Thứ 5, 09/05/2024 21:38:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:30, 09/09/2018 GMT+7

Những nhà tiên tri

Chủ nhật, 09/09/2018 | 09:30:00 208 lượt xem

BP - Thời nhà Trần trị vì (1225-1400), quân Mông - Nguyên 3 lần xâm phạm bờ cõi Đại Việt nhưng đều đại bại trước sức mạnh, hào khí Đông A. Năm 1258, quân Mông Cổ đại bại lần thứ nhất. Năm 1285, khi vó ngựa quân Mông - Nguyên một lần nữa sang giày xéo non sông Đại Việt, định biến nước ta thành xứ nội thuộc. Nhà Trần dù lúc này “anh em hòa mục, vua tôi gắng sức”, tiềm lực cũng mạnh, lại có kinh nghiệm chiến thắng trước đó nhưng vua Trần Nhân Tông vẫn cậy nhờ yếu tố tâm linh.

Để thực hiện việc đó, nhân có Phùng Sĩ Chu thông hiểu tướng số, vua bèn sai ông bói xem cuộc chiến lần này được mất, mạnh yếu thế nào. Lệnh vua là lệnh của trời, lại là việc quốc gia đại sự, Phùng Sĩ Chu vâng lệnh vua gieo quẻ. Quẻ bói gieo xong, sau một hồi suy nghĩ nhẩm nghiệm, quan họ Phùng mới đoán rằng: Bẩm bệ hạ, cứ như quẻ bói mà thần gieo được, lần chống giặc này thế nào quân ta cũng đại thắng. Được lời như cởi tấm lòng, vua Nhân Tông mừng lắm, bảo: Nếu đúng như lời ngươi đoán, trẫm sẽ có trọng thưởng. Sau quả nhiên giặc Nguyên bị đánh đuổi, chiến thuyền nhà vua sau bao ngày lưu lạc đã ca khúc khải hoàn về lại kinh đô Thăng Long. Bấy giờ khi định công ban thưởng, đến lượt Phùng Sĩ Chu, vua Nhân Tông cười nói: Thiên tử không nói đùa. Lời hứa khi xưa giờ ta có dịp thực hiện cho khanh. Sau đó, vua Nhân Tông phong Phùng Sĩ Chu làm Hành khiển. Đây là một ưu ái bởi thường Hành khiển là do những trung quan, tức hoạn quan đảm nhiệm.

Theo gia phả và thần vị Phùng Sĩ Chu tại đền thờ họ Phùng ở xóm 1, xã Nam Cường, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An hiện nay thì Phùng Sĩ Chu, hiệu Tốn Trai tiên sinh, quê ở Cổ Liễu, thuộc Trà Hương (không rõ địa danh), là người trung hiếu, có tài về văn học. Do có thực tài nên ông được vua Trần yêu quý mà gả cho công chúa, sinh ra nam tử tên húy là Quang Lộc, trở thành hậu duệ tuấn tú của dòng họ Phùng ở cả nước và xứ Nghệ sau này.

Trở lại thời điểm quân Nguyên định đánh Đại Việt lần thứ hai, chúng hết đòi vua Trần sang chầu, rồi đưa chú của vua là hoàng tôn Trần Di Ái về nước, lại lấy kế mượn đường diệt Quắc đòi đi qua Đại Việt đánh Chiêm Thành, bắt ta chuẩn bị lương thảo, quân đội. Vua Nhân Tông biết chiến tranh là không tránh khỏi nhưng để chắc chắn, vào một dịp khác, vua lại sai Trần Thì Kiến bói xem sao.

Ông gieo quẻ, được quẻ Dự biến sang quẻ Chấn. Trần Thì Kiến mới theo quẻ mà rằng: Thưa bệ hạ, mùa hạ sang năm quân Nguyên tất phải thua. Mùa hạ năm 1285, nhằm tháng 4 âm lịch, những chiến thắng oanh liệt của quân dân nhà Trần “Đoạt giáo Chương Dương độ. Cầm Hồ Hàm Tử quan”... làm cho quân Nguyên đại bại phải chạy dài về phương Bắc, quả đúng như lời tiên đoán của Thì Kiến. Quân Nguyên căm tức vì nước Đại Việt nhỏ như cái đấu mà không hạ được nên bỏ cả việc đánh Nhật Bản, xua quân sang đánh nước ta lần thứ 3.

Năm 1296, Trần Thì Kiến được triều đình bổ nhiệm làm Kiểm pháp quan, nhậm chức Đại an phủ Kinh sư. Chuyện kể rằng Trần Thì Kiến tính cương trực và được Hưng Đạo Vương tiến cử nên ông được cất nhắc làm An phủ sứ Thiên Trường. Trước đó, Trần Thì Kiến cũng đã gieo được quẻ tốt nên vua Trần Nhân Tông lại sai ông trổ tài thêm lần nữa. Ông gieo được quẻ Quan biến sang quẻ Hoán, mới đoán rằng: Thưa bệ hạ, quẻ gieo được là quẻ Hoán, chữ Hoán nghĩa là tan, đây là điềm báo trước giặc Nguyên sẽ tan chạy trong nay mai.

Mặc dù ban đầu quân Nguyên đánh nước ta như “tằm ăn rỗi” nhưng với kế “thanh dã” như đã dùng ở 2 lần trước, quân dân nhà Trần lần lượt làm nên những trận Vạn Kiếp, Cao Lạng, Bạch Đằng giang... khiến lũ giặc cướp nước kinh hồn bạt vía. Đến tháng 3-1288, đất nước sạch bóng quân thù. Quẻ bói năm xưa đã thành hiện thực. Nhà vua vui lắm, tấm tắc khen tài của Trần Thì Kiến. Đến năm 1292, niên hiệu Trùng Hưng năm thứ 8, nhà vua cho đặc cách bổ dụng Trần Thì Kiến làm An phủ Lộ Yên Khang, xem như tưởng thưởng công lao của ông (Lộ Yên Khang: Xưa là Yên Ninh; nhà Lê đổi là phủ Yên Khang; nay đổi là Yên Khánh thuộc tỉnh Ninh Bình).

Lời bàn:

Với 3 lần chiến thắng quân Nguyên - Mông, quân dân nhà Trần đã làm nên kỳ tích vĩ đại trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó là đập tan tham vọng và ý chí xâm lược Đại Việt của đế chế Mông - Nguyên, bảo vệ được độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia dân tộc. Qua đó, thể hiện sức mạnh của dân tộc, đánh bại mọi kẻ thù xâm lược (góp phần nâng cao lòng tự hào dân tộc, củng cố niềm tin cho nhân dân...). Đồng thời, góp phần xây dựng truyền thống dân tộc, xây dựng học thuyết quân sự, để lại nhiều bài học cho đời sau trong cuộc đấu tranh chống xâm lược.

Theo nội dung của giai thoại nêu trên quẻ bói của 2 vị quan Phùng Sĩ Chu và Trần Thì Kiến đều có điểm chung là khẳng định chiến thắng của quân dân nhà Trần trước vó ngựa xâm lược của quân Nguyên - Mông. Người xưa tin việc tốt xấu ở quẻ bói là điều dễ hiểu. Song cũng phải thấy rằng 2 ông gieo quẻ là một việc nhưng cũng là những người tài nên hiểu được thế và lực của đất nước mới có đủ niềm tin để khẳng định chắc như đinh đóng cột như thế. Vả chăng, nếu đoán là thắng, mà không may nước Việt đại bại dưới tay nhà Nguyên, thì lúc đó vua tôi cũng đâu còn được yên thân, toàn mạng, lo gì bị vua trách phạt nên cứ bói thắng là hơn. Tất nhiên, nếu có điều đó thì cũng không phải là ý của hai vị tôi trung này.

N.D

  • Từ khóa
110088

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu