời Đức Tông nhà Đường, niên hiệu Trinh Nguyên năm đầu, Triệu Xương đã cho xây dựng đền thờ ông và thờ cúng quanh năm. Sau đó, vào khoảng năm 860, tướng nhà Đường là Cao Biền, rất sùng bái Lý Ông Trọng, đã cho sửa sang lại đền thờ, tạc tượng gỗ, tôn xưng cho ông danh hiệu cao quý là Lý hiệu úy. Đó chính là ngôi đền thờ lịch sử ở xã Thụy Hương, huyện Từ Liêm (làng Chèm ngày nay). Hiện làng Chèm, xã Thụy Phương vẫn còn ngôi đền cổ thờ Lý Ông Trọng.

Lời bàn:

Theo nội dung của giai thoại cho thấy, vào thời chiến tranh bằng gươm giáo, sức mạnh của một người luôn luôn là lợi thế trong cuộc chiến, luôn luôn được tôn trọng. Vì thế, việc tặng dũng sĩ là món quà rất quý giá, vì người ta thường chỉ tặng cho bạn đang giao hảo tốt. Không ai tặng dũng sĩ cho kẻ có thể là thù, vì đó là thêm sức mạnh cho địch. Hình ảnh dũng sĩ Lý Thân là biểu tượng của sức mạnh quân sự và mối bang giao hữu hảo giữa Âu Lạc với nhà Tần.

Nhưng một khi không còn tin nhau nữa, tức là lúc nói dối nhau - An Dương Vương nói dối Lý Thân bệnh chết, Tần Thủy Hoàng không tin sai sứ sang xét, An Dương Vương phải mang cháo đổ ra đất để gạt, Tần Thủy Hoàng vẫn không tin đòi mang xác đi. Rốt cuộc Lý Ông Trọng phải tự vẫn. Và khi vua 2 nước không còn tin nhau nữa, thì sự liên minh quân sự là điều không thể. Dẫu sao thì nội dung của giai thoại này cũng đã để lại cho hậu thế bài học vô giá về lòng ái quốc của người xưa. Dẫu là tướng giỏi được nhà Tần trọng dụng, nhưng Lý Ông Trọng vẫn một lòng hướng về cố quốc, thật đáng để hậu thế tôn vinh và nể trọng.

ND

  • Từ khóa
110112

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu