Thứ 5, 09/05/2024 13:37:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:39, 04/10/2018 GMT+7

Giả điên thành... thật

Thứ 5, 04/10/2018 | 14:39:00 729 lượt xem

BP - Nguyễn Phúc Ánh thường được gọi tắt là Nguyễn Ánh, là vị vua sáng lập nhà Nguyễn, triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Sau khi gần như toàn bộ gia tộc bị quân Tây Sơn bắt giết năm 1777, ông trốn chạy và bắt đầu cuộc chiến 25 năm với Tây Sơn để khôi phục triều đại. Và sau nhiều lần thất bại lớn, phải cầu viện Xiêm La rồi Pháp, ông lẩn trốn khắp vùng sông nước Cửu Long trước sự truy lùng của đối phương. Năm 1787, Nguyễn Ánh thấy vua Xiêm ngày càng tỏ ra không vừa lòng vì lực lượng quân Nguyễn trở nên quá mạnh, ông viết thư cảm ơn rồi ban đêm lặng lẽ trở về vùng Gia Định. Khi này nội bộ Tây Sơn xảy ra tranh chấp giữa anh em Nguyễn Nhạc - Nguyễn Huệ khiến việc phòng bị ở Gia Định bị lỏng lẻo.

Tháng 7 âm lịch năm 1787, nhân lúc nửa đêm, Nguyễn Ánh cùng gia quyến lên thuyền bỏ về hòn Tre. Sau đó, Nguyễn Ánh đi sang đảo Cổ Cốt rồi cho mẹ và vợ con ở đảo Phú Quốc. Nguyễn Ánh đi tiếp và chiếm đất Long Xuyên (Cà Mau). Tháng 9, Nguyễn Ánh tiến đến cửa biển Cần Giờ. Trong lúc Nguyễn Huệ bận đối phó với quân Thanh tại Bắc Hà, vùng Gia Định dưới quyền Tây Sơn cũng không ổn định, quân Tây Sơn bị cô lập trước dân chúng địa phương vốn có nhiều cảm tình với chúa Nguyễn nói chung và Nguyễn Ánh nói riêng. Tướng Tây Sơn giữ Long Xuyên là Chưởng cơ Nguyễn Văn Trương hàng quân Nguyễn. Nguyễn Ánh đồng thời thu nhận được nhiều binh lính ở địa phương, sau đó ông bắt đầu tổ chức tấn công Tây Sơn.

Vì trúng mưu của Nguyễn Ánh ly gián quân Tây Sơn với Nguyễn Lữ và cuối cùng là cái chết vì bệnh của Nguyễn Lữ đã làm thế Tây Sơn ở Gia Định ngày càng yếu. Mặc dù vậy tướng Tây Sơn là Phạm Văn Tham vẫn cố đơn độc chiến đấu và nhiều lần đánh lui quân Nguyễn, có lần đã buộc Nguyễn Ánh và thuộc hạ phải chạy tới tận Cù lao Hổ. Tuy nhiên, ở sông Ba Việt, tướng Tây Sơn là Nguyễn Kế Nhuận mang 10 chiến thuyền đến hàng Nguyễn Ánh. Lê Văn Quân lại đánh thắng Tây Sơn ở sông Ba Lai rồi quân Nguyễn Ánh tiến chiếm Mỹ Tho. Và Nguyễn Ánh đã tìm cách củng cố thế đứng ngay khi chiếm được Mỹ Tho: Ông cho thành lập các dinh trấn và tổ chức lại quân đội.

Sau đó, tướng Tây Sơn là Phạm Văn Tham tổ chức tấn công Mỹ Tho, quân Nguyễn Ánh thua, chỉ còn hơn trăm người và vài chục chiến thuyền chạy về Hổ Châu. Nguyễn Ánh sai Nguyễn Văn Tồn chiêu dụ thêm người Khơme ở xứ Trà Vinh và Mân Thít để làm lính, gọi là đồn Xiêm binh (sau đổi thành đồn Uy Viễn). Thời kỳ này, Nguyễn Ánh về trú tại làng Tân Long, xứ Sa Đéc. Thấy dân làng thuần hậu, ông đổi tên làng thành Long Hưng (nay thuộc xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp). Tại ngôi làng này, Nguyễn Phúc Ánh được ông Nguyễn Văn Mậu - một bậc hào phú, giúp đỡ hết mình. Gia đình ông Mậu đã mở cả kho lúa của mình làm lương thực, xuất tiền của chu cấp cho đội quân chúa Nguyễn nhiều tháng trời. Ngoài ra, ông còn vận động con cháu và trai trẻ trong làng đi theo chúa Nguyễn. Đáp lại nghĩa cử của Nguyễn Văn Mậu, Nguyễn Phúc Ánh gọi ông là cha nuôi.

Không chỉ giúp đỡ về quân sự, ông Mậu còn ngỏ ý muốn gả con gái út cho Nguyễn Phúc Ánh làm vợ lẽ và chúa Nguyễn cũng đã ưng thuận. Tuy nhiên, cô gái không bằng lòng, chỉ muốn giữ mối quan hệ với chúa Nguyễn ở “tình anh em” mà thôi. Để chúa Nguyễn không còn vương vấn, cô đã giả điên, thường tự bôi bẩn lên mặt mũi, xõa tóc rũ rượi và làm những điều quái dị. Nhưng điều này không làm chúa Nguyễn quên cô mà chỉ khiến ông buồn đau, tiếc thương cho số phận một cô gái trẻ đẹp. Ông Mậu cũng không hiểu, tưởng con gái mình ưu tư đến mất trí, lòng vô cùng đau đớn. Trớ trêu thay, từ giả điên, cô gái phát cuồng thật, tâm trí rối loạn mà thành bệnh rồi qua đời. Cũng có lời kể khác cho rằng, cô gái không dám trái lời cha nên chấp nhận lấy chúa Nguyễn nhưng khi đoàn thuyền rước đi từ nhà ra chốn hành cung, cô đã lợi dụng đêm tối nhảy xuống sông và biệt tích luôn kể từ đó.

Lời bàn:

Trong thời vua chúa ngày xưa, được ngồi trên ngôi vị mẫu nghi thiên hạ và nhận sự sủng ái của bậc quân vương luôn là niềm mong mỏi của các thiếu nữ. Bởi vua chúa, quân vương luôn được coi là biểu tượng của sự giàu sang, danh vọng và quyền quý. Một khi trở thành tri kỷ của người đứng đầu một quốc gia, chắc chắn cuộc sống của họ sẽ luôn đủ đầy về vật chất, không lo lắng hay khổ đau. Thế nhưng có không ít mỹ nhân xưa đã không ngần ngại khước từ vị trí này vì những lý do khác nhau.

Người phụ nữ tài sắc trong giai thoại này là một minh chứng. Bà quyết định khước từ ngôi vị cao sang vì muốn giữ trọn đạo hiếu, giữ trọn đức tin của mình. Và với bà còn một điều đơn giản nữa là muốn giữ tình nghĩa anh em chứ không muốn nên duyên vợ chồng. Điều ấy chứng tỏ bà là người phụ nữ không ham quyền cố vị, không ham hào nhoáng chốn cung đình, chỉ muốn vui vầy với niềm hạnh phúc giản đơn nơi thôn quê hay chốn tĩnh lặng trong tâm hồn. Với bà đó mới là điều quan trọng thực sự. Một ước mơ vô cùng đơn giản nhưng xưa nay có mấy ai làm được?

N.D

  • Từ khóa
110099

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu